Vốn ngoại: Trông giỏ, bỏ thóc

(ĐTCK) Những doanh nghiệp nắm vị thế đầu ngành, có thể trở thành cầu nối để các tập đoàn nước ngoài tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân, vẫn luôn là đích ngắm trong các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A).
Vốn ngoại: Trông giỏ, bỏ thóc

Traphaco: Nhà đầu tư Hàn Quốc bạo chi

Tháng 7/2018 là khoảng thời gian bận rộn với cả 2 doanh nghiệp lớn ngành dược Việt Nam là Công ty cổ phần Traphaco (TRA) và Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG).

Đại hội đồng cổ đông bất thường của Traphaco diễn ra đầu tháng 7 đã bầu 2 ứng viên Hàn Quốc vào Hội đồng quản trị và 1 ứng viên vào Ban kiểm soát. Đây là những nhân sự do MAGBI Fund Limited và Super Delta Pte. Ltd, nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua lại gần 40% vốn điều lệ của Traphaco từ Mekong Capital và Vietnam Holdings hồi đầu năm 2018.

Đến sau, nhưng nhóm nhà đầu tư trên lại “bạo tiền” hơn những nhà đầu tư đến từ châu Âu, vốn đã bỏ nhiều công khảo sát, thương thảo với Mekong Capital, để trả giá cao hơn khoảng 20% so với giá thị trường.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông David Park, Trưởng Bộ phận Kinh doanh và Chiến lược của Daewoong Pharmaceutical, một trong những nhà đầu tư bỏ vốn lớn nhất vào thương vụ này chia sẻ rằng, họ mong muốn đi cùng doanh nghiệp lâu dài, chuyển giao công nghệ và sản xuất để Traphaco phát triển nhanh, đưa thêm nhiều dược phẩm vốn là thế mạnh của họ tại Hàn Quốc vào Việt Nam.

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây, Daewoong Pharmaceutical đã mời các cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất của Traphaco tới đại bản doanh của họ ở Hàn Quốc, tham quan và trao đổi những cơ hội hợp tác sâu hơn.

Theo các quy định hiện hành, tập đoàn dược phẩm nước ngoài không được quyền phân phối thuốc tại Việt Nam. Như vậy, sở hữu cổ phần lớn tại các doanh nghiệp Việt Nam có thể là cách đi nhanh và ngắn hơn rất nhiều để mở rộng thị trường, không gian kinh doanh của họ.

Dược Hậu Giang: Đối tác Nhật Bản tăng tỷ lệ sở hữu

Trước đó, Taisho, một trong 5 tập đoàn dược phẩm lớn nhất Nhật Bản đã trở thành cổ đông chiến lược của Dược Hậu Giang với tỷ lệ sở hữu 24,7%. Ngay sau khi Dược Hậu Giang hoàn tất thủ tục nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, Taisho đã chào mua công khai để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu DHG lên 32%, với giá 120.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 20% so với thị giá cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán.

Vốn ngoại: Trông giỏ, bỏ thóc ảnh 1
Đồng hành cùng đối tác chiến lược Taisho đã mang lại lợi ích cho Dược Hậu Giang. Ngoài các góp ý giải pháp để thực thi chiến lược năm 2018 và các năm sắp tới, Dược Hậu Giang còn nhận được các gói đóng góp của Taisho về sản xuất, chuỗi cung ứng, nghiên cứu và phát triển (R&D), hợp tác sản xuất - kinh doanh như hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn dây chuyền sủi bọt tại Nhà máy dược phẩm DHG đạt tiêu chuẩn PIC/S, giúp tiết giảm được 165 tỷ đồng chi phí xây dựng và 24,5 tỷ đồng chi phí tư vấn.

Taisho đã cử 12 chuyên gia tham gia tư vấn, hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn, hồ sơ đánh giá PIC/S, PMDA và sắp tới là tiêu chuẩn EU cho các dây chuyền sản xuất sản phẩm chiến lược tại Nhà máy dược phẩm DHG; cử nhân sự tham gia Ban điều hành cấp cao để nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp trong quản trị sản xuất và chuỗi cung ứng; cử nhân sự qua Việt Nam để đào tạo các chuyên viên R&D và nhận nhân sự do Dược Hậu Giang cử để đào tạo R&D tại Nhật Bản.

Taisho cũng đặt kế hoạch chuyển giao công nghệ sản phẩm của họ và đối tác để sản xuất tại nhà máy của DHG; xuất khẩu sản phẩm hợp tác hoặc sản phẩm của DHG đến các thị trường ASEAN, thị trường sẵn có của DHG và thị trường sẵn có của Taisho; nhập khẩu sản phẩm của Taisho, của đối tác để phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Như vậy, có thể thấy rất rõ đích đến đầu tư của thương vụ Taisho - Dược Hậu Giang hay các nhà đầu tư Hàn Quốc ở Traphaco không phải là đầu tư tài chính đơn thuần, mà thông qua con đường mua cổ phần tại doanh nghiệp để tiếp cận thị trường Việt Nam. Tất nhiên, khi doanh nghiệp mục tiêu càng phát triển tốt, cổ phần của các nhà đầu tư càng gia tăng giá trị.

Domesco: Gần như về tay nhà đầu tư Mỹ

Một ông lớn khác của ngành dược Việt Nam là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco gần như đã về tay nhà đầu tư ngoại là Tập đoàn Abbott (Mỹ) khi họ sở hữu tới 51% cổ phần của doanh nghiệp. Trong năm 2018, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước sẽ thoái hơn 30% vốn tại Domesco và ứng viên sáng giá nhất cho thương vụ này được nhìn nhận là Abbott.

Cuối năm 2017, Abbott đã đưa một loạt ứng viên tham gia Hội đồng quản trị Domesco và tổ chức các cuộc gặp với người lao động để chuyển tải thông điệp cho họ ổn định tâm lý và tiếp tục gắn bó với Công ty trước sự chuyển chủ mang tính bước ngoặt. Đưa thuốc chữa ung thư vào Việt Nam là một trong những mục tiêu lớn nhất khi Abbott quyết định mua cổ phần chi phối tại Domesco.

Dự báo xu hướng còn tiếp diễn

Xu hướng mua cổ phần tại doanh nghiệp nội để tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới là nhận định của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, cả bên bán và bên mua.

Nới room, Dược Hậu Giang phải từ bỏ hoạt động phân phối dược phẩm cho đối tác nước ngoài (MSD, Mega) và sản phẩm Eugica cũng như các mảng bao bì. Điều này làm giảm cả trăm tỷ đồng doanh thu và là sức ép lớn với Ban điều hành Dược Hậu Giang. Tuy nhiên, ông Đoàn Đình Duy Khương, Quyền Tổng giám đốc Công ty chia sẻ, mở rộng cửa cho các nhà đầu tư lớn, để Dược Hậu Giang có thêm các nguồn lực cộng hưởng là xu hướng tất yếu.

Ông Jikwang Chung, Trưởng Bộ phận Đầu tư tăng trưởng mới của Mirae Asset Capital cho biết, chiến lược ngoài Trung Quốc và phân tán tài sản sang các nước có tiềm năng trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đang là bước đi chiến lược của nhiều tập đoàn tư nhân Hàn Quốc. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đang rất hào hứng tìm kiếm cơ hội tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, những động thái và sự ủng hộ từ lãnh đạo cấp cao hai nước gần đây càng khuyến khích các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm tới thị trường gần 100 triệu dân này. Bên cạnh đầu tư trực tiếp, M&A là phương thức được các nhà đầu tư chọn lựa nhằm “đi tắt, đón đầu” cơ hội tiếp cận thị trường. Ngoài dược phẩm, các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm đến các lĩnh vực như tài chính, năng lượng, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng…

Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2017, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt 32,9 tỷ USD, tăng 90% so với cuối năm 2016. 

Đề cập đến sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài qua con đường mua bán cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam, không thể không kể đến các thương vụ đình đám do các doanh nghiệp của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi thực hiện tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)…, với tham vọng trở thành một đế chế F&B (nhà hàng và đồ uống) lớn trong khu vực.

Gần đây, The Nawaplastic Industries thuộc Tập đoàn SGC (Thái Lan) gia tăng sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên trên 54%, hay các thương vụ đến từ nhà đầu tư Nhật Bản như Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ sở hữu 20% vốn điều lệ VietinBank, Tập đoàn tài chính Mizuho sở hữu 15% vốn của Vietcombank, All Nippon Airways Holding Inc (ANA) sở hữu 8,7% vốn của Vietnam Airlines, JX Nippon Oil & Energy mua 10% cổ phần Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)...

Nhận định dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam thông qua con đường mua cổ phần sẽ ngày càng gia tăng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ông chứng kiến rất nhiều thương vụ và dòng vốn đến từ các nhà đầu tư châu Á, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến đầu tư toàn cầu chững lại, vốn đổ vào các thị trường tài chính giảm, nhưng đầu tư gián tiếp để tiếp cận thị trường, mở rộng không gian tăng trưởng không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí còn được kích hoạt khi giá tài sản về mức hấp dẫn.

Cần tận dụng nguồn lực từ các nhà đầu tư “cá mập”, nhưng ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ở cả góc độ doanh nghiệp và quản lý kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần đối sách linh hoạt để ứng phó trước sự đổ bộ của những dòng vốn mới. Ở tầm vĩ mô là phát triển các tập đoàn kinh tế lớn trong nước, phát triển kênh phân phối, sản xuất nội địa để có lực đối trọng với các tập đoàn lớn của nước ngoài.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) chia sẻ, trước đây, cổ đông nước ngoài thường đề xuất Công ty trả cổ tức ở mức cao (duy trì mức cổ tức 25% trong khi có thể trả tối đa 50 - 60%), nhưng lãnh đạo doanh nghiệp dứt khoát bảo vệ quan điểm của mình, để lại nguồn lực để tái đầu tư, tích lũy cơ ngơi, đầu tư máy móc công nghệ hiện đại. Ngày nay, doanh nghiệp đã đủ mạnh, có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài và hoàn toàn chủ động trong việc “chọn bạn” có cùng triết lý hợp tác win-win (đôi bên cùng có lợi), thay vì chỉ nhăm nhe thâu tóm doanh nghiệp.

Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 10 - năm 2018, do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Tư, ngày 8/8/2018.

Với chủ đề “Bước ngoặt mới - Kỷ nguyên mới”, Diễn đàn sẽ nhìn lại chặng đường 10 năm hoạt động M&A tại Việt Nam, trao đổi những cơ hội và chiến lược M&A tại Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Diễn đàn gồm các hoạt động chính sau:

• Hội thảo M&A với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế;

• Đêm Gala Diner vinh danh Thương vụ M&A
tiêu biểu 2017 - 2018 và Thương vụ của thập kỷ;

• Phát hành Đặc san “Một thập kỷ M&A tại Việt Nam & cơ hội M&A 2018 - 2019” ;

• Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục