Khơi thông dòng chảy tín dụng, thị trường chứng khoán hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách tiền tệ đang được kỳ vọng đảo chiều, cụ thể là lãi suất giảm, qua đó khơi thông dòng chảy tín dụng cho các doanh nghiệp vốn đang chịu áp lực lãi vay.
Chỉ số giá cổ phiếu hầu hết các nhóm ngành thường tăng sau khi lãi suất giảm Chỉ số giá cổ phiếu hầu hết các nhóm ngành thường tăng sau khi lãi suất giảm

Những động thái tích cực

Trong tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có hai lần ra quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành vào ngày 14 và 31/3, lần lượt có hiệu lực từ ngày 15/3 và 3/4/2023. Động thái này mang lại kỳ vọng đảo chiều chính sách tiền tệ, dù lần điều chỉnh lãi suất thứ hai dành cho các loại lãi suất khác với lần một, trừ trần lãi suất cho vay ngắn hạn.

Diễn biến giảm lãi suất không bất ngờ đối với những người quan sát sự vận động của các thị trường trong nước. Từ sau Tết Nguyên đán 2023, lãi suất huy động tạo đỉnh và dần hạ nhiệt; lợi suất trái phiếu chính phủ giảm từ 1,5 - 2%/năm, tùy kỳ hạn; tăng trưởng tín dụng ở mức thấp...

Trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất, các quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự độc lập trong chính sách tiền tệ, sự tự tin trong việc ổn định vĩ mô, sẵn sàng hạ lãi suất để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán đã có phản ứng tích cực khi chỉ số VN-Index tính đến ngày 5/4/2023 có mức tăng khoảng 4% so với ngày 14/3/2023 và thanh khoản dần gia tăng, dù bị tác động bởi sự sụp đổ của một số ngân hàng Mỹ và châu Âu, cũng như GDP quý I/2023 có mức tăng thấp.

Thực tế, thời điểm khó khăn của nền kinh tế đôi khi lại mở ra quãng thời gian hứng khởi trên thị trường chứng khoán, bởi lẽ đó là lúc chính sách tiền tệ và tài khóa vào cuộc để thúc đẩy kinh tế.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC cho biết, về lý thuyết, lãi suất giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán. Khi tiền rẻ hơn, đương nhiên kênh đầu tư chứng khoán sẽ được hưởng lợi. Thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá cổ phiếu hầu hết các nhóm ngành thường tăng sau khi lãi suất giảm.

Sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ và nỗ lực giải ngân đầu tư công sẽ góp phần vực dậy nền kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách và hành lang pháp lý một số lĩnh vực quan trọng đang được điều chỉnh theo hướng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững như Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về thị trường bất động sản, Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng mua bán trái phiếu doanh nghiệp...

Năm 2023 sẽ là năm đáng chờ đợi của những thay đổi lớn trong các quy định pháp luật và tâm điểm sắp tới là kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023.

Theo ông Huy, mỗi sự thay đổi đều mang đến những kỳ vọng mới, tạo hành lang pháp lý chuẩn mực, thuận lợi hơn cho các ngành nghề kinh doanh. Do đó, quanh các mốc họp Quốc hội tháng 5 và tháng 10/2023, thị trường dự kiến có nhiều biến động (như nhiều lần họp Quốc hội trước đây), nhưng cũng có rất nhiều thứ để mong chờ.

Lạc quan nhưng vẫn cần thận trọng

Tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết trên HOSE nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra “sức ép” để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Bởi lẽ, cung tiền giai đoạn hiện tại ở mức rất thấp, lãi suất cho vay cao, tạo ra nhiều áp lực với các doanh nghiệp.

“Có thể trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán phản ứng tích cực với những chuyển động chính sách, nhưng thực tế về phía doanh nghiệp, kết quả kinh doanh chưa có nhiều biến chuyển. Với tình hình như hiện nay, mọi thứ đều đang khó và cũng chưa thể khẳng định quý I/2023 sẽ là đáy của kết quả kinh doanh”, vị tổng giám đốc nói và cho rằng, tăng trưởng tín dụng quý I/2023 chỉ đạt khoảng 2%, trong khi mục tiêu cả năm tăng 14 - 15% là do nhiều doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn vay vốn chưa muốn vay vì lãi suất cao, mà chờ đợi lãi suất giảm thêm, còn những doanh nghiệp khát vốn như nhóm bất động sản lại đang bị khống chế khoản vay.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng sau khi tăng nhanh trong quý cuối năm 2022 và tháng đầu năm 2023 đã hạ nhiệt. Hiện lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng là 8,17%/năm, giảm 0,32%/năm so với tháng 1/2023. Lãi suất cho vay cũng được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm, phổ biến còn 10 - 11%/năm.

Ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận xét, mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại giảm so với mức đỉnh đầu năm nay, nhưng vẫn cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 và tăng trưởng tín dụng trong quý I/2023 chỉ khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng hơn 5% của cùng kỳ năm 2022 cũng như mức trung bình giai đoạn 2013 - 2022 (2,58%).

Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước mang tính định hướng và tạo tiền đề đối với xu hướng lãi suất tiết kiệm cũng như cho vay trên thị trường. Việc Ngân hàng Nhà nước hạ một số loại lãi suất điều hành sẽ có tác động làm giảm lãi suất trên thị trường 2 (liên ngân hàng) và sau đó là lãi suất trên thị trường 1 (ngân hàng với các cá nhân và tổ chức).

Theo ông Dũng, những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 đã được dự báo từ trước, nhưng GDP quý I chỉ tăng 3,32% có lẽ cũng làm giới quan sát bất ngờ.

Kỳ vọng vào sự đảo chiều của chính sách tiền tệ, sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và những thay đổi lớn về hành lang pháp lý tạo nên sự hưng phấn trong ngắn hạn. Nhưng thực tế, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với không ít thách thức, được thể hiện rõ qua số liệu vĩ mô quý I vừa qua, chưa kể những ẩn số từ thị trường thế giới.

Với thị trường chứng khoán, khó khăn có khả năng kéo dài đến hết quý II/2023, nhưng càng về giai đoạn cuối năm, cơ hội càng mở ra, khi các chính sách dần ngấm vào thực tiễn. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, nhà đầu tư nên giữ sự lạc quan ở mức vừa phải và luôn phải chuẩn bị tâm thế để đối mặt với những thông tin tiêu cực có thể xuất hiện, tránh tình trạng lạc quan tếu.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục