Khối ngoại bán ròng 40 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán châu Á trong quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số thị trường cổ phiếu và trái phiếu lớn nhất châu Á đã ghi nhận dòng tiền rút ròng lớn hơn so với các cuộc khủng hoảng trước đây và quá trình này có thể tiếp tục diễn ra.
Khối ngoại bán ròng 40 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán châu Á trong quý II

Các quỹ toàn cầu đã bán ròng 40 tỷ USD cổ phiếu trên 7 thị trường khu vực châu Á trong quý II/2022, là mức cao nhất tính từ năm 2007. Các thị trường bán mạnh nhất là ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc với lĩnh vực công nghệ chiếm trọng số, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài cũng rút ròng mạnh khỏi thị trường trái phiếu Indonesia.

Các quỹ đầu tư đang rút khỏi các thị trường có rủi ro cao hơn khi lạm phát tràn lan và các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của ngân hàng trung ương làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Lo ngại về một cuộc suy thoái của Mỹ và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở châu Âu và Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phục hồi sau các đợt phong toả do Covid-19 cũng là lý do gây ra áp lực bán tháo.

Pruksa Iamthongthong, Giám đốc đầu tư cấp cao về chứng khoán châu Á tại abrdn cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục thận trọng đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu và các thị trường có định giá cao trong bối cảnh hiện tại. Chúng tôi cho rằng, triển vọng vẫn không chắc chắn đối với lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu do rủi ro suy thoái gia tăng”.

Tổng dòng vốn rút ròng khỏi các thị trường cổ phiếu trong quý II được tổng hợp từ các thị trường Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Thái Lan. Sau đó được so sánh với ba giai đoạn trước đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hiện tượng taper tantrum năm 2013 và đỉnh điểm của chu kỳ tăng lãi suất cuối cùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào năm 2018.

Cụ thể, khối ngoại đã rút ròng 17 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Đài Loan trong quý II/2022, cao hơn so với mức rút ròng trong bất kỳ giai đoạn nào trong ba giai đoạn trước đó. Tương tự, thị trường Ấn Độ cũng bị rút ròng 15 tỷ USD và Hàn Quốc 9,6 tỷ USD cũng vượt xa các giai đoạn trước đó.

Khối ngoại bán ròng mạnh ở các thị trường chứng khoán châu Á.

Khối ngoại bán ròng mạnh ở các thị trường chứng khoán châu Á.

Trong quý II, thị trường trái phiếu Indonesia đã ghi nhận dòng tiền chảy ra khoảng 3,1 tỷ USD, trong khi Hàn Quốc và Thái Lan ghi nhận ​​dòng tiền đổ vào.

Duncan Tan, chiến lược gia tỷ giá tại DBS Group Holdings Ltd. cho biết, dòng vốn vào thị trường trái phiếu vừa phải từ châu Á “sẽ tiếp tục duy trì trong nửa cuối năm cùng với xu hướng thu hẹp của chênh lệch lãi suất giữa châu Á-Mỹ và triển vọng tăng trưởng châu Á giảm”.

Fed diều hâu

Chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed dự kiến ​​sẽ tiếp tục rút tiền ra khỏi khu vực. Thị trường đang định giá thêm 150 điểm cơ bản trong đợt tăng lãi suất từ ​​Fed trong năm nay.

Mark Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Lý do các nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu trên các thị trường đó không phải vì có điều gì đó không ổn trong đó, mà là do Fed và các ngân hàng trung ương khác đang thắt chặt chính sách tiền tệ”.

Một trong những chủ đề chính được đưa ra bởi dữ liệu là các cổ phiếu công nghệ, vốn chiếm hơn một nửa vốn hoá thị trường chứng khoán Đài Loan và khoảng 1/3 vốn hoá thị trường chứng khoán Hàn Quốc bị bán ròng mạnh. Cổ phiếu công nghệ đã sụt giảm trên khắp các thị trường toàn cầu trong năm nay do lo ngại về tăng trưởng toàn cầu chậm lại và mức định giá cao khi tăng mạnh trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Calvin Zhang, Giám đốc quỹ tại Federated Hermes cho biết, đồng yên suy yếu cũng đang ảnh hưởng đến nền kinh tế và chứng khoán ở Đài Loan và Hàn Quốc do hai nền kinh tế này có sản phẩm xuất khẩu tương tự sang Nhật Bản. Điều này dẫn đến lo sợ rằng hai nền kinh tế này sẽ mất thị phần.

Chứng khoán Ấn Độ trong khi đó đang chịu áp lực do nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ giá dầu tăng cao, trong khi ngân hàng trung ương đã nhanh chóng tăng lãi suất để cố gắng kiểm soát lạm phát.

Áp lực kép

Manishi Raychaudhuri, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần khu vực châu Á Thái Bình Dương tại BNP Paribas SA cho biết: “Áp lực kép cho châu Á - thắt chặt thanh khoản nhanh chóng ở các thị trường phát triển và giá nhiên liệu cao - có thể tiếp tục đè nặng lên các đồng tiền châu Á và suy giảm dòng chảy vào thị trường tài chính châu Á”.

Mặt khác, một số thị trường cũng có những điểm sáng. Indonesia và Thái Lan đã chứng kiến ​​dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán trong quý II, trong khi dòng vốn chảy ra ở hai nước láng giềng gần khác là Malaysia và Philippines tương đối nhỏ.

Một phần của điều đó có thể là do cách tiếp cận ôn hòa hơn của các ngân hàng trung ương ở Đông Nam Á, những ngân hàng đang tìm cách làm chậm sự gia tăng chi phí đi vay trong bối cảnh cố gắng duy trì đà phục hồi mong manh sau Covid.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục