Khơi nguồn sáng tạo trên thị trường 180 tỷ USD

(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, tính đến thời điểm 30/8/2018, vốn hóa thị trường đạt 4.057.000 tỷ đồng (khoảng 180 tỷ USD), tương đương với 81% GDP. 
Khơi nguồn sáng tạo trên thị trường 180 tỷ USD

Thị trường thu hút được gần 2,1 triệu tài khoản, trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng 19% so với cuối 2017. Sự tăng trưởng về hàng hóa và nhà đầu tư đã giúp sàn chứng khoán tăng nhanh về thanh khoản, tăng 60% từ mức 3.000 tỷ đồng/phiên năm 2016 lên mức 5.198 tỷ đồng/phiên vào tháng 8/2018.

Về phía doanh nghiệp (DN), từ đầu năm 2000 đến tháng 6/2018, các DN đã huy động được 551.000 tỷ đồng thông qua đấu giá cổ phần hoá và phát hành cổ phiếu, trái phiếu (riêng 6 tháng đầu năm nay, huy động vốn qua TTCK đạt 11.000 tỷ đồng).

Tính chung toàn thị trường, TTCK đã giúp DN và Chính phủ huy động hơn 2,1 triệu tỷ đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó, Chính phủ đã huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng.

Một trong những mục tiêu Chính phủ đặt ra với TTCK Việt Nam thời gian tới là nâng hạng thị trường từ mức cận biên lên mới nổi. Ðánh giá của UBCK về các tiêu chí của MSCI cho biết, xét về tiêu chí quy mô DN, Việt Nam có 22 DN đạt tiêu chí nâng hạng.

Về quy mô chứng khoán, Việt Nam có 16 DN đạt tiêu chí. Về thanh khoản chứng khoán, Việt Nam có 276 DN đạt tiêu chí. Như vậy, tiêu chí định lượng không phải trở ngại với Việt Nam, chỉ còn nhóm tiêu chí định tính vẫn là nhóm tiêu chí cần tiếp tục xem xét trong quá trình nâng hạng của thị trường.

Trong khi nhà quản lý quan tâm đến việc nâng hạng TTCK Việt Nam, thì sự quan tâm của nhiều chủ thể là những câu chuyện cụ thể hơn, liên quan đến hiệu quả kinh doanh, chiến lược phát triển và đặc biệt là làm cách nào để các DN không bị tụt hậu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Như ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, hầu hết DN Việt Nam vẫn “luẩn quẩn” với câu chuyện làm thế nào để áp dụng 4.0, trong bối cảnh chính sách, điều kiện nào để áp dụng, thể chế vẫn chưa sẵn sàng.

Mặc dù vậy, điểm sáng là có một số DN tư nhân lớn có tâm thái sẵn sàng và đi tiên phong trong việc đón đầu trào lưu đổi mới sáng tạo. Vingroup là một trong những DN như thế và nếu thể chế, chính sách hỗ trợ cho sự sáng tạo, phát triển này, có thể DN sẽ bật sáng ở một không gian mới, tạo nên những giá trị mới trên TTCK Việt Nam.

Cuộc cách mạng 4.0 đang mang đến cơ hội đổi mới, sáng tạo chưa từng có cho các DN, trong đó có các DN niêm yết - vốn là những DN được ghi nhận tiên phong trong nỗ lực minh bạch và thực thi quản trị công ty.

Về phía Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ, để giúp sức DN tạo ra sự thay đổi lớn, Chính phủ kiên quyết cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho DN sáng tạo, kinh doanh. Mặc dù thể chế còn những điểm cần xây dựng, hoàn thiện, nhưng tư duy và tinh thần ủng hộ sức sáng tạo, ủng hộ DN vươn lên khẳng định mình trên thị trường thì có thể thấy ở nhiều nhà quản lý, nhiều cơ quan chức năng.

Tư duy quản lý kinh tế theo 4.0, như cách định nghĩa của ông Nguyễn Ðình Cung, là không cấm và quản DN, mà phải để cho họ thỏa sức đổi mới sáng tạo, hơn nữa là nuôi dưỡng và giải phóng các nguồn lực để khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Nếu các DN được mở cánh cổng bước vào hội nhập 4.0 như thế thì đây sẽ là yếu tố nền tảng để kỳ vọng, các DN lớn làm trụ cột, dẫn dắt thị trường bước đi theo hướng hiệu quả và hội nhập nhanh hơn.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục