Bài 1: Từ những vụ việc thực tế
Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, năm 2012, tổng số vụ kiện dân sự đã qua giải quyết sơ thẩm là 85.853 vụ, tăng mạnh so với năm trước đó. Đồng thời, số vụ thi hành án dân sự cũng tăng cao (tăng hơn 10.000 vụ việc và gần 8.000 tỷ đồng) so với năm 2011, trong đó nhiều vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, phá sản DN với giá trị lớn… Số vụ kiện dân sự được dự báo sẽ còn tăng do ảnh hưởng bởi các khó khăn do suy thoái kinh tế kéo dài khiến các bên không thể hoặc chây ỳ khi thực hiện các hợp đồng, ràng buộc đã ký kết trước đó.
Khởi kiện vụ án dân sự là một quyền năng của người khởi kiện mà pháp luật dân sự quy định nhằm giúp cho người khởi kiện bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng, những bất cập trong quy định hiện hành cùng với sự yếu kém của một bộ phận cán bộ Tòa án và sự phối hợp kém hiệu quả của các cơ quan nhà nước có liên quan đã khiến cho các quyền này của người khởi kiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng và hậu quả thì không cơ quan nào nhận trách nhiệm.
Quyền khởi kiện vụ án dân sự được quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2004, theo đó cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bộ luật TTDS 2004 cũng quy định người khởi kiện phải tuân thủ các quy định về phạm vi khởi kiện (Điều 163), Hình thức và nội dung đơn khởi kiện (Điều 164), Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện (Điều 165). Tuy nhiên, trên thực tế, khi thực hiện quyền khởi kiện của mình ở ngay giai đoạn nộp đơn này, người khởi kiện đã gặp phải những trở ngại đến từ việc tiếp nhận đơn khởi kiện của Tòa án cấp xét xử, khiến cho họ không thể thực hiện được quyền khởi kiện của mình. Xin nêu ra hai trường hợp thực tế.
Đơn khởi kiện của ông Paul Elza De Meulenaer
Trường hợp thứ nhất
Anh A có ký hợp đồng mua bán căn hộ với Công ty B (có trụ sở chính tại quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đến thời hạn bàn giao căn hộ theo hợp đồng, Công ty B tìm mọi cách trì hoãn với lý do thị trường bất động sản gặp khủng khoảng nên không thể thi công và bàn giao nhà đúng hạn (mặc dù đã nhận thanh toán bằng 80% giá trị căn hộ theo tiến độ thanh toán quy định tại hợp đồng). Sau nhiều lần làm việc và gửi đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng với Công ty B nhưng không được Công ty hợp tác, anh A quyết định khởi kiện Công ty B ra Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy.
Đơn khởi kiện của anh A tuân thủ các quy định tại các Điều 163, 164, 165 Bộ luật TTDS, nhưng khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ Tòa án tại đây yêu cầu anh A cung cấp bản sao có công chứng của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty B thì mới thụ lý hồ sơ. Lý do là không rõ hiện nay Công ty B thực sự có trụ sở tại quận Cầu Giấy hay không, mặc dù anh A đã cung cấp đầy đủ giấy tờ (bao gồm cả một bản photocopy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới nhất của Công ty B), thư từ trao đổi mới nhất (gần nhất đến ngày khởi kiện) giữa anh A và Công ty B thể hiện Công ty B có trụ sở tại quận Cầu Giấy. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Tòa đã hướng dẫn anh A về nhà hoặc thông qua một Công ty/Văn phòng luật làm đơn gửi đến Sở Kế hoạch - Đầu tư xin xác nhận thông tin DN đối với Công ty B và nộp cho Tòa án thì mới tiến hành thụ lý. Anh A về nhà làm đơn gửi đến Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội xin được cung cấp thông tin về DN (có trả phí), cũng như nhờ một Văn phòng luật gửi Công văn lên Phòng Đăng ký kinh doanh xin được cung cấp thông tin về DN.
Tuy nhiên, sau 1 tháng kể từ ngày gửi đơn đi, cả anh A và Văn phòng Luật kia đều không nhận được công văn phúc đáp của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, hay mời lên Sở nhận với lý do bận việc, hồ sơ cất trong kho không có ai tìm kiếm do nhân lực thiếu… Mệt mỏi vì sự đá bóng trách nhiệm giữa các cơ quan, anh A đề nghị Tòa án gửi công văn yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cung cấp thông tin về Công ty B nhưng Tòa án đã không thực hiện mà cho rằng, đây là trách nhiệm của người khởi kiện. Kết quả, sau nhiều tháng đi lại, anh A vẫn không thể nộp đủ giấy tờ cho Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy để khởi kiện Công ty B ra Tòa nhằm lấy lại được tiền mua căn hộ của mình.
Trường hợp thứ hai
Ông Paul Elza De Meulenaer là giáo viên làm việc tại Trung tâm đào tạo quốc tế Raffle Hà Nội. Đầu năm 2012, do tuyển sinh trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, Raffle Hà Nội bị xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chấm dứt việc chiêu sinh, trả lại tiền cho học viên. Tháng 4/2012, Giám đốc Raffles Hà Nội ký thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với toàn thể giáo viên làm việc tại đây và chỉ bồi thường 1/2 tháng tiền lương. Đáng lưu ý, đây là một quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật về cả thời gian và trình tự, thủ tục. Sau nhiều lần làm việc với Raffles Hà Nội để đòi quyền lợi của mình, ông Paul và các giáo viên nước ngoài đã tiến hành khởi kiện Raffles Hà Nội ra Tòa án. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, vụ việc của ông Paul được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội hướng dẫn khởi kiện tại Tòa án quận Đống Đa.
Ông Paul về làm thủ tục khởi kiện ra Tòa án quận Đống Đa từ đầu tháng 6/2012 (có gửi kèm bản photocopy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới nhất của Raffles Hà Nội). Tuy nhiên, khi nhận hồ sơ của ông Paul, cán bộ tiếp nhận hồ sơ và thẩm phán được phân công yêu cầu ông Paul phải bổ sung bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Raffles Hà Nội mới tiến hành thụ lý. Ông Paul làm theo hướng dẫn của cán bộ Tòa án. Khi gửi Hồ sơ đến Phòng quản lý DN có vốn đầu tư nước ngoài - Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, ông Paul không được cấp bản sao mới nhất Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Raffles Hà Nội. Cán bộ của Sở Kế hoạch - Đầu tư nói, họ chỉ chuyển thông tin nếu như có Công văn yêu cầu của Tòa án, chứ không cung cấp thông tin DN cho cá nhân.
Quay lại Tòa án quận Đống Đa, ông Paul yêu cầu Tòa gửi Công văn sang Sở Kế hoạch - Đầu tư để xác minh thông tin về Raffles Hà Nội, nhưng thẩm phán tại đây đã không thực hiện mà yêu cầu ông Paul phải tự đi xin xác nhận và cung cấp một bản sao có xác nhận của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội thì Tòa án mới thụ lý. Sau hơn 4 tháng đi lại giữa hai cơ quan, ông Paul đã phải bỏ cuộc, không thể khởi kiện Raffles Hà Nội ra Tòa án quận Đống Đa vì không thể cung cấp được đủ chứng cứ khởi kiện (bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Đáng lưu ý là trong suốt quá trình giải quyết việc khởi kiện này, không cơ quan nào (Tòa án, Sở Kế hoạch - Đầu tư) đưa ra văn bản để giải thích về yêu cầu của mình, mà chỉ nói miệng khi làm việc với ông Paul, khiến cho ông Paul - một người nước ngoài không thể hiểu tại sao quyền khởi kiện của ông lại bị đùn đẩy trách nhiệm, để mặc quyền lợi của ông bị bỏ quên khi mà thời hiệu khởi kiện chỉ là giới hạn. Đáng chú ý là cũng tại Tòa án này, các giáo viên nước ngoài khác (thông qua một văn phòng luật) khởi kiện Raffles Hà Nội, một thẩm phán khác được phân công phụ trách vụ việc lại thụ lý vụ án và chấp nhận bản photocopy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Raffles Hà Nội (?!). Tại sao cùng một vụ việc, cùng một Tòa án, nhưng vụ của ông Paul thì không được thụ lý, của các giáo viên khác thì lại thụ lý?
Trên đây chỉ là hai trong số hàng ngàn vụ việc mà người khởi kiện gặp phải khi thực hiện quyền khởi kiện của mình. Câu hỏi đặt ra là tại sao quyền khởi kiện này của họ lại không thực hiện được? Tại sao Tòa án cấp xét xử lại cứ yêu cầu người khởi kiện phải cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ mà chính bản thân họ không thể cung cấp được vì sự “đá bóng trách nhiệm” giữa các cơ quan?
Trong phần 2 của bài viết này, chúng tôi xin nêu một số đề xuất từ thực tế hỗ trợ pháp lý cho các vụ kiện dân sự để có thể đảm bảo quyền khởi kiện cho tổ chức, cá nhân.
Bài 2: Quy định hiện hành và những kiến nghị