Bảo hiểm hưu trí: Hỏi nhiều, mua ít

Nếu không có những thay đổi mạnh mẽ hơn về chính sách thuế (miễn giảm thuế nhiều hơn cho người mua) thì bảo hiểm hưu trí khó có thể phát triển. Thực tế cho thấy, sản phẩm này vẫn được nhiều cá nhân quan tâm, nhưng sau khi được đại lý tư vấn, không mấy người mua.
Nếu không có cơ chế đột phá về thuế cũng như công tác tuyên truyền của chính doanh nghiệp bảo hiểm thì bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ còn èo uột Nếu không có cơ chế đột phá về thuế cũng như công tác tuyên truyền của chính doanh nghiệp bảo hiểm thì bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ còn èo uột

Tiềm năng

Hưu trí tự nguyện ra đời với mục đích bổ sung vào hệ thống hưu trí đơn lẻ trước đó, giúp cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam dần trở thành hệ thống đa trụ cột, đem lại sự bền vững cho hệ thống hưu trí.

Theo các chuyên gia trong ngành, ở nhiều nước trên thế giới, hưu trí cơ bản không được coi là nguồn thu nhập hưu trí duy nhất. Chẳng hạn, ở Thái Lan, bảo hiểm hưu trí tự nguyện chiếm 20% tổng thu nhập người nghỉ hưu; tỷ lệ này ở Pháp chiếm 55 - 60%, ở Mỹ chiếm 30%. Trong khi đó, với đại đa số người lao động Việt Nam hiện nay, hưu trí cơ bản (bảo hiểm xã hội) chính là nguồn thu nhập duy nhất mà họ có khi nghĩ đến tuổi hưu trí.

Không những thiếu lợi thế so với các sản phẩm bảo hiểm khác, bảo hiểm hưu trí tự nguyện còn có nguy bị cạnh tranh bởi bảo hiểm hưu trí tự nguyện bổ sung do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sắp triển khai.

Thực tế, nguồn thu nhập hưu trí cơ bản dù được đánh giá khó có thể đủ đáp ứng một cuộc sống thảnh thơi khi về già, nhưng không phải người lao động nào cũng có được nguồn thu nhập này nếu họ đang là lao động tự do, thời vụ… Bảo hiểm hưu trí tự nguyện ra đời một phần để đáp ứng những nhu cầu như vậy.

Năm 2013, khi mới triển khai đề án bán sản phẩm hưu trí tự nguyện, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rất kỳ vọng vào phân khúc sản phẩm được đánh giá là mới mẻ này tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khác với mong muốn của các hãng bảo hiểm, thị trường lại không mặn mà và bản thân các hãng bảo hiểm cũng nhận thấy rằng, sản phẩm hưu trí tự nguyện sẽ khó triển khai nếu không có sự hỗ trợ của chính sách thuế.

Thực tế, sau hơn 3 năm triển khai, doanh thu phí mới của sản phẩm này tính đến tháng 9/2016 đạt chưa đầy 1% trong tổng doanh thu phí mới. Trong đó, PVI Sun Life (liên doanh giữa PVI và Sun Life) là hãng bảo hiểm có đóng góp nhiều nhất cho doanh thu bảo hiểm hưu trí của thị trường, với việc bán bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho các doanh nghiệp.

Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của khối bảo hiểm nhân thọ 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt hơn 11.646 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2015. Các nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp và bảo hiểm liên kết chung vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí khai thác mới.

Cụ thể, bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 45,95%, bảo hiểm hỗn hợp là 40,3%, bảo hiểm tử kỳ là 2,4% và các nghiệp vụ còn lại (hưu trí, trả tiền định kỳ, sinh kỳ và trọn đời) chiếm 2,15%.

Trong khi thị phần còn rất nhỏ thì tình hình khai thác mới của bảo hiểm hưu trí trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp phần lớn doanh thu của sản phẩm này là PVI Sun Life có sự thay đổi về sở hữu, dự kiến sẽ dẫn tới thay đổi về chiến lược kinh doanh.

Mới đây, PVI đã hoàn tất việc thoái hết 51% vốn khỏi liên doanh PVI Sun Life - liên doanh này hiện là công ty 100% vốn của Tập đoàn Sun Life và có tên gọi mới là Sun Life Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng, lợi thế cũng như thế mạnh khai thác sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện của liên doanh đến từ các đối tác PVI khó có thể duy trì. 

… nhưng không có lợi thế cạnh tranh

So với những sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác đang được các công ty bảo hiểm triển khai, hưu trí tự nguyện không có nhiều sức hấp dẫn, ưu đãi thuế không cao…, khiến sản phẩm này ngày càng bị thị trường “lạnh nhạt”.

Đại diện một công ty bảo hiểm từng bán được khá nhiều hợp đồng bảo hiểm hưu trí cũng phải thừa nhận, sản phẩm này bán rất chậm. Quan tâm chủ yếu đến bảo hiểm hưu trí vẫn là khách hàng cá nhân, nhưng sau khi được đại lý tư vấn, không mấy người hỏi mua. Còn đối với khách hàng doanh nghiệp, việc bán sản phẩm là vô cùng khó.

Ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận xét, mức ưu đãi thuế hiện nay không có tác dụng gì vì thế khó có thể khơi thông phân khúc bảo hiểm hưu trí tự nguyện phát triển.

Trước đó, Hiệp hội Bảo hiểm đã có kiến nghị, Chính phủ nên xem xét bỏ quy định về giới hạn chi phí không được khấu trừ của người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, vì Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không quy định nghị định hướng dẫn nội dung này.

Trong trường hợp buộc phải đưa giới hạn cho tương thích với các loại bảo hiểm khác, thì thay vì quy định mức 1 triệu đồng/tháng như trong dự thảo Nghị định, Hiệp hội Bảo hiểm kiến nghị, nên đưa ra mức giới hạn 10 triệu đồng/tháng cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn 5 năm; 7,5 triệu đồng/tháng cho hợp đồng từ 6 - 10 năm và 5 triệu đồng/tháng cho hợp đồng trên 10 năm.

Bởi lẽ, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do người sử dụng lao động mua cho người lao động là do người sử dụng lao động lựa chọn về thời gian và số tiền bảo hiểm thích hợp nhằm cho người lao động được hưởng sau thời gian 5 năm, 10 năm. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp nhận.

Một chuyên gia trong ngành cho biết, so với thời điểm mới ra mắt, quy định pháp luật đối với sản phẩm hưu trí sau này đã có một số điều chỉnh, nhưng phần lớn theo chiều hướng bất lợi, chẳng hạn người mua bảo hiểm hưu trí phải nộp thuế thu nhập cá nhân trên khoản công ty đóng góp.

Trong khi đó, đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp mua cho nhân viên sẽ được tính vào chi phí, nhưng riêng với bảo hiểm hưu trí tự nguyện thì chỉ được khấu trừ tối đa 1 triệu đồng/người. Đây là một trong những lý do chính khiến bảo hiểm hưu trí tự nguyện chưa phát triển.

“Không những thiếu lợi thế so với các sản phẩm bảo hiểm khác, bảo hiểm hưu trí tự nguyện còn có nguy bị cạnh tranh bởi bảo hiểm hưu trí tự nguyện bổ sung do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sắp triển khai. Hiện số lượng hợp đồng bảo hiểm hưu trí tự nguyện được bán ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dường như phân khúc bảo hiểm này vẫn đang trong giai đoạn đóng băng”, một chuyên gia trong ngành nói.

Nhìn nhận về tương lai của bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại thị trường Việt Nam, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho rằng, bảo hiểm hưu trí tự nguyện chỉ có thể phát triển khi có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách thuế cho người mua, nếu không sẽ khó có thể thay đổi thực trạng hiện nay.

Thu Mai
Đặc san Toàn cảnh Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2016

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục