Khối ngoại bán ròng: Không nên xem nhẹ

(ĐTCK) Chiếm 15-20% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, rõ ràng, ảnh hưởng của khối ngoại là điều không phải bàn cãi. Bởi vậy, việc "giữ chân" khối này là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng thời gian gần đây.
Khối ngoại bán ròng: Không nên xem nhẹ

Nửa đầu tháng 8, khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.532 tỷ đồng trên HOSE

Lâu nay, nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Có những thời điểm, việc mua bán của khối ngoại được coi là "kim chỉ nam" cho hành động của thị trường.

Hoạt động giao dịch của các quỹ ETF như ETFs VNM (do Van Eck quản lý) và FTSE (do Deutch Bank quản lý) mỗi khi đến kỳ tái cơ cấu danh mục đều được các nhà đầu tư theo dõi sát sao để có hành động phù hợp.

Trong khi đó, động thái mua bán của những quỹ như Mekong Capital, PYN Elite, Vina Capital, Dragon Capital... cũng được các nhà đầu tư lấy đó làm tham khảo. 

Năm 2017, dòng vốn ngoại vào Việt Nam lập kỷ lục. Thống kê cho thấy, năm 2017, khối ngoại mua ròng trên các sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam đạt 28.000 tỷ đồng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, tương đương 1,23 tỷ USD.

Khối ngoại tập trung mua ròng hầu hết các cổ phiếu đầu ngành, có tính dẫn dắt như cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam  (Petrolimex), cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam...

Nếu tính cả thương vụ Thaibev bỏ ra gần 5 tỷ USD để mua 53,59% cổ phần của Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), thì tổng giá trị mua ròng năm 2017 là hơn 6 tỷ USD.

Theo xu hướng này, trong quý I/2018, khối ngoại tiếp tục mua ròng trên tất cả các sàn chứng khoán Việt Nam khoảng 7.200 tỷ đồng. Nhóm ngành được khối ngoại mua ròng mạnh nhất là thực phẩm, đồ uống, bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, sang quý II/2018, hoạt động giao dịch của khối ngoại đã đảo chiều. Cùng với việc thị trường tạo đỉnh cao nhất từ trước tới nay khi chỉ số VN-Index đạt 1.204 điểm vào ngày 9/4/2018 và đi xuống từ đây, khối ngoại liên tục bán ròng.

Nếu loại trừ những giao dịch thỏa thuận đột biến tại cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes và cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1, khối ngoại bán ròng khoảng 6.500 tỷ đồng từ trung tuần tháng 7 đến nay, thay vì mua ròng 24.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 9/4-5/7.

Cụ thể, trên sàn HOSE (bảng 1), trong tháng 4, có tổng 19 phiên giao dịch thì khối ngoại mua ròng 8 phiên, tổng giá trị mua ròng gần 3.840 tỷ đồng và bán ròng 11 phiên, tổng giá trị bán ròng đạt 1.938 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số phiên mua ròng tuy ít hơn số phiên bán ròng, nhưng giá trị mua ròng đều cao hơn bán ròng trong các tháng 4, 5 và 6 nhờ một số giao dịch thỏa thuận lớn.

Cụ thể: Ngày 20/4 có thỏa thuận mua 52,2 triệu cổ phiếu NVL giá trị 3.391 tỷ đồng; ngày 10/5 mua thỏa thuận 33,2 triệu cổ phiếu VIS, giá trị 1.146 tỷ đồng; ngày 18/5 mua thỏa thuận 249 triệu cổ phiếu VHM, giá trị 28.548 tỷ đồng; ngày 27/6 mua thỏa thuận 7,8 triệu cổ phiếu YEG, giá trị 2.356 tỷ đồng.

Như vậy, nếu không tính các giao dịch thỏa thuận trên thì khối ngoại bán ròng mạnh và diễn ra liên tiếp nhiều phiên. Điều này góp phần không nhỏ khiến thị trường giảm mạnh, ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.

Bước sang tháng 8, trong 2 tuần giao dịch đầu tiên, khối ngoại tiếp tục bán ròng cả 8 phiên giao dịch, với giá trị bán ròng 1.532 tỷ đồng.

Trên sàn HNX (bảng 2), hoạt động của khối ngoại kém sôi động hơn, nhưng xu hướng chung vẫn là bán ròng trong các tháng 4, 5 và 6 với số phiên bán áp đảo phiên mua.

Tuy nhiên, trong tháng 7, khối ngoại đã chuyển hướng mua ròng 18 phiên so với 4 phiên bán ròng, với giá trị mua ròng gần 200 tỷ đồng.

Với 8 phiên giao dịch của tháng 8, tuy khối ngoại bán ròng 6 phiên và mua ròng 2 phiên, nhưng giá trị bán không nhiều. Nhìn chung, xu hướng mua bán của khối ngoại trên sàn HNX trong nửa đầu tháng 8 là cân bằng.

Nhìn vào diễn biến mua bán của khối ngoại trên 2 sàn niêm yết HOSE và HNX có thể thấy, thị trường giảm đồng pha với áp lực bán từ khối ngoại.

Mặc dù về giá trị là mua ròng, nhưng nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận lớn thì khối ngoại bán ròng cả về giá trị và số lượng.

Điều này tạo áp lực cung hàng lớn, trong bối cảnh thị trường đang đi xuống sau thời gian dài tăng trưởng, bên cạnh tác động của các yếu tố bên ngoài như chiến tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch... 

Làm gì để "giữ chân" nhà đầu tư nước ngoài?

Cho dù khối loại liên tục bán ròng, nhưng số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, số lượng nhà đầu tư nước ngoài cá nhân và tổ chức vào thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng đều qua từng tháng từ đầu năm đến nay (bảng 3), trong đó số lượng nhà đầu tư cá nhân nước ngoài chiếm áp đảo.

Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc khối ngoại bán ròng thời gian qua chỉ là hoạt động tái cơ cấu lại danh mục, bán chứng khoán trên sàn để mua gom mua các cổ phiếu tiềm năng như VHM, TCB... chứ không rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mặc dù vậy, diễn biến tỷ giá thời gian gần đây không khỏi khiến nhà đầu tư nghi ngại. Có thể các quỹ lớn chưa rút vốn, nhưng không thể loại trừ khả năng một lượng lớn các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài sẽ rút vốn khi thấy thị trường không còn ổn định như trước.

Mặt khác, khi lãi suất đồng USD tăng, cùng với đó là lo ngại về chiến tranh thương mại leo thang hiện nay sẽ gây khó khăn cho các nhà sản xuất tại châu Á, thì các thị trường mới nổi và cận biên cũng không còn hấp dẫn những quỹ đầu tư như giai đoạn trước.

Nếu nhìn vào diễn biến tại các nước Đông Nam Á và các thị trường mới nổi, rõ ràng, khối ngoại có động thái rút tiền.

Theo dữ liệu được Bloomberg tổng hợp, kể từ đầu năm đến nay, tuy chưa rút vốn khỏi Việt Nam, nhưng các quỹ ngoại đã rút tổng cộng 19 tỷ USD khỏi 6 thị trường mới nổi lớn nhất châu Á là Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Philipines và Thái Lan, một con số rất lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, do mục tiêu thoái vốn tại nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa hoàn tất nên việc giữ dòng vốn ngoại ở lại là điều hết sức quan trọng.

Để giữ chân dòng vốn này, nhiều giải pháp đã được đưa ra và cần đi vào thực tiễn như tăng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đối với các ngân hàng, cho nhà đầu tư nước ngoài được phép mua và sở hữu 100% các ngân hàng yếu kém;

Triển khai một số giải pháp nghiệp vụ để hoạt động mua bán, đấu giá cổ phần của khối ngoại được nhanh chóng và thuận tiện hơn; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tỷ giá, bởi nếu tỷ giá biến động sẽ tác động không tích cực đến dòng vốn đầu tư nước ngoài...

Việt Hùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục