Khoảng trống bảo hiểm thiên tai

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Bão lũ đang cho thấy tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm vào đời sống kinh tế - xã hội chưa nhiều.

Từ đầu tháng 10, miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão gây mưa lớn kéo dài, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Ảnh: Trần Thế Phong. Từ đầu tháng 10, miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão gây mưa lớn kéo dài, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Ảnh: Trần Thế Phong.

Thiệt hại về kinh tế do các cơn bão gây ra tại Việt Nam trong tháng 10/2020 ước tính lên tới 29.300 tỷ đồng (1,3 tỷ USD), nhưng theo các doanh nghiệp bảo hiểm thì tổng số thiệt hại thống kê của cả thị trường chưa đến 1.000 tỷ đồng.

Các thảm họa thiên nhiên có thể "thổi bay" hàng tỷ USD

Từ đầu tháng 10/2020, miền Trung liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão gây mưa lớn và kéo dài, lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Thống kê cho thấy, bão lũ đã làm 243 người chết và mất tích.

Ước tính, có khoảng 7,7 triệu người sống trong các khu vực bị ảnh hưởng và khoảng 219.000 ngôi nhà bị hư hỏng hoặc phá hủy...

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, mặc dù không có tổn thất lớn, nhưng số lượng khách hàng của Công ty bị ảnh hưởng khá nhiều do các trận bão liên tiếp trong tháng 10, với tài sản thiệt hại chủ yếu gồm hàng hóa, tàu thủy, xe cơ giới, tài sản kỹ thuật.

Theo PTI, nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật là nghiệp vụ có số tiền bồi thường cao nhất, dự kiến khoảng 30 tỷ đồng, tập trung chủ yếu thiệt hại do hàng hóa bị ngập nước dẫn đến hỏng hóc…

Các bộ phận giám định bồi thường, hotline của PTI trong thời gian xảy ra thiên tai phải tăng cường hoạt động, điều đoàn xe cứu hộ và giám định viên từ các khu vực khác tới khu vực miền Trung, giúp hỗ trợ và giảm thiểu thiệt hại khách hàng.

PTI ước tính giá trị bồi thường cho khách hàng bị thiệt hại tài sản do thiên tai trong năm 2020 tương đương với mức bồi thường của năm 2018 (năm 2019, tỷ lệ tổn thất do mưa bão không cao).

Còn theo Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), tính đến gần cuối tháng 10/2020, số vụ tổn thất của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật là hơn 16 vụ, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới là trên 80 vụ, ước thiệt hại nhiều tỷ đồng…

Thống kê tổn thất do các cơn bão 5, 6, 7 và 9 vừa xảy ra các tháng gần đây gây ra đối với các khách hàng của Bảo hiểm PVI tại miền Trung có tổng cộng 253 vụ phát sinh với tổng dự phòng là khoảng 106 tỷ đồng (số liệu vẫn tiếp tục được cập nhật).

Trong đó, nghiệp vụ xe cơ giới và con người có tổng cộng 152 hồ sơ với tổng mức dự phòng là 104 tỷ đồng.

Trước đó, vào trung tuần tháng 7/2020, các công ty bảo hiểm cũng đã hứng chịu nhiều tổn thất về xe cơ giới và các công trình tài sản trong trận lũ tại Hà Giang. Nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kỹ thuật ghi nhận những vụ thiệt hại giá trị hàng chục tỷ đồng đối với các tổn thất của 2 vụ liên quan đến hạng mục xây dựng công trình đường.

Tổn thất bất khả kháng này đương nhiên sẽ làm tăng tỷ lệ bồi thường và có thể làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, nếu so với những thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu thì sự rủi ro được nhà bảo hiểm san sẻ còn quá nhỏ bé.

“Lá chắn bảo hiểm” trước những rủi ro bão lũ vẫn còn là một khoảng trống rất lớn.

Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết ước tính thiệt hại do hàng loạt cơn bão liên tiếp đổ vào miền Trung Việt Nam trong tháng 10 là khoảng 29.300 tỷ đồng (1,3 tỷ USD).

Trước đó, trong báo cáo “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển” công bố vào cuối tháng 10/2020, WB cảnh báo, các thảm họa thiên nhiên có thể “thổi bay” hàng tỷ USD tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ tới nếu không có chiến lược tăng cường khả năng chống chịu mới.

WB dự báo, nếu chậm triển khai các hoạt động ứng phó thêm 10 năm thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại thêm 4,3 tỷ USD do thiên tai.

Tổ chức này ước tính, trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD, tương đương 0,5% GDP và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt của Việt Nam bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển.

Vì sao vẫn có những khoảng trống bảo hiểm?

Theo số thống kê sơ bộ, thiệt hại (ngoại trừ con người) do bão lũ chủ yếu liên quan tới tài sản của người dân như sập nhà, tốc mái, hoặc ngập nước gây hỏng thiết bị trong nhà, thiệt hại hoa màu, vật nuôi…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về khoảng trống bảo hiểm trước những thảm họa thiên nhiên, đại diện PTI nói rằng, ở những vùng bị thiệt hại nặng nề bởi lũ lụt chủ yếu là các khu vực còn nhiều khó khăn, chi phí để mua bảo hiểm cho tài sản là điều chưa thể tính tới.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh lớn, tỷ lệ mua bảo hiểm cho hàng hóa thực tế không phải là thấp. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc mua bảo hiểm cho hàng hóa và tài sản cũng không được lưu tâm.

Lý do đưa ra là họ chưa thấy được những rủi ro mà họ có thể gặp phải. Ngoài ra, cắt bảo hiểm để tiết kiệm chi phí cũng là một yếu tố dẫn đến “khoảng trống” này.

Theo Tạp chí Sigma của Swiss Re, những tổn thất do thiên tai trên thế giới đã tăng lên trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ 2019 chủ yếu do các sự kiện thuộc “hiểm họa thứ hai” như bão và lũ lụt tăng lên và mức tăng được dự báo sẽ chưa dừng lại do khí hậu vẫn tiếp tục ấm lên.

Theo các chuyên gia trong ngành, biến đổi khí hậu sẽ làm tăng quy mô của các sự kiện thuộc hiểm họa thứ hai và những tổn thất liên quan.

Mặc dù đối mặt với nhiều rủi ro, việc “lấp đầy” được những “khoảng trống” bảo hiểm này là điều không hề dễ dàng.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như mức độ thâm nhập còn thấp (thường chỉ có tài sản thương mại của các tổ chức, doanh nghiệp lớn tham gia bảo hiểm tài sản), chưa có quy định giám sát thận trọng về bảo hiểm thiên tai, phí bảo hiểm thiên tai chưa được tính toán đầy đủ, chính sách thận trọng của các nhà tái bảo hiểm…, nên đến thời điểm này vẫn chưa có một sản phẩm bảo hiểm thiên tai trong dài hạn.

Bên cạnh đó, một vấn đề mấu chốt là nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm trong việc bù đắp cho những thiệt hại còn rất thấp. Đây là thách thức lớn nhất mà thị trường bảo hiểm Việt Nam cần phải vượt qua.

Để thay đổi được quan điểm và suy nghĩ của cộng đồng là điều không thể làm trong ngày một ngày hai cũng như phải có sự chung tay của các doanh nghiệp bảo hiểm và của cơ quan quản lý nhà nước.

Chỉ khi có sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan thì bảo hiểm thiên tai mới phát huy được tác dụng, không chỉ giúp người dân trong giai đoạn khó khăn, mà còn góp phần giảm thiểu gánh nặng kinh tế cho Nhà nước.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục