Nhưng với khối lượng nợ xấu rất lớn, xử lý bằng cách nào vẫn chưa có những giải pháp thật sự đồng nhất. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại Mỹ có thể là một kinh nghiệm đáng tham khảo.
Tính đến hết tháng 6/2012, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu là 8,6% tổng dư nợ tín dụng, bằng khoảng 10% GDP của Việt Nam. Sau một thời gian xử lý bằng một số chính sách như sử dụng quỹ dự phòng, đảo nợ..., dù đã có một số kết quả bước đầu, song nợ xấu vẫn là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong năm tới. Nhìn lại cách thức nước Mỹ đã xử lý nợ xấu, hay còn gọi là các tài sản tài chính có mức độ rủi ro cao trong 2 năm 2009 - 2010 có thể giúp chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là đối với việc đặt ra điều kiện cho các ngân hàng, DN tham gia chương trình cũng như đối với những người chịu trách nhiệm về việc mua tài sản nào và với giá bao nhiêu.
Mục đích của TARP
TARP (Troubled Assets Relief Program), chương trình mua lại các tài sản tài chính có mức độ rủi ro cao từ các định chế tài chính là một trong các biện pháp mà Chính phủ Mỹ thực hiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn xảy ra vào năm 2008. Theo đó, Chính phủ Mỹ cho phép Bộ Tài chính sử dụng ngân sách liên bang mua hoặc bảo lãnh tối đa tới 700 tỷ USD các tài sản xấu rồi bán lại hoặc là nắm giữ để hưởng “cổ tức”. Số tiền thu được sẽ nhập lại vào quỹ và tiếp tục mua tiếp tài sản.
Chương trình này nhằm mục đích khôi phục tính thanh khoản và ổn định của hệ thống tài chính Mỹ. Nhờ vào việc mua tài sản theo Chương trình TARP, thị trường mua bán những tài sản này có thể khôi phục, nhờ đó giá tài sản sẽ tăng dần và cuối cùng sẽ làm lợi cho cả phía ngân hàng thương mại và Bộ Tài chính. Ngoài ra, TARP cũng khuyến khích các ngân hàng khôi phục lại hoạt động cho vay như trước khủng hoảng, cả cho vay lẫn nhau cũng như cho DN và người tiêu dùng vay.
Chương trình TARP quy định, Bộ trưởng Tài chính phải mua các tài sản xấu, vốn kém thanh khoản và khó định giá ở mức giá thấp nhất, phù hợp với mục đích của Chương trình và đảm bảo phản ánh giá trị cơ bản của tài sản.
Điều kiện tham gia chương trình và công tác giám sát
Các tổ chức tham gia chương trình bao gồm tất cả ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm, quỹ tín dụng, đại lý hoặc môi giới chứng khoán, hoặc công ty bảo hiểm của Mỹ và phải đáp ứng một số điều kiện nghiêm ngặt như phát hành chứng quyền góp vốn cổ phần cho Bộ Tài chính, bị kiểm soát về lương bổng của giám đốc điều hành và quản trị DN…
Một hệ thống các quy định về giám sát và báo cáo được đưa ra nhằm hạn chế nguy cơ lạm dụng, tùy tiện hoặc không tuân theo quy định của pháp luật. Theo đó, một Hội đồng giám sát bao gồm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của Hệ thống Dự trữ Liên bang (tức Chủ tịch Fed), Bộ trưởng Tài chính, Giám đốc Cơ quan Tài chính nhà Liên bang, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán và Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển đô thị. Hội đồng này có thẩm quyền giám sát; đề xuất các kiến nghị với Bộ trưởng Tài chính về việc sử dụng các quyền hạn theo luật và báo cáo mọi nghi ngờ gian lận, hiểu sai, hoặc hành động phi pháp đến Tổng thanh tra đặc biệt của Chương trình hoặc đến Tổng chưởng lý (Attorney General).
Tổng thanh tra đặc biệt, do Tổng thống bổ nhiệm, có nhiệm vụ thực thi, giám sát và phối hợp công tác kiểm toán và thanh tra đối với hoạt động mua bán, quản lý các tài sản có vấn đề của Bộ trưởng Tài chính, cũng như với mọi chương trình do Bộ trưởng Tài chính thành lập và quản lý.
Một Ủy ban giám sát bao gồm các thành viên của Hạ viện và Thượng viện sẽ giám sát thực trạng của thị trường tài chính và hệ thống điều tiết, báo cáo cho Quốc hội về tình hình thực thi Chương trình của Bộ trưởng Tài chính.
Bộ trưởng Tài chính phải cung cấp báo cáo hàng tháng lên Quốc hội về hoạt động triển khai TARP của mình, các chi phí hành chính phát sinh và báo cáo tài chính chi tiết. Sau mỗi lần mua 50 tỷ USD tài sản có vấn đề, Bộ trưởng Tài chính phải có báo cáo nhanh lên Quốc hội, mô tả chi tiết tất cả các giao dịch đã thực hiện, cơ chế định giá đã sử dụng và giải thích cụ thể về điều kiện tài chính ràng buộc của các giao dịch này. Báo cáo cuối cùng mà Bộ trưởng Tài chính được yêu cầu cung cấp cho Quốc hội là Báo cáo Hiện đại hóa quy định điều tiết (Regulatory Modernization Report), trình bày về hiện trạng của thị trường tài chính, hiệu quả của hệ thống quản lý tài chính và đề xuất các khuyến nghị.
Kết quả
Tính đến ngày 31/3/2011, Bộ trưởng Tài chính mới thực dùng 410,5 tỷ USD vào 12 chương trình, còn 58,9 tỷ USD khả dụng trong quỹ. 12 chương trình mà TARP tham gia được phân vào 4 nhóm: hỗ trợ chủ sở hữu nhà, hỗ trợ tổ chức tài chính, hỗ trợ tài sản, hỗ trợ ngành ô tô.
Theo thống kê của Bộ Tài chính Mỹ, tính đến 30/6/2012, có 306 thành viên tham gia chương trình TARP (302 ngân hàng, 2 DN sản xuất ô tô, 2 cơ quan quản lý PPIP tiền nhiệm) đã tất toán hết cả nợ vay cả gốc lẫn lãi, mua lại hết cổ phiếu của mình; và 24 thành viên tham gia chương trình TARP đã trả được một phần nợ gốc, cổ phiếu của mình với tổng trị giá thu về cho Bộ Tài chính là 302,5 tỷ USD. Như vậy, quỹ vốn TARP còn 154,4 tỷ USD dư nợ (chưa được hoàn trả) và chỉ còn 7,6 tỷ USD trong quỹ chưa sử dụng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã thu về được 41,1 tỷ USD tiền lãi, lợi tức và thu nhập khác, bao gồm cả 9,2 tỷ USD giao dịch hợp đồng bảo lãnh và cổ phiếu đang thực hiện.
Hiệu quả của TARP và bài học với hệ thống ngân hàng Việt Nam
Tính đến 31/5/2012, tổng nguồn thu từ các quỹ đầu tư TARP vào khoảng 343 tỷ USD, tức 82% của con số 416 tỷ USD mà quỹ đã phân bổ tính đến thời điểm đó. Tác động chi phí của chương trình TARP đến thâm hụt ngân sách được ước lượng dựa trên các thông số dữ liệu thị trường đến ngày 31/5/2012 là vào khoảng 63,5 tỷ USD cho năm ngân sách 2013, thấp hơn so với con số ước tính trước đó là 67,8 tỷ USD (tức giảm được 4,3 tỷ USD) và giảm đáng kể so với các con số dự toán các năm 2009 là 356 tỷ USD, năm 2010 là 341 tỷ USD. Nguyên nhân là do nhiều cổ phiếu mà Bộ Tài chính nắm giữ đã lên giá.
Trước đây, nhiều người lo ngại rằng, Chính phủ Mỹ sẽ tốn kém đến 700 tỷ USD và phải nắm giữ lâu dài những công ty như GM, AIG và Citigroup, thì hiện rất nhiều trong số những công ty này đang hoàn trả những khoản vay từ Bộ Tài chính và thoát ra khỏi chương trình TARP chỉ trong vòng một năm.
Một kết quả đáng nói hơn là tính ra đến đầu năm 2012, nền kinh tế Mỹ đã có thêm hơn 4,1 triệu việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 8,2% (đến thời điểm hiện tại đã xuống dưới 8%), tỷ lệ thất nghiệp dài hạn (trên 27 tuần) cũng chỉ ở mức khoảng 3,8%.
Tuy nhiên, không tránh khỏi thực tế triển khai, cũng có nhiều trường hợp lợi dụng khoản vay để sử dụng sai mục đích.
Như vậy, có thể thấy Chương trình TARP không chỉ khoanh vùng phân loại các tài sản tài chính có vấn đề, mà còn tập trung xem xét cốt lõi nguyên nhân khiến tài sản tài chính đó có vấn đề để đưa ra các chương trình hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm như ngân hàng, DN hộ gia đình, từ đó khơi thông các “cục máu đông” nợ xấu của nền kinh tế, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các thành viên thị trường tài chính. Kết quả rõ ràng là những ngờ vực ban đầu về gánh nặng quá lớn đối với người nộp thuế Mỹ đã được xua tan khi những tính toán chi phí chính thức của chương trình chỉ chưa đến 20 tỷ USD là rất nhỏ so với dự tính ban đầu 700 tỷ USD, đổi lại là hoạt động trở lại bình thường của thị trường tài chính và nền kinh tế.
Một trong những nguyên nhân đem lại sự thành công của Chương trình TARP phải kể đến việc những người thực hiện được quyền định giá tài sản xấu theo giá thị trường ở mức hợp lý. Tiếp đó, sự quyết liệt xử lý nhanh và minh bạch quá trình xử lý nợ xấu đã giúp sớm lấy lại niềm tin của thị trường và nhờ đó thúc đẩy nhanh sự ổn định của nền kinh tế. Đến lượt mình, sự ổn định kinh tế sẽ giúp khôi phục lại giá trị của các tài sản và giúp đem lại lợi ích cho cả phía DN lẫn Bộ Tài chính Mỹ với tư cách người nắm giữ tài sản.
Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đòi hỏi việc xử lý nợ xấu phải là ưu tiên hàng đầu, là cơ sở đầu tiên để thực hiện các giải pháp tiếp theo. Việc xử lý nợ xấu như thế nào đang là vấn đề tranh luận trong nhiều diễn đàn. Có lẽ những kinh nghiệm xử lý tài sản xấu của Mỹ cũng là những bài học hữu ích cho Việt Nam .