Khoảng 540.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn, thị trường kém sôi động quý 2/2022

SSI Research cho rằng, nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự kiến vẫn dồi dào, song thị trường sẽ kém sôi động hơn trong quý 2/2022 trước khi có các chính sách rõ ràng hơn.

Nhu cầu vẫn lớn, lợi suất trái phiếu sẽ tăng

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vừa công bố của SSI Research nhận định, mặt bằng lãi suất tiền gửi được kỳ vọng nhích tăng và nhờ vậy lợi suất TPDN cũng sẽ tăng theo khi mà hơn 70% TPDN phát hành có lãi suất thả nổi. Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các NHTW lớn và áp lực lạm phát trên thế giới có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, làm tăng kỳ vọng lãi suất với các đợt phát hành trái phiếu mới. Đó là chưa kể đến việc nhà đầu tư sẽ phải tính lại mức độ rủi ro của ngành bất động sản trong năm 2022.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, môi trường lãi suất trong năm 2022 được kỳ vọng vẫn tích cực khi chính sách tiền tệ của Việt Nam có độ trễ so với các NHTW lớn trên thế giới, cũng như Chính phủ nhấn mạnh 2022 và 2023 là hai năm hồi phục, do vậy áp lực lên chi phí tài chính khi phát hành TPDN là chưa nhiều.

Mặt khác, số TPDN đáo hạn trong 2 năm 2022-2023 ước khoảng 540 nghìn tỷ đồng, và chiếm khoảng 36% lượng TPDN lưu hành, dẫn đến nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Do vậy, nhu cầu phát hành TPDN dự kiến vẫn rất dồi dào.

Thị trường kém sôi động ngóng chính sách

SSI cũng cho rằng, những thay đổi về quy định pháp lý tác động mạnh đến thị trường Bộ Tài Chính đang lấy ý kiến từ các chuyên gia về dự thảo sửa đổi lần thứ 5, bổ sung Nghị định 153 và thu hút nhiều sự chú ý trên thị trường, với nhiều quy định chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận hơn đến kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Ngoài việc quy định chi tiết hơn và chặt chẽ hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký/ thay đổi/ hủy bỏ giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán để phát triển thị trường thứ cấp; dự thảo còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng, có thể tác động mạnh đến thị trường TPDN.

Cụ thể bổ sung các yêu cầu sau: Doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của doanh nghiệp khác, hoặc cho doanh nghiệp khác vay vốn; Doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn khi có yêu cầu, trong trường hợp vi phạm không thể khắc phục được.

Ngoài ra, nhà phát hành cũng phải tuân thủ chặt các điều kiện về tỷ lệ an toàn tài chính: tổng dư nợ của tất cả các loại trái phiếu không được vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu (Nghị định 81/2020 quy định 5 lần và sau đó nghị đính 153/2020 đã bỏ); có kết quả kinh doanh của năm trước liền kề có lãi (khôi phục lại quy định từ Nghị định 90/2011/NĐ-CP) và không có lỗ lũy kế; có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán đối với phần dư nợ trái phiếu lớn hơn vốn chủ sở hữu;

Dự thảo cũng đưa ra điều kiện chặt chẽ hơn về nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như yêu cầu chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Nhìn chung, bản dự thảo sửa đổi số 5 đề cao tính minh bạch và chống lại các rủi ro gian lận trong quá trình phát hành trái phiếu tuy nhiên bản chất hoạt động của thị trường TPDN vẫn phải dựa trên nguyên tắc lợi nhuận – rủi ro đem lại. Các quy định như trong dự thảo sửa đổi số 5 sẽ khiến cho kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu riêng lẻ khó khăn hơn trước.

“Thị trường TPDN sẽ kém sôi động hơn ít nhất trong Quý 2 trước khi có các chính sách rõ ràng hơn từ Chính phủ Sự kiện Tân Hoàng Minh và các động thái siết chặt của Chính phủ trên thị trường TPDN riêng lẻ trong thời gian qua có đã tác động cả doanh nghiệp phát hành và tâm lý nhà đầu tư”, các chuyên gia phân tích SSI nhận định.

Trên thực tế, thị trường TPDN cần được xây dựng như là sản phẩm của thị trường vốn dù đặc thù có tính trung dài hạn. Chính phủ mục tiêu vẫn đang định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng do vậy việc phát triển thị trường TPDN riêng lẻ là cần thiết.

Tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường TPDN vào khoảng 18% GDP, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025.

Các động thái gần đây của Chính phủ nên được nhìn nhận là cách để có thể thanh lọc thị trường tốt hơn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp yếu kém, chống gian lận và tạo môi trường tích cực cho các các doanh nghiệp tốt tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, đối với các nhà đầu tư cá nhân, cần phải nhấn mạnh rằng bản chất vận hành của thị trường TPDN là thị trường vốn, nghĩa là có rủi ro và lợi nhuận (lợi suất trái phiếu) được định giá trên cơ sở rủi ro. Do vây, điều quan quan trọng là có các cơ chế để tăng cường tính minh bạch hóa của thị trường để giúp nhà đầu tư có thể đánh giá tốt hơn những rủi ro có thể gặp phải. Trước mắt, những điều có thể làm ngay, dựa trên các qu định sẵn có, bao gồm việc rút ngắn thời gian cấp phép cho việc phát hành ra công chúng, để doanh nghiệp không cn phải quá phụ thuộc vào phát hành riêng lẻ. Ngoài ra chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở GDCK cần được cung cấp thêm các thông tin như mục đích phát hành, lãi suất phát hành, các đơn vị trung gian tham gia vào hoạt động phát hành thay vì chỉ có những thông tin cơ bản như khối lượng và kỳ hạn như hiện tại.

Kế hoạch triển khai Sàn giao dịch TPDN cần được nhanh chóng tiến hành nhằm yêu cầu các doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin một cách chuẩn hóa và dễ dàng tiếp cận đến nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ tạo điều kiện nhằm có thể điều hướng luồng vốn thông qua các tổ chức trung gian (Quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp,…). Phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm cũng là một yếu tố cần được xem xét, giúp thị trường có thêm nhiều thông tin hơn.

T.L
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục