Khoảng trống thoái vốn doanh nghiệp

(ĐTCK) Các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc chủ sở hữu do các tập đoàn, tổng công ty hay các bộ, ngành thực hiện thoái vốn phải tuân thủ theo các quy định chặt chẽ tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP, nhưng đối với các doanh nghiệp con, cháu (hay còn gọi là thế hệ F3, F4) thì hành lang pháp lý đang có khoảng trống.
Khoảng trống thoái vốn doanh nghiệp

Câu chuyện thoái vốn của Tổng công ty cổ phần Phong Phú (PPH) tại Công ty cổ phần Dệt Đông Nam là một ví dụ.

Dệt Đông Nam hiện là công ty con do PPH sở hữu 3,68 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 60,99% vốn điều lệ. PPH lại do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sở hữu chi phối và bản thân Vinatex thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Dệt Đông Nam quản lý khu đất có diện tích 57.462,4 m2 tại số 727 Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM và đang làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất sang làm dự án bất động sản.

PPH đã xin ý kiến Vinatex để thoái vốn khỏi Dệt Đông Nam với lý do đây là doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, trong khi PPH cần vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.

Vấn đề đáng nói là PPH không thoái toàn bộ vốn tại Dệt Đông Nam, mà chỉ bán 25% và để lại 35,99%, tỷ lệ đủ để mất quyền phủ quyết các vấn đề trọng yếu của Dệt Đông Nam theo Luật Doanh nghiệp.

PPH đã ký hợp đồng với Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) triển khai đợt thoái vốn cả lô này. Các bên đã tiến hành công bố thông tin về đợt đấu giá trên website, trên báo Nông nghiệp Việt Nam, ấn phẩm không chuyên về thị trường tài chính và báo địa phương nơi trụ sở chính của chủ sở hữu và công ty cổ phần có vốn chuyển nhượng (Báo Người Lao động).

Nhà đầu tư chỉ có 5 ngày, trong đó có 2 ngày nghỉ cuối tuần để nộp hồ sơ thẩm định năng lực.

Kết quả là tính đến hết ngày đăng ký tham gia đấu giá theo thời hạn quy định, có 3 nhà đầu tư tham gia đặt cọc và đăng ký đấu giá cổ phần Dệt Đông Nam.

PPH và BSC đã tổ chức buổi đấu giá, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Song Hoàng trúng giá đấu, giá trúng là 19.777 đồng/cổ phần, so với giá khởi điểm là 18.777 đồng/cổ phần.

Ngày 11/6/2019, BSC chuyển toàn bộ tiền đấu giá thành công của nhà đầu tư về PPH và tổng công ty này thực hiện các thủ tục chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư trúng giá. Như vậy, đợt thoái vốn đã diễn ra một cách chóng vánh.

Nhìn vào đợt thoái vốn này, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu PPH bán cả lô cổ phần hơn 60% vốn tại Dệt Đông Nam và tiến hành chào bán rộng rãi trên thị trường, mức giá trúng sẽ cao hơn đáng kể, chứ không dừng ở con số 19.777 đồng/cổ phần.

Cũng có nhà đầu tư đặt câu hỏi, theo quy định hiện hành, các đợt thoái vốn nhà nước có quy mô trên 10 tỷ đồng trở lên đều phải thực hiện bán đấu giá công khai qua các Sở giao dịch chứng khoán, còn tại sao đợt thoái vốn này lại không?

Trả lời cho câu hỏi trên, các bên có liên quan cho rằng, Nghị định 32/2018/NĐ-CP và Nghị định 91/2015/NĐ-CP áp dụng với việc chuyển nhượng vốn đầu tư ra bên ngoài của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Phần vốn của các công ty cổ phần không phải là doanh nghiệp nhà nước, không được quy định trong các văn bản trên.

Do các bên không phải tuân thủ nên việc thoái vốn tại các doanh nghiệp thế hệ F3, F4 như Dệt Đông Nam rất khó để đánh giá bên bán đã thực hiện để tối đa hóa lợi ích hay chưa.

Sau khi thoái vốn hoàn tất, SCIC đã yêu cầu PPH giải trình, song mọi sự cũng chỉ dừng lại ở việc có công văn nói thêm cho rõ.

Bàn về vấn đề này, trong một cuộc trao đổi với báo giới hồi cuối năm ngoái, lãnh đạo SCIC cho biết, trong trường hợp thoái vốn tại công ty con (chẳng hạn trường hợp Vinatex thoái vốn tại PPH), SCIC yêu cầu phải thực hiện theo các quy định như áp dụng với doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, nhưng đến các doanh nghiệp thuộc diện F3, F4 thì tổng công ty này cũng chỉ có ý kiến định hướng, chứ rất khó để can thiệp sâu vì pháp lý không quy định rõ.

Việt Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục