Chỉ “tốt gỗ” thôi không đủ

(ĐTCK) Đầu tháng 9 vừa qua, chỉ vài ngày trước khi tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, HĐQT CTCP Khoáng Sản Bình Thuận (KSA) đã có công văn lên tiếng về những tin đồn thất thiệt liên quan đến doanh nghiệp. 
Chỉ “tốt gỗ” thôi không đủ

Cụ thể, lãnh đạo Công ty cho biết, tại một số diễn đàn trên mạng có đưa thông tin không chính xác về hoạt động của doanh nghiệp, khiến cổ phiếu KSA bị bán tháo và giảm giá thê thảm.

Thậm chí bịa đặt nội dung về thành viên Ban lãnh đạo, như việc vu khống bà Phạm Thị Hinh có tham gia HĐQT CTCP Khoáng sản Miền Trung (MTM), đẩy giá cổ phiếu của Công ty xuống sàn liên tục trong 12 phiên giao dịch năm 2016.

Tuy nhiên, phải nói rằng, thông báo này đã đưa ra quá trễ. KSA đã chính thức bị hủy niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ ngày 2/8/2018 do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và cần thiết phải hủy niêm yết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

KSA chuyển cổ phiếu sang đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, nhưng vẫn đang trong trạng thái bị đình chỉ giao dịch.

Mặc cho Ban lãnh đạo Công ty tự nhận thấy bộ máy quản lý đã làm việc hiệu quả với một số bước tiến tốt trong hoạt động kinh doanh, song trên thực tế, tất cả những thông tin này đều không đến được với nhà đầu tư - những cổ đông trực tiếp góp vốn hoặc thực hiện một cách rất chậm trễ so với quy định.

Đa phần hoạt động của doanh nghiệp cũng không được Ban lãnh đạo chủ động cập nhật trên các phương tiện truyền thông hay qua hoạt động quan hệ nhà đầu tư.

Thậm chí, cổ đông từng phải lên tiếng với HOSE về việc không thể liên lạc được với KSA bằng điện thoại hay thư điện tử. Mặc dù Công ty công bố thông tin liên lạc trên trang điện tử của mình, nhưng đến thời điểm hiện tại, địa chỉ website này không thể truy cập.

Chính "bức tường" quá lớn giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, cùng hàng loạt mối nghi ngờ không lời giải đáp về báo cáo tài chính hay hoạt động kinh doanh trước đó đã khiến cổ đông gần như không còn mặn mà với doanh nghiệp này.

Không chỉ KSA, trên thị trường chứng khoán hiện nay không hiếm những doanh nghiệp liên tục bị nhắc nhở về nghĩa vụ công bố thông tin cơ bản, chưa nói đến hoạt động truyền thông, quan hệ nhà đầu tư (IR).

Trên thực tế, một doanh nghiệp chú trọng hay không đến công tác truyền thông đại chúng, quan hệ nhà đầu tư phụ thuộc rất lớn vào ý chí của ban lãnh đạo.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp bất động sản có "máu mặt" trong giới địa ốc đang chuẩn bị cho kế hoạch "ra mắt" trong cuối năm nay.

Mặc dù doanh nghiệp này trước nay khá im hơi lặng tiếng và kín kẽ trong việc thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông, nhưng khi quyết định đại chúng để tiếp cận hiệu quả hơn tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã bắt đầu "mở lòng" hơn trong công tác truyền thông, cập nhật tin tức chính xác, kịp thời với sự tư vấn của đơn vị tư vấn niêm yết.

Thực tế cho thấy, giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào công tác truyền thông, IR của doanh nghiệp.

Không hiếm công ty có hoạt động kinh doanh cốt lõi ổn định nhưng lại không chú trọng tới công tác truyền thông, IR khiến nhà đầu tư ít nghe đến tên tuổi doanh nghiệp, từ đó kéo theo thanh khoản kém, cổ phiếu bị định giá thấp.

Cũng không hiếm doanh nghiệp hứng chịu tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng nặng nề tới giá cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường cũng có nhiều doanh nghiệp tung tiền tỷ vào công tác truyền thông, quảng cáo song giá cổ phiếu vẫn mãi không lên.

Bàn về điều này, ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch HĐQT NBN Media khẳng định, bên cạnh việc xây dựng giá trị cốt lõi bền vững dựa trên hoạt động kinh doanh và dòng tiền hiệu quả thì công tác truyền thông, PR và IR đều rất quan trọng với các công ty niêm yết trên sàn.

Như trường hợp của FPT, ông Ngọc cho biết, lúc mới niêm yết, nếu lấy giá trị thị trường của công ty trừ đi giá trị hữu hình thì phần giá trị vô hình chiếm đến 99%, bao gồm nhiều tài sản như giá trị thương hiệu được hình thành qua nhiều hoạt động, trong đó công tác truyền thông đóng vai trò rất lớn.

FPT là công ty tiên phong thiết lập một bộ phận PR đảm nhận tốt cả quan hệ báo chí và quan hệ nội bộ, hoạt động hiệu quả từ những năm 90.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp niêm yết cần chú trọng đến bộ phận này. Bên cạnh đó, xu hướng hiện nay, ngoài việc thiết lập một bộ phận PR, IR riêng, các doanh nghiệp có thể tìm đến các doanh nghiệp chuyên biệt.

Ông Ngọc cho biết, hiện nay, các công ty như NBN Media đã thực hiện cung cấp dịch vụ cho nhiều doanh nghiệp niêm yết từ cỡ vừa trở lên với một chiến lược truyền thông, IR được lên kế hoạch chi tiết phù hợp cho từng khách hàng, giúp đạt được kết quả tốt, một phần được phản ánh vào chính giá trị cổ phiếu trên sàn.

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục