Lời Tòa soạn: Tiêu dùng được coi là một trong ba động lực tăng trưởng, cùng với đầu tư, xuất khẩu. Tuy nhiên, việc lẫn lộn các công ty cho vay hợp pháp với tín dụng đen và khoảng trống pháp lý về thu hồi nợ đang đẩy nhiều doanh nghiệp cho vay vào cảnh thua lỗ, nợ xấu, phải thu hẹp hoạt động.
Kỳ 1: Vàng thau lẫn lộn, “kẻ có tóc” chịu đòn
Sa thải đến 30- 50% nhân sự, nợ xấu tăng 20-30%…, nhiều fintech, công ty tài chính tiêu dùng, chuỗi cầm đồ đứng trước lựa chọn “tiến thoái lưỡng nan”: hoạt động trong khung pháp lý mập mờ, rủi ro cao, hoặc thu hẹp, thậm chí chấm dứt hoạt động.
Hứng đòn kép, loạt công ty cho vay lỗ nặng
Thị trường tín dụng tiêu dùng được chia làm 2 phân khúc: các ngân hàng thương mại với lãi suất hợp lý, nhưng điều kiện cho vay chặt chẽ; các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như công ty tài chính tiêu dùng, công ty công nghệ tài chính (Fintech), các chuỗi cầm đồ…
Phân khúc thứ hai nhắm tới các khách hàng có thu nhập trung bình, thấp, có nhu cầu vay vốn lớn, nhưng không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Do nhắm vào nhu cầu thực của đại đa số người lao động, phân khúc này tăng trưởng mạnh mẽ 10 năm qua trước khi bị hứng “đòn kép” từ Covid-19 và hoạt động thanh, kiểm tra của lực lượng công an.
Từ năm ngoái đến nay, hàng loạt công ty tài chính, Fintech, chuỗi cầm đồ được cấp phép rơi vào cảnh khó khăn nhất từ trước tới nay. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cho thấy, hầu hết các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này đều thua lỗ hoặc sút giảm lợi nhuận.
Cụ thể, FE Credit từ chỗ lãi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, thì nửa đầu năm nay đã lỗ tới 2.996 tỷ đồng. Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) lỗ 246 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế 92 tỷ đồng. Công ty cổ phần Tài chính Tín Việt (VietCredit) lỗ 73,6 tỷ đồng, thay vì lãi 42,5 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái.
Chưa đến mức thua lỗ, song Home Credit báo lợi nhuận 6 tháng chỉ đạt 211 tỷ đồng (cả năm 2022 lãi ròng 1.189 tỷ đồng). Mcredit và HD Saison lần lượt báo lợi nhuận giảm 32% và 48%. Tương tự, chuỗi cầm đồ F88 ghi nhận lỗ 368 tỷ đồng nửa đầu năm nay so với cùng kỳ lãi 46,27 tỷ đồng do trích lập dự phòng rủi ro tăng đột biến.
Khối Fintech cho vay cũng thê thảm không kém. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, tổng giám đốc của một Fintech cho hay, công ty này phải sa thải 50% nhân sự, thu hẹp một nửa quy mô cho vay và nợ xấu đang tăng 30%. Các Fintech cho vay khác cũng đang trong cảnh tương tự khi phải cắt giảm 30-50% nhân sự, thu hồi nợ xấu đi nhanh chóng, nhiều công ty phải cân nhắc việc đóng cửa, rời khỏi Việt Nam.
Tuy còn nhiều hạn chế, song không thể phủ nhận, thời gian qua, các công ty tài chính, chuỗi cầm đồ, các Fintech cho vay đã bù đắp được khoảng trống tín dụng trên thị trường, giúp hàng triệu khách hàng dưới chuẩn tiếp cận được vốn tín dụng. Sự gia nhập thị trường của các tổ chức này cũng giúp hình thành thói quen vay tiêu dùng trong xã hội, từ đó kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Có thể thấy, hoạt động tín dụng tiêu dùng nói chung và hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống nói riêng đã có vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống, qua đó thực hiện đẩy lùi tín dụng đen”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khẳng định.
Hậu nở bung là siết quá chặt
Không khuyến khích cho vay tiêu dùng thì làm sao kinh tế tăng trưởng được. Theo tôi, cần khuyến khích các tổ chức cho vay phi ngân hàng như công ty tài chính, chuỗi cầm đồ, Fintech… Chúng ta nên có cái nhìn cởi mở hơn, không nên quản chặt quá, không nên coi Fintech, công ty tài chính… như một ngân hàng và lấy tiêu chí ngân hàng ra để áp dụng quản lý.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Do phát triển quá nhanh, cho vay tiêu dùng thời gian qua phát sinh nhiều hệ lụy, đặc biệt là tình trạng nhân viên một số công ty tài chính, chuỗi cầm đồ, công ty đòi nợ thuê có hành vi đòi nợ khủng bố, gây phản cảm trong xã hội. Bên cạnh đó, có tình trạng nhiều tổ chức tín dụng đen mạo danh công ty tài chính, Fintech… được cấp phép để “bẫy” người tiêu dùng. Sự nhập nhèm giữa tín dụng đen và tín dụng tiêu dùng được cấp phép khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn.
Chính vì vậy, việc chấn chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này là cần thiết. Tuy nhiên, siết chặt thái quá, coi công ty tài chính, chuỗi cầm đồ, Fintech được cấp phép như tín dụng đen lại càng bất ổn, có thể dẫn tới suy yếu thị trường này, làm tín dụng đen bùng phát.
Thực tế, đang rộ lên tình trạng khách hàng cố tình không trả nợ công ty tài chính, Fintech, chuỗi cầm đồ, vì cho rằng hoạt động thu hồi nợ của các đơn vị này là phạm pháp. Việc các hội nhóm chia sẻ cách thức bùng tiền vay nợ của khách hàng diễn ra tràn lan trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm ngàn thành viên tham gia, tạo tâm lý “bùng nợ tập thể”, khiến nợ xấu các công ty tài chính và các đơn vị cho vay khác vọt tăng.
“Việc đòi nợ sai luật là hành vi cần lên án, công ty cho vay tiêu dùng vi phạm cần bị xử lý nghiêm, thậm chí rút giấy phép để tạo sự công bằng, minh bạch cho thị trường. Nhưng ngược lại, những công ty hoạt động theo đúng Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng thì phải để họ hoạt động bình thường”, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị.
Theo lãnh đạo VNBA, thời gian qua, tại một số địa phương, khi cơ quan chức năng kiểm tra hành chính, sự ra quân nhiều lực lượng có thể gây ra những hậu quả không như mong muốn. Hiện tượng rủ nhau bùng nợ gia tăng khiến các công ty tài chính tiêu dùng không đòi được nợ, các nhân viên thu hồi nợ xin nghỉ việc hàng loạt, “con nợ” trở thành “ông chủ” gây áp lực với chủ nợ.
Chưa cập nhật số liệu mới, song theo VNBA, tính đến hết năm 2022, nợ xấu của các công ty tài chính tăng 23,09% so với năm 2021.
Cán bộ phụ trách thu nợ của một công ty tài chính cho hay: “Tỷ lệ thu hồi nợ của nhóm tôi giảm tới 80%. Nhiều khách hàng thân thiết với công ty, nhiều năm cứ vay rồi lại trả đều đặn bỗng dưng dừng trả nợ, đổ cho chúng tôi là tín dụng đen. Nhân viên thu hồi nợ đi làm có hợp đồng lao động đàng hoàng, nhưng đến nhà khách hàng đòi nợ, chưa kịp trình bày, đã bị khách hàng hô người nhà ra chém. Có nhiều trường hợp, chúng tôi tạo điều kiện đề nghị chỉ trả nợ gốc mà khách hàng cũng không chịu, họ muốn chiếm đoạt luôn tiền của công ty. Đây là lý do từ đầu năm đến nay, nhiều công ty giảm một nửa cho vay mới”.
Theo lãnh đạo nhiều công ty tài chính, các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người đi vay quá lỏng và hành vi tiêu dùng chưa chuẩn mực của người vay là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp cho vay phải tốn rất nhiều chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ, dẫn đến lãi suất cao.
Trong khi đó, việc khởi kiện ra tòa để đòi nợ với khách hàng vay tiêu dùng gần như bất khả thi do các khoản nợ giá trị thấp, quá trình theo đuổi vụ kiện kéo dài và chi phí không nhỏ. Đây chính là một trong các nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ khách vay không trả nợ ngày càng cao.
Các doanh nghiệp cho vay (công ty tài chính, Fintech, chuỗi cầm đồ…) cho rằng, cần có chế tài mạnh hơn với khách vay cố tình chây ỳ trả nợ. Đồng thời, cũng cần có hành lang pháp lý phù hợp hơn đối với các tổ chức cho vay phi ngân hàng.
Hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý, song nhiều quy định áp dụng chung giữa công ty tài chính với ngân hàng là bất hợp lý. Đặc biệt, lãi suất của nhóm công ty tài chính thường xuyên được đem ra so sánh với lãi suất cho vay ngân hàng cũng rất phi lý, bởi hai nhóm tổ chức tín dụng này có giá vốn, chi phí hoạt động, đối tượng phục vụ… rất khác nhau. Thực tế, nhiều thời điểm, với một số sản phẩm cho vay tín chấp của ngân hàng (như cho vay qua thẻ tín dụng), lãi suất cũng cao ngang ngửa lãi vay của công ty tài chính.
Riêng Fintech và chuỗi cầm đồ hiện không nằm trong phạm vi quản lý của NHNN. Dịch vụ cầm đồ là ngành kinh doanh có điều kiện, Bộ Công an quản lý về an ninh, trật tự (Nghị định số 96/2016/NĐ-CP), hoạt động thu hồi nợ được thực hiện theo Bộ luật Dân sự.
Trong khi đó, Fintech cho vay vẫn đang trong vùng trũng pháp lý, dù Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox) đã được trình Chính phủ cách đây nhiều năm. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) kỳ vọng, sandbox sẽ được ban hành trong quý III/2023. Sau khi nghị định được ký, NHNN sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Mặc dù vậy, vướng mắc chung liên quan đến thu hồi nợ của tất cả đơn vị cho vay phi ngân hàng đều xuất phát từ Bộ luật Dân sự còn nhiều kẽ hở. Theo nhiều công ty tài chính, Fintech, hiện nay, cho vay với các đối tượng dưới chuẩn giống như “tay không bắt giặc”, không có tài sản thế chấp, chỉ trông chờ vào ý thức trả nợ.
Theo các chuyên gia, nếu nút thắt thị trường tài chính tiêu dùng không được tháo gỡ, “án” tín dụng đen vẫn lơ lửng trên đầu các công ty tài chính, Fintech, chuỗi cầm đồ và làn sóng cố tình “bùng nợ” sẽ còn kéo dài. Một khi thị trường này bị co hẹp, cơ hội tiếp cận tài chính đối với nhóm khách hàng dưới chuẩn, nhất là người lao động, công nhân ở các khu công nghiệp sẽ ngày càng thấp.
“Nếu tình trạng chây ỳ trả nợ kéo dài, tiền không quay lại các doanh nghiệp cho vay, thì chắc chắn tới đây, nhiều người không thể tiếp cận được vốn, vì các công ty này sẽ siết chặt điều kiện cho vay. Điều này đi ngược lại với mục tiêu phủ sóng tài chính toàn diện mà Chính phủ đang hướng tới”, lãnh đạo VNBA cảnh báo.
(Còn tiếp)