Khơi lại dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TTCK đang nghe ngóng những tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng thương mại để có thể vững tâm về sự ổn định của dòng tiền.
Khơi lại dòng tiền

Như thực tế mà Báo Đầu tư chứng khoán ghi nhận, việc siết lại thị trường trái phiếu đã lập tức ảnh hưởng đến dòng tiền vào TTCK do một lượng vốn lớn dành để mua lại trái phiếu trên thị trường, từ những nhà đầu tư cá nhân, đã chiếm hạn mức tín dụng còn lại. Không chỉ doanh nghiệp ở các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, hay công ty chứng khoán không còn hạn mức vay cho vay margin, mà doanh nghiệp ở những ngành sản xuất cũng khó tiếp cận vốn tín dụng do hết room.

Ngày càng nhiều hơn những tiếng nói cả từ phía ngân hàng và doanh nghiệp kiến nghị room tín dụng cần sớm bổ sung. Nhưng trong khi áp lực nới hạn mức trên thị trường là có thật và cũng đã được trao đổi thắng thắn tại hội nghị ngành ngân hàng mới đây, một số chuyên gia dự báo, việc cấp thêm room tín dụng không dễ diễn ra trước thời hạn.

Bởi lẽ, áp lực lạm phát còn đang lơ lửng ở phía trước. Giá các nguyên liệu cơ bản trên thế giới đều tăng cao. Kịch bản giá dầu tiếp tục tăng và neo ở mức cao trong vài tháng tới vẫn có thể xảy ra, gây áp lực lên lạm phát ở Việt Nam.

Tuần trước, nhận định của CEO JPMorgan cảnh báo về trận cuồng phong kinh tế do ảnh hưởng của việc Fed ra tín hiệu đảo ngược chương trình mua lại trái phiếu khẩn và giảm quy mô bảng cân đối kế toán cũng như xung đột địa chính trị làm giá lương thực, nhiên liệu tiếp tục tăng đã có tác động đến thị trường Việt Nam. Không ít nhà đầu tư chuyên nghiệp đã tỏ ra thận trọng trước kỳ vọng TTCK trong nước phục hồi theo mô hình chữ V mà thiên về việc chí ít thị trường cũng cần thời gian tích lũy nếu không tiếp tục giảm.

GS-TS Trần Ngọc Thơ từ Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ, với bối cảnh lạm phát ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết. Nhưng ông Thơ cũng khuyến cáo cần tránh đứt gẫy khi xử lý các sai phạm trên thị trường trái phiếu.

Tại hội nghị triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết từ đầu năm 2022 đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang phát đi thông điệp rõ ràng trong điều hành để giảm kỳ vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư vốn đang quen với môi trường tiền rẻ, tiền dễ vừa qua để nhanh chóng thay đổi, điều chỉnh các kế hoạch đầu tư, kinh doanh phù hợp với môi trường tiền tệ mới.

TTCK sẽ phản ánh diễn biễn thận trọng của chính sách tín dụng, tiền tệ. Tuy nhiên, có thể khá chắc chắn rằng room tín dụng cũng sẽ được cấp lại để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ở các ngành sản xuất cơ bản, các ngành kinh doanh đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch. Khi đó, dòng chảy của nguồn vốn sẽ được nới rộng thông suốt hơn quá trình co kéo tự điều chỉnh như mấy tháng qua. Và tâm lý trên TTCK nhờ đó sẽ vững vàng hơn.

Nhìn từ góc độ tiềm năng của thị trường, bên cạnh định giá hấp dẫn được nhắc đến bởi nhiều tổ chức, cá nhân uy tín thì Đầu tư Chứng khoán ghi nhận, một số công ty chứng khoán vẫn huy động được nguồn vốn giá rẻ từ nước ngoài.

Chẳng hạn như thông tin mới nhất là Công ty quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) vừa được cấp giấy chứng nhận chào bán ra công chúng cho Quỹ ETF DCVFM VNMIDCAP và một vài cổ phiếu chiếm tỷ trọng trong danh mục dự kiến của quỹ này đã tăng giá đón đầu. Sức hấp dẫn tự thân của thị trường là hấp lực để hút các dòng vốn mới.

Trong Tiêu điểm số báo này, chúng tôi cũng chia sẻ đến nhà đầu tư những quan điểm, nhận định về áp lực với thị trường khi chỉ số chạm ngưỡng 1.300 điểm. Nhưng khi còn phải quan sát nhiều yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến thị trường sẽ tiếp diễn như thế nào thì các kịch bản có cơ hội xảy ra gần như tương đương nhau. Quan trọng là sự chuẩn bị ứng phó một cách chủ động của nhà đầu tư.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục