Phối hợp chặt chẽ các chính sách là hết sức quan trọng
|
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam |
Năm 2024, động lực tăng trưởng tốt của kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào kinh tế đối ngoại gồm có xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài tốt, trong khi tiêu dùng nội địa tuy ở mức ổn định nhưng chưa tốt so với mức tăng trưởng tổng thể. Trước diễn biến kinh tế thế giới hiện nay, khu vực kinh tế đối ngoại của năm 2025 và các năm tiếp theo nhiều khả năng sẽ còn nhiều khó khăn. Điểm tựa lớn nhất của Việt Nam là cầu nội địa, bao gồm tiêu dùng và đầu tư. Trong đó, các biện pháp kích cầu có thể nhắm vào tiêu dùng tư nhân, chi tiêu công, đầu tư công, tạo cơ sở kích thích đầu tư tư nhân. Chi tiêu công và đầu tư công là chính sách tài khóa và Việt Nam có thể chủ động được sẽ có tác dụng lan tỏa, kích thích kinh tế nội địa trong thời gian tới.
Chính phủ đã khởi động kế hoạch đầy tham vọng để thúc đẩy tăng trưởng. Kế hoạch này đặt mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và lên mức 2 con số mỗi năm từ năm 2026 trở đi. Để hiện thực hóa tham vọng này, mục tiêu đầu tư là 174 tỷ USD, tương đương 33,5% GDP, bao gồm 36 tỷ USD đầu tư công cho năm 2025 so với 27 tỷ USD vào năm 2024 (giải ngân 85%). Đầu tư tư nhân đặt mục tiêu đạt 96 tỷ USD, với FDI là 28 tỷ USD và các khoản đầu tư khác là 14 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2025, vốn FDI đăng ký tăng 35,5%, trong khi vốn giải ngân tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Để huy động thêm nguồn lực, Chính phủ có thể điều chỉnh thâm hụt ngân sách lên mức 4-4,5% GDP.
Ưu tiên kích cầu nội địa là yếu tố nền tảng, then chốt để duy trì được tăng trưởng trong những năm tới. Với diễn biến thương mại quốc tế và kinh tế thế giới hiện nay, nhu cầu nhập khẩu của thế giới nhìn chung sẽ giảm, trong khi nhiều nước lấy xuất khẩu là động lực tăng trưởng, do đó việc cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu sẽ gay gắt hơn. Vấn đề đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam là chú trọng nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh để có thể duy trì thị phần của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Căng thẳng địa chính trị, tiêu dùng trong nước tăng cao hơn và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có thể tăng áp lực lạm phát lên tới 4% trong năm 2025 và 4,2% trong năm 2026. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 16% để thúc đẩy hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ tăng trưởng của chính sách tiền tệ còn khá hạn chế khi áp lực lạm phát gia tăng, trong khi rủi ro các khoản nợ xấu tăng lên và biến động chung trên thị trường ngoại hối. Do đó, Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với việc thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.
“Tăng tính minh bạch hóa và sự liêm chính của thị trường”
|
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup. |
Trong giai đoạn bất định hiện nay, một trong những giải pháp lớn nhất đấy là phải minh bạch thông tin, tăng tính minh bạch hóa và sự liêm chính của thị trường. Chúng ta nhìn lại ba tháng vừa qua, lý do nào khiến thị trường trái phiếu èo uột như vậy? Chúng tôi đang làm tham gia xếp hạng tín nhiệm nhiều thương vụ phát hành trái phiếu nhưng khi chính sách thuế quan của Mỹ ban hành, những biến động khiến lãnh đạo doanh nghiệp khựng lại hết và cho biết là “vỡ” nghiên cứu khả thi và điều họ cần là sự đoán định có thể. Vốn huy động qua trái phiếu chủ yếu là cho đầu tư trung và dài hạn và khi bối cảnh biến động cao như hiện nay thì doanh nghiệp có thiên hướng tạm dừng và do đó hoạt động phát hành mới trên thị trường trái phiếu cũng có phần bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể, Tổng thống Mỹ cũng đang cố gắng thuyết phục Fed giảm lãi suất nhưng rủi ro lạm phát có thể tăng lên nên khó có thể giảm lãi suất 2 đến 3 lần trong năm nay và nếu vậy lãi suất USD của Fed nếu neo ở mức 4,75%, các ngân hàng lớn của Việt Nam muốn phát hành trái phiếu quốc tế cũng sẽ khó khăn hơn.
Chúng tôi đang thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho 6 ngân hàng thương mại và nhận thấy một trong những vấn đề gây nhiều trăn trở cho các lãnh đạo, một “thế khó” của các ngân hàng hiện nay đó là thiếu vốn dài hạn. Ngân hàng đóng vai trò là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN đặt ra là 16% và thậm chí có thể lên tới 20%. Tuy nhiên, nguồn vốn tự có của các ngân hàng lại rất mỏng, dẫn đến tình huống khó khăn, muốn tăng trưởng cho vay nhưng kênh huy động vốn dài hạn qua tăng vốn cổ phần hoặc trái phiếu là một thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi thấp hơn cho vay và chủ trương hạ lãi suất huy động của ngành ngân hàng. Vậy, ngân hàng muốn tăng trưởng cho vay lấy tiền đâu để cho vay? Chúng tôi cho đây là một thách thức của ngành.
Giải pháp là tăng vốn điều lệ nhưng đây là hoạt động không thể nhanh được, vì còn tùy thuộc diễn biến của TTCK, nhất là đối với các ngân hàng có vốn nhà nước. Tôi cho rằng, ngành ngân hàng cần nâng hệ số an toàn vốn (CAR) từ mức trung bình 11% lên khoảng 14 - 15% trong năm 2025 này để có thể chống đỡ được các cú sốc có thể có trong năm nay, nhất là do các yếu tố bên ngoài như câu chuyện thuế quan.
Hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam hiện thấp hơn hẳn so với chính Campuchia, còn Thái Lan hay Singapore - những quốc gia có tỷ lệ CAR ở mức cao hơn đáng kể, lên đến 20%. Nền kinh tế Việt Nam dù đã đa dạng về nguồn vốn nhưng vẫn phải lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng trong nhiều năm tới. Đây là câu chuyện khá thời sự gắn với áp lực của hệ thống ngân hàng, vai trò rất hạn chế của các tổ chức phi ngân hàng, tiềm lực vốn rất mỏng của các ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu gộp đã lên tới 5 - 6%. Chúng ta cần có những giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn và cải thiện năng lực vốn của hệ thống để có thể giảm rủi ro, hệ luỵ trong bối cảnh quốc tế nhiều bất định.
Chủ lực trên thị trường tài chính
|
PGS-TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc phụ trách Ban Giám đốc, Học viện Ngân hàng |
Bên cạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động cho vay trung - dài hạn của hệ thống ngân hàng đang đóng vai trò chủ lực trên thị trường tài chính. Minh chứng cho vấn đề này là vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.
Theo đó, chiều ngày 24/4/2025, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức buổi làm việc với các bộ, ngành và 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số. Đây là gói tín dụng ưu đãi lớn nhất từ trước đến nay, trực tiếp hỗ trợ vào các lĩnh vực là động lực tăng trưởng truyền thống và mới của nền kinh tế. Trước đó, hệ thống ngân hàng đã có nhiều gói tín dụng cho các lĩnh vực đặc thù và khó khăn chính là làm sao có thể giải ngân được, hay nói cách khác là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các đối tượng vay. Bên cạnh đó, để triển khai gói tín dụng hiệu quả, cần xây dựng được các điều kiện, tiêu chí cho vay, chủ yếu là vốn trung - dài hạn các lĩnh vực đặc biệt.
Bên cạnh gói tín dụng 500.000 tỷ đồng, ngày 15/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng tập trung vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với mục đích hỗ trợ sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí cho người dân; đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chịu nhiều sức ép lớn từ thị trường xuất khẩu, giá nguyên vật liệu tăng, cũng như những bất ổn trong chính sách thương mại của các đối tác lớn. Chưa kể, đây cũng là thế mạnh của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng là một trong những công cụ của chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát trực tiếp nguồn tín dụng đối với nền kinh tế thông qua hạn mức trần, nhưng đâu đó cũng là một trong những công cụ của chính sách giám sát, đảm bảo an toàn vĩ mô nhằm cảnh báo và ngăn chặn nguy cơ về tăng trưởng tín dụng quá nóng cho nền kinh tế. Công cụ này đã được Ngân hàng Nhà nước sử dụng khá linh hoạt trong thời gian qua và đến nay đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng ngay từ đầu năm.