Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Bộ GTVT; lãnh đạo tỉnh Quảng Bình; lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc tại Việt Nam (EDCF)...
Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, thuộc đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh là dự án đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng (bên phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng tham sự buổi lễ triển khai thi công dự án |
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt chưa đồng bộ, năng lực hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông; do đó, thị phần vận tải ngày càng bị giảm sút, chưa tương xứng với lợi thế. Trước tình hình đó, giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội và Chính phủ đã bố trí nguồn vốn khoảng 7.000 tỷ để đầu tư các dự án đường sắt quan trọng, cấp bách, tạo nên sự thay đổi lớn cho ngành đường sắt trong năm 2023.
Tuy nhiên, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay vẫn còn một số điểm nghẽn như khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện; khu vực đèo Khe Nét, đèo Hải Vân…
"Trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ ngành, tích cực làm việc với các Nhà tài trợ, mà trực tiếp là Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) để huy động nguồn lực đầu tư các dự án nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt. Đến nay, 2 dự án Cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện và cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét đã hoàn thành thủ tục để đầu tư. Việc hoàn thành các dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực tuyến đường sắt thống nhất khu đoạn Vinh - Đồng Hới", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Về phần mình, ông Jin Saeun, Trưởng đại diện Quỹ hợp tác và phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) tại Việt Nam cho biết, thông qua Quỹ hợp tác, Chính phủ Hàn Quốc cung cấp khoản vay ODA trị giá 78 triệu USD để tài trợ dự án cải thiện tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu bằng cách nâng cao tốc độ và khả năng khai thác.
"Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét là dự án đầu tiên của EDCF trong lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam. Dự án này được mong đợi sẽ củng cố sự hợp tác trong lĩnh vực đường sắt giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc; góp phần chuyển giao công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc trong lĩnh vực đường sắt cũng như củng cố mối quan hệ kinh tế giữa hai Chính phủ", ông Jin Saeun chia sẻ.
Được biết, Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét gồm 2 gói thầu, với gói XL01 thi công xây dựng 2 hầm đường sắt, tổng chiều dài 935 m, thời gian thực hiện 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Đèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm 1 dài 620 m, hầm 2 dài 393 m, khổ hầm 10 m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.
Khu vực triển khai dự án cải tạo đường sắt đèo Khe Nét |
Gói XL02 thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại do liên danh Ilsung - Tổng Công ty công trình đường sắt (RCC) thực hiện, thời gian thi công 22 tháng.
Tổng tuyến đường có chiều dài 6.819 m, trong đó xây mới: 4.564 m và cải tạo: 2.255 m. Công trình chính bao gồm 2 hầm, 3 cầu và 1 ga tàu.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình chạy tàu tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh trong những năm tới, bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải.
Dự kiến, dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét sẽ hoàn thành vào tháng 12/2025.
Cũng tại buổi lễ, thay mặt các nhà thầu, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc doanh nghiệp giảm giá để trúng thầu xuất phát từ kinh nghiệm làm công trình sở trường là hầm đường bộ, đúc kết bài học trong công tác quản trị dự án, ứng dụng cải tiến phương pháp đào, kiểm soát tốt vật tư, vật liệu, nhân công,...góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Đây cũng là sự chủ động, nâng cao năng lực, kinh nghiệm để chuẩn bị đón đầu công việc phát triển đường sắt, metro của Việt Nam như quy hoạch phát triển của ngành giao thông đã đặt ra.
"Tập đoàn Đèo Cả sẽ xem dự án này là “thao trường” để triển khai công tác đào tạo. Người công nhân được đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ sư có khả năng thực chiến, ứng dụng công nghệ, nhà quản lý có thêm năng lực quản trị. Qua đó, tiếp tục nghiên cứu học tập các mô hình đường sắt trên thế giới để sẵn sàng hòa nhập khi phát triển mạng lưới đường sắt, metro đã được hoạch định trong thời gian tới", ông Nam nói.