“Báo cáo của một công ty nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, trong 247 DNNN được CPH giai đoạn 2011 - 2014, chỉ có 3 DN bán hơn 5% cổ phần cho NĐT nước ngoài. Với cách thức CPH như hiện tại, NĐT ngoại nói chung, NĐT Nhật Bản nói riêng chưa mặn mà tham gia các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là không có gì ngạc nhiên”, ông Takashi Sakakibara, Cố vấn đặc biệt cho Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chia sẻ với ĐTCK.
Ông Takashi Sakakibara
Ông nhìn nhận gì về tiến trình CPH mà Việt Nam đang thúc đẩy?
Tuy Chính phủ Việt Nam gần đây đã có nhiều thay đổi về khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy CPH, nhưng quá trình này vẫn đang bộc lộ nhiều điểm chưa ổn cả về lượng và chất. Xét về lượng, trong tổng số 289 DN phải CPH xong trong năm nay, thì hết 9 tháng mới CPH được 94 DN. Nghĩa là chỉ cịn 3 thng nữa phải hồn thnh CPH tới gần 200 DN, một con số qúa lớn và đầy thách thức.
Chất lượng CPH còn đáng quan ngại hơn. Chỉ xét riêng trong tổng số 143 DNNN được CPH trong năm 2014, thì số liệu thống kê trong báo cáo của một công ty nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, chỉ có 30 DN bán được hơn 5% cổ phần cho tổ chức đầu tư nước ngoài. Sau CPH, Nhà nước vẫn nắm giữ khoảng 90% cổ phần tại DN. Như vậy thì có thay đổi gì về quản trị - mục tiêu quan trọng số một khi tiến hành CPH, để từ đó thúc đẩy minh bạch, cải thiện hiệu quả kinh doanh?
Ngoài ra, đa phần các DN CPH trong nhiều năm qua là các DN nhỏ, trong khi điều NĐT nước ngoài mong đợi là các DN quy mô lớn, hiệu quả làm ăn cao lẽ ra cần được thúc đẩy CPH sớm.
Với tình trạng thông tin kém minh bạch hiện tại, giới đầu tư gặp nhiều khó khăn trong nắm bắt thông tin, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào DN trong giai đoạn trước và trong CPH. Để hấp dẫn NĐT, trước khi tiến hành IPO, lẽ ra các cấp quản lý, DN cần thúc đẩy DN tái cơ cấu theo hướng đầu tư phát triển có hiệu quả hơn các mảng kinh doanh đem lại doanh thu và lợi nhuận tốt, đồng thời mạnh dạn cắt bỏ các lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ...
Theo ông, việc Nhà nước nắm cổ phần quá lớn tại DN hậu CPH đang là một trong những nguyên nhân khiến giới đầu tư, trong đó có NĐT nước ngoài, nhất là NĐT Nhật Bản không mặn mà tham gia các đợt IPO?
Việc cổ đông nhà nước tiếp tục nắm 90% cổ phần tại DN hậu CPH, không chỉ khó tạo ra sự thay đổi về quản trị, mà còn phát đi một tín hiệu không tích cực là cơ hội để các NĐT có tiếng nói quan trọng, tham gia quyết định các vấn đề trọng đại tại DN là điều gần như không thể. Vậy thì làm sao thúc đẩy họ bỏ ra một lượng vốn lớn tham gia các đợt IPO? Có rất nhiều phương án CPH trong thời gian qua, nhưng số cổ phần bán cho NĐT chiến lược thường chỉ chiếm 10 - 20% tổng số cổ phần. Với tỷ lệ này, tôi khẳng định là sẽ rất khó cho các DN Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm cổ đông chiến lược tốt.
Theo góc nhìn của NĐT nước ngoài, với quy định của Luật Doanh nghiệp, một cổ đông/nhóm cổ đông nắm giữ từ 35% cổ phần trở lên mới có quyền phủ quyết tại DN. Nếu không sở hữu đến tỷ lệ này, thì việc họ bỏ ra một lượng vốn không nhỏ, nhưng lại khó có quyền biểu quyết tại DN là quá rủi ro cho đồng vốn đầu tư của họ. Với quy định của pháp lý cũng như tư duy hiện hành, nghĩa vụ, trách nhiệm của NĐT chiến lược nặng nề hơn so với quyền lợi mà họ nhận được.
Sự mất cân bằng về trách nhiệm và quyền lợi của NĐT chiến lược như ông vừa chia sẻ có bao gồm việc họ phải cam kết gắn bó lâu dài với DN, chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường…, trong khi giá bán cổ phần chưa theo luật chơi thị trường?
Có bao hàm ý đó. Việc xác định giá trị DN, định giá cổ phần đưa ra IPO, chào bán cho NĐT chiến lược chưa hoàn toàn theo nguyên tắc thị trường, chưa căn cứ vào nhu cầu và mong muốn của bên mua, mà còn mang nặng tính chủ quan của bên bán. NĐT nước ngoài - đối tượng đang dành sự quan tâm lớn đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các DN IPO, khó chấp nhận một thực tế là hiện nay cổ phần trong các đợt IPO được bán tại mức giá cao hơn giá sàn, mức giá hoàn toàn do Ban chỉ đạo CPH ấn định dựa trên giá trị sổ sách kế toán của DN.
Với cách thức xác định giá sàn mang tính chủ quan của bên bán, bên mua không có quyền trả giá (thấp hơn giá sàn) theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán của luật chơi thị trường, nên việc DN khó IPO thành công nói chung, khó tìm kiếm cổ đông chiến lược tốt nói riêng như hiện tại là không ngạc nhiên.
Cách nào để khắc phục bất ổn trên, từ đó giúp các DN tiến hành IPO, cũng như tìm kiếm được cổ đông chiến lược tốt hơn, thưa ông?
Cần phải thay đổi hai điểm quan trọng. Thứ nhất, cần khắc phục tình trạng mất cân đối giữa nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của NĐT chiến lược.
Muốn vậy, cần sửa đổi cơ chế CPH để cho phép gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần chào bán cho một NĐT chiến lược từ trên 35%, để phát đi một thông điệp quan trọng rằng, NĐT sẽ thực sự trở thành đối tác chiến lược tại DN hậu CPH tương ứng với số vốn họ bỏ ra.
Nếu bước thay đổi này được hiện thực hóa, với những thông tin có được, chúng tôi tin tưởng rằng, sẽ có nhiều hơn các công ty, NĐT Nhật Bản tham gia mua cổ phần của các DN Việt Nam trong các đợt IPO, cũng như mua cổ phần để trở thành NĐT chiến lược.
Trong trường hợp giải pháp lý tưởng này chưa thể được sửa đổi và triển khai, thì cc cấp quản lý, DN cần thể hiện sự sẵn sng thay đổi theo hướng: sửa đổi điều lệ công ty với nội dung cho phép NĐT chiến lược nắm giữ cổ phần dưới 35%, nhưng vẫn có quyền tham gia phủ quyết các vấn đề quan trọng tại DN.
Thứ hai, liên quan đến cách thức xác định giá trị DN, giá cổ phần chào bán cho NĐT chiến lược, kinh nghiêm ở Nhật Bản cho thấy, Việt Nam nên nghiên cứu, xem xét bỏ quy định giá sàn. Việc bên bán (DN) xác định giá bán cổ phần đưa ra IPO chỉ là bước một của quá trình định giá.
Trên cơ sở mức giá này, DN IPO sẽ thông qua đơn vị tư vấn là CTCK, để tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu của NĐT về mức giá mà họ có thể mua để chốt giá IPO, mức giá chào bán cho NĐT chiến lược.
Đây là cách Việt Nam nên tham khảo nếu muốn thu hút NĐT ngoại, trong đó có các NĐT Nhật Bản hào hứng tham gia các đợt IPO sắp tới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang cần một sức cầu lớn để CPH thành công cả về số lượng và chất lượng DN còn rất lớn nằm trong kế hoạch CPH năm nay, cũng như giai đoạn tới.