Và nếu nhìn dài hạn, tính hợp lý của nhiều khoản thu từ doanh nghiệp, trong đó có kinh phí công đoàn, cũng cần phải được cân nhắc kỹ.
Dòng vốn còn rất mỏng
Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị chính sách mà doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã dành một đầu mục riêng để kiến nghị miễn đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021, thay vì hoãn đóng một số tháng như các giải pháp đang được thực thi.
“Đây là kiến nghị xuất phát từ mọi hiệp hội và doanh nghiệp trong nhiều tháng qua. Chính sách này, nếu được ban hành, sẽ là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, cả về mục tiêu duy trì dòng vốn cũng như tiết giảm thời gian, công sức đối với các quy trình thủ tục hành chính”, Ban IV nêu trong bản kiến nghị.
Tháng 3/2020, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Công văn số 245/TLĐ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chính sách cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 với các doanh nghiệp có 50% số lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) phải nghỉ việc.
Khi đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đây là giải pháp để công đoàn Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ, vì việc làm bền vững và thu nhập ngày càng cao của người lao động…
Tuy nhiên, từ đó đến nay, hầu như không doanh nghiệp nào tiếp cận chính sách này. Ngay trong đợt khảo sát hồi giữa tháng 8/2020, mặc dù có tới 72% doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất phải đối mặt trong vòng 6 tháng tới là các khoản phải chi liên quan đến tiền lương, BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, nhưng phần lớn doanh nghiệp lại không đủ điều kiện được lùi thời hạn đóng kinh phí công đoàn.
Lý do là, theo tập hợp ý kiến doanh nghiệp gửi Ban IV, các doanh nghiệp đã chọn cách hoạt động cầm chừng, giãn việc, giảm lương…, chứ không cho lao động nghỉ việc, nên không đủ điều kiện. Đó là chưa kể, yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản đòi hỏi quy trình thủ tục hành chính mất nhiều thời gian, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong ngành dệt may, da giày, vận tải hàng hóa, đường bộ, logistics, hàng không…
Hơn thế, các doanh nghiệp cũng cho rằng, nếu đã phải cho 50% lao động đóng BHXH nghỉ việc, thì tình trạng của doanh nghiệp đã kiệt quệ, “chết lâm sàng”, nên có nhận hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020 cũng không có ý nghĩa hỗ trợ doanh nghiệp.
“Chúng tôi đề xuất Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để đánh giá tính cấp thiết và ý nghĩa của việc miễn đóng kinh phí công đoàn trong cả năm 2020 đến năm 2021”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV, phụ trách chính Nhóm nghiên cứu, thực hiện báo cáo cho biết.
Cũng phải nói thêm, theo đánh giá của Ban IV, do sức chống chịu của phần lớn doanh nghiệp hiện rất mỏng, lượng tiền thực để duy trì hoạt động là vấn đề vô cùng khó khăn. Có tới 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 54% có dòng tiền vào, nhưng chỉ đáp ứng dưới 50% chi phí.
“Hầu hết kiến nghị của doanh nghiệp đợt này tập trung vào việc đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định các biện pháp miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản chi, như các khoản phải nộp BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện..., các khoản thuế và tiền thuê đất năm 2020”, bà Thủy nói thêm.
Xem lại tính hợp lý của kinh phí công đoàn
Thực ra, các đề xuất liên quan kinh phí công đoàn không phải là vấn đề mới với các doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhắc lại đề xuất từ những kiến nghị, phân tích đã được các doanh nghiệp ngành thủy sản đưa ra từ năm 2012, góp ý cho Ban soạn thảo Luật Công đoàn khi đó.
“Các doanh nghiệp thủy sản nhiều năm qua vẫn hết sức băn khoăn, bức xúc với quy định phải nộp thêm là kinh phí công đoàn 2% quỹ lương đã được đưa vào Luật Công đoàn (năm 2012), ngoài quy định 1% phí công đoàn mà công đoàn viên đã nộp. Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp thủy sản sẽ tiếp tục có kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ về quy định này, để đảm bảo sự hài hòa hơn, phù hợp thông lệ quốc tế và tạo cho doanh nghiệp Việt có thêm chút “sức khỏe” để tham gia được tốt hơn ở các sân chơi với khu vực và quốc tế”, ông Nam nói.
Theo quy định hiện hành, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng tính 2% trên quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Doanh nghiệp nào cũng phải đóng khoản này, không phân biệt có tổ chức công đoàn hay không.
Đây là con số không hề nhỏ. Một doanh nghiệp thủy sản có 13.000 lao động đã tính, năm 2017, kinh phí công đoàn họ phải nộp là trên 10,2 tỷ đồng (trên tổng quỹ lương là 514 tỷ đồng) và năm 2018 là trên 11,5 tỷ đồng. Các con số này sẽ tăng theo mức tăng của lương tối thiểu… Trong số này, khoảng 30% sẽ nộp lên công đoàn cấp trên, số để lại doanh nghiệp sẽ được sử dụng theo quy chế thu - chi tài chính của công đoàn.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu không có quy định phải nộp khoản 2% này, quỹ lương của doanh nghiệp sẽ có phần kinh phí đó và đương nhiên, lương của người lao động có cơ hội được cộng thêm ít nhiều.
Nhưng tính hợp lý của quy định này không chỉ nằm ở các con số. Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi nghiên cứu về quy định này trong Luật Công đoàn, đã đặt câu hỏi, khoản kinh phí công đoàn 2% mà Luật Công đoàn quy định có bản chất như một loại thuế, chứ không phải phí.
“Phí công đoàn là khoản 1% công đoàn viên phải nộp. Đó là phí. Còn khoản 2% này, với cách thiết kế như hiện nay, theo tôi có bản chất như thuế, bắt buộc doanh nghiệp phải nộp, bất kể có dùng dịch vụ hay không. Đề nghị Quốc hội xem xét tính hợp lý, phù hợp của quy định này”, ông Cung nói về đề nghị bỏ quy định này ra khỏi Luật Công đoàn.
Theo ông Cung, về nguyên tắc, để xác định thu phí như thế nào, bao nhiêu, cần dựa trên hoạt động, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của tổ chức công đoàn. Mức phí này nên quy định ở quy chế hoạt động của các tổ chức đó, người nào gia nhập thì sẽ nộp phí, chứ không áp đặt mức thu chung cho tất cả doanh nghiệp, bất kể có tổ chức công đoàn hay không.
“Quy định này cũng để chuẩn bị cho việc hình thành tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tới đây. Tổ chức nào hoạt động tốt, cung cấp nhiều dịch vụ phù hợp với người lao động, được người lao động ủng hộ, thì sẽ nhận được sự tham gia đông đảo, sẽ thu được khoản kinh phí lớn để hoạt động. Tôi tin, khi đó, doanh nghiệp sẽ không phải đau đầu đi xin miễn giảm kinh phí công đoàn như hiện tại”, ông Cung đề xuất.
Nhiều hiệp hội cùng chung kiến nghị
Đây không phải lần đầu, Ban IV có đề xuất miễn kinh phí công đoàn. Hồi tháng 4/2020, khi Covid-19 mới bùng phát, Ban VI cũng có kiến nghị tương tự. Nhưng ý kiến trên không phải của riêng Ban IV. Danh sách các hiệp hội cùng đứng tên trong các kiến nghị này khá dài. Hồi tháng 4/2020, có 11 hiệp hội tham gia, gồm các hiệp hội: Dệt may Việt Nam, Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Nhôm thanh định hình Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Bông sợi Việt Nam, Da giày và Túi xách Việt Nam, Nông nghiệp số Việt Nam, Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam; Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam; Hội đồng Tư vấn du lịch; Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN.
Lần kiến nghị tháng 9/2020, số hiệp hội tham gia là 15, gồm 11 hiệp hội nói trên và có thêm các hiệp hội: Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, Rau quả Việt Nam, Hồ tiêu Việt Nam, Nhựa Việt Nam.