Trong khi đó, tổng doanh thu phí khai thác mới của bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 55,77%, bảo hiểm hỗn hợp chiếm 26,93%, bảo hiểm tử kỳ chiếm 2,95%, và các nghiệp vụ chính còn lại (bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm sức khỏe (sản phẩm chính) chiếm 3,3%...
Năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 115/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện. Đây là giải pháp phát triển vốn trung và dài hạn rất hiệu quả, đã và đang được nhiều quốc gia áp dụng thành công, nhưng cho đến thời điểm này, trên thị trường bảo hiểm Việt Nam, mới chỉ có các công ty bảo hiểm AIA, Bảo Việt, Dai-ichi Life, Manulife, Prudential và Sun Life có sản phẩm hưu trí tự nguyện.
Nằm trong nhóm công ty tiên phong triển khai bảo hiểm hưu trí tại Việt Nam, phục vụ cả đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, tính đến 31/7/2018, Sun Life đang dẫn đầu thị trường về bảo hiểm hưu trí tự nguyện với tổng tài sản quản lý Quỹ hưu trí Sun Life Việt Nam lên đến gần 1.300 tỷ đồng, phục vụ cho hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với gần 30.000 người lao động.
Trong khi đó, tại Bảo Việt, doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện tăng trưởng 13,4%, số hợp đồng khai thác mới tăng trưởng 43,8% so với năm 2016.
Năm 2017, Dai-ichi Life Việt Nam cũng có những hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp lớn về bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Trong số các doanh nghiệp đã triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện còn có Manulife hay Prudential...
“Chúng tôi đã có cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, nhưng thực tế doanh thu của bảo hiểm hưu trí còn rất thấp so với những sản phẩm bảo hiểm khác”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm chia sẻ.
Được biết, để được cấp phép triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm cần phải đáp ứng các điều kiện rất khắt khe về vốn, biên khả năng thanh toán. Doanh nghiệp cũng phải xây dựng hạ tầng công nghệ để có thể quản lý được hàng triệu tài khoản riêng lẻ…
Đó chính là lý do “sân chơi” này còn "vắng bóng" nhiều doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài ra, tăng trưởng doanh thu của bảo hiểm hưu trí tự nguyện chậm, cộng với chi phí đầu tư ban đầu cho sản phẩm này khá lớn, nên các doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng e ngại.
Trong khi đó, theo các chuyên gia trong ngành, bảo hiểm hưu trí tự nguyện có đặc tính, quyền lợi tương đối giống với các sản phẩm liên kết chung, nhưng lại không có sự linh hoạt của dòng sản phẩm liên kết chung nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn triển khai sản phẩm liên kết chung, thay vì sản phẩm hưu trí tự nguyện.
Tuy nhiên, vấn đề chính được coi là trở ngại cho việc thúc đẩy dòng sản phẩm này, theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán chính là chính sách thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp chưa đủ sức khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện. (Cá nhân được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện không quá 1 triệu đồng/tháng/người). Hoa hồng cho đại lý bán sản phẩm này cũng thấp nên họ không mặn mà.
Đối với các doanh nghiệp, hiện tại họ đang phải đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên ở mức 28% lương - đây là gánh nặng không nhỏ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (hiện tại đang chiếm phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam) – nên chỉ có các doanh nghiệp có nguồn tài chính dồi dào mới có thể mua thêm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động.
Ở khía cạnh khác, nếu lấy bảo hiểm làm biện pháp thu hút và giữ chân người tài thì trên thị trường lại có nhiều sản phẩm bảo hiểm có quyền lợi tốt hơn.
Tâm lý của người lao động Việt Nam thường chú ý đến hiện tại hơn là các quyền lợi tương lai nên bảo hiểm hưu trí tự nguyện cũng khó thuyết phục người lao động, cũng như người sử dụng lao động.
Để đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm này, có lẽ các cơ quan chức năng cần có những chính sách thuế hấp dẫn hơn cho người mua bảo hiểm, đẩy mạnh cải tiến thủ tục hành chính, nới rộng các giới hạn về quyền lợi bảo hiểm quy định để có thể thiết kế được các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện có quyền lợi cao hơn.