Khoảng 1,5 triệu nam thanh niên trước nguy cơ… ế vợ

0:00 / 0:00
0:00

Thông tin đáng báo động về mất cân bằng giới tính ở Việt Nam: Năm 2019, cứ 100 bé gái được sinh ra thì có 111,5 bé trai chào đời (tỷ lệ tự nhiên là 104-106 trai/100 gái).

Kể từ năm 2010, cứ 100 bé gái được sinh ra thì có 111,5 bé trai chào đời. Mặc dù sự mất cân bằng giới tính đã giảm so với năm 2004 (112 bé trai/100 bé gái) nhưng để cân bằng giới tính thì 104-106 trai/100 gái. Kể từ năm 2010, cứ 100 bé gái được sinh ra thì có 111,5 bé trai chào đời. Mặc dù sự mất cân bằng giới tính đã giảm so với năm 2004 (112 bé trai/100 bé gái) nhưng để cân bằng giới tính thì 104-106 trai/100 gái.

Theo Kết quả các nghiên cứu chuyên sâu cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được Tổng cục Thống kê công bố vào hôm nay, 18/12/2020, do sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng nên trong tương lai gần có khoảng 1,5 triệu đàn ông Việt Nam… ế vợ.

Mức sinh giảm gần một nửa trong vòng 30 năm

“Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ Năm kể từ năm 1975. Cuộc tổng điều tra lần này đã thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn quốc nhằm phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết thực hiện”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết

Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 19/12/2019, nếu như năm 1989, tổng tỷ suất sinh (TFR) là 3,80 con/phụ nữ thì 30 năm sau (năm 1989) chỉ còn 2,09 con/phụ nữ. “Trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa, nhưng vẫn duy trì được mức sinh thay thế ổn định trong hơn một thập kỷ qua. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Dân số kế hoạch hóa gia đình”, bà Hương nhấn mạnh.

Cũng theo kết quả trên, hiện nay, mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn của thành thị và cao hơn mức sinh thay thế, TFR tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất cả nước, với TFR mỗi vùng là 2,43 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp nhất cả nước, TFR tương ứng là 1,56 con/phụ nữ và 1,8 con/phụ nữ.

Phụ nữ Hà Tĩnh đang giữ “quán quân” về mức độ sinh đẻ khi bình quân mỗi phụ nữ có 2,83 con, gấp 2 lần so với địa phương có mức sinh thấp nhất là TP.HCM (1,39 con). Phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì càng ngại sinh con, TFR của nhóm phụ nữ có trình độ trên trung học phổ thông là 1,98 con/phụ nữ và của nhóm có trình độ dưới tiểu học là 2,35 con/phụ nữ; phụ nữ càng nghèo thì càng sinh đẻ nhiều: bình quân mỗi phụ nữ thuộc nhóm nghèo nhất (nhóm 5) sinh 2,4 con, trong khi nhóm giàu nhất (nhóm 1) chỉ sinh 2 con.

Cuộc Tổng điều tra đã đưa ra con số đáng báo động về mất cân bằng giới tính ở Việt Nam. Cụ thể, năm 2019, cứ 100 bé gái được sinh ra thì có 111,5 bé trai chào đời (tỷ lệ tự nhiên là 104-106 trai/100 gái). Mặc dù sự mất cân bằng giới tính đã giảm so với năm 2004 (112 bé trai/100 bé gái) nhưng hiện tại cơ cấu dân số Việt Nam bị thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ em gái, có nghĩa là chỉ một gian ngắn nữa sẽ có khoảng 46.000 nam thanh niên khó có cơ hội tìm được bạn đời và số đàn ông “ế vợ” tiếp tục gia tăng khi sự mất cân bằng giới tính vẫn tiếp tục diễn ra.

Mất cân bằng giới tính và nỗi lo già hóa dân số

“Tâm lý trọng nam khinh nữ và nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Những cặp vợ chồng đã có 2 con nhưng chưa có con trai, khả năng sinh thêm con cao gấp đôi so với những cặp vợ chồng đã có ít nhất một con trai. Việc sinh thêm “thằng chống gậy” đặc biệt rõ rệt ở nhóm dân số có trình độ học vấn cao và mức sống tốt hơn”, bà Hương cho biết và bình luận, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai như dư thừa lượng nam thanh niên.

“Dự báo cho thấy, nếu sự mất cân bằng giới tính vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người. Ngay cả việc sự mất cân bằng giới tính giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2039 thì số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người”, bà Hương lo ngại.

Năm 2019, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam 73,6 năm (nam là 71 năm và nữ là 76,3 năm) và trong vòng 30 năm trở lại đây, tuổi thọ trung bình của người Việt càng ngày càng được cải thiện nhờ nâng cao được đời sống và chế độ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, tuổi thọ tăng lên trong khi tốc độ tăng dân số chậm lại nên vào năm 2039, theo dự báo, Việt Nam sẽ ra khỏi thời kỳ dân số vàng và bước vào thời kỳ già hóa dân số (người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 15% trở lên tổng dân số).

Điều này khiến ông Trần Tất Thế, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội lo lắng khi Việt Nam được xếp vào nhóm những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. “Hiện Việt Nam có số người cao tuổi chiếm gần 17% dân số cả nước. Theo dự báo đến năm 2035 là khoảng 20%, đến năm 2050 là khoảng 25%. Già hóa dân số nhanh sẽ tạo ra những áp lực rất lớn trong việc ban hành và thực thi những chính sách có liên quan, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe người dân”, ông Thế lo lắng.

“Với trên 10 triệu người cao tuổi hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ có cuộc sống khó khăn do không có tích lũy cho tuổi già, một bộ phận người cao tuổi vẫn phải tự mưu sinh kiếm sống. Với xu hướng già hóa dân số hiện nay và trong tương lai, để khai thác tiềm năng của lớp người cao tuổi, việc chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường thân thiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích sẽ tạo ra động lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương”, ông Thế đề xuất.

Trên thực tế, rất nhiều người cao tuồi luôn là trụ cột gia đình, dòng họ, tiếng nói của họ có trọng lượng trong cộng đồng. Những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị đều có sự đóng góp lớn về trí tuệ, tinh thần của các thế hệ người cao tuổi. Vì vậy, theo ông Thế, cần phải có chính sách tăng cường chăm sóc người cao tuổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng và mỗi cá nhân chủ động chuẩn bị các điều kiện về vật chất, trí tuệ và tinh thần từ khi còn trẻ để khi về già, người cao tuổi không phải là gánh nặng, mà là một nguồn lực của gia đình và xã hội.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục