GDP ước vượt kế hoạch 0,3%
Bên cạnh việc giá dầu thô giảm sâu, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2015 vừa diễn ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết thêm một số khó khăn khác mà nền kinh tế đang phải đối mặt.
Đó là sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn: một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và giá trị. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn gặp trở ngại. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng từ đầu năm đến nay luôn tăng thấp hơn mức tăng của tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế…
Tuy nhiên, khi đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2015, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhiều khả năng GDP đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,5% trong năm nay. Ngoài GDP, nhiều chỉ tiêu khác cũng sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Trả lời câu hỏi của báo giới tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2015: trong bối cảnh lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có tính đến giảm lãi suất, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tuy lạm phát năm 2015 thấp, mà nguyên nhân chủ yếu do giá hàng hóa thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu thô, nên nếu mặt hàng này tăng giá trở lại thì lạm phát sẽ tăng. Mặt khác, sức cầu trong nước đang tăng, nên lạm phát trong năm 2016 được dự báo khó thấp như năm nay.
So với mặt bằng lãi suất cuối năm 2011, thì hiện lãi suất giảm nhiều và tương đương các năm 2005-2006 (giai đoạn nền kinh tế phát triển ổn định). Do đó, định hướng điều hành của NHNN là không chủ quan với lạm phát trong năm 2016. Chính sách lãi suất phải phù hợp với xu hướng lạm phát trong tương lai. Từ mức trần lãi suất điều hành của NHNN hiện hành, các tổ chức tín dụng vẫn có thể hạ lãi suất.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,07% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng ước tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, là động lực chủ yếu của tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 9,4%, thể hiện sức cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng…
Còn có thêm những con số khác thể hiện “sức khỏe” của nền kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với cùng kỳ năm ngoái, ngoài số vốn đăng ký và dự án cấp mới tăng khá cao, vốn FDI thực hiện trong 11 tháng qua ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 17,9%.
11 tháng năm 2015, cả nước có 86.853 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 538,7 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1% về số DN và tăng 37,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014. Cùng với 742,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn trong 11 tháng qua, tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 11 tháng năm nay là 1.280,9 nghìn tỷ đồng.
Tạo đà cho GDP năm 2016 ước tăng 6,7%
“Triển vọng GDP năm nay tăng cao hơn 6,5%, cùng với kinh tế vĩ mô tiếp tục có thêm những tín hiệu tích cực, trong khi các bộ, ngành, địa phương vẫn tập trung tháo gỡ những khó khăn, sẽ tạo nền tảng cho mục tiêu GDP năm 2016 tăng khoảng 6,7%”, ông Nên nói.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khá tham vọng trong năm tới, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả cao nhất, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016 ngay từ những ngày đầu năm. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Cuối tháng 12, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước, để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016...
Ngoài yêu cầu tập trung chỉ đạo thu ngân sách trong tháng 12, nhất là cố gắng thu khoản nợ đọng 70.000 tỷ đồng tiền thuế để bảo đảm cân đối ngân sách, Thủ tướng lưu ý năm 2016 phải tiếp tục đà cải cách của năm 2015, đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm đầu trong ASEAN. Cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh tạo thuận lợi cho người dân, DN thì cần bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
“Cái nào cần thì vẫn phải kiểm soát, không được buông lỏng…”, Thủ tướng nói.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác cũng được Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo quyết liệt là thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
“Tái cơ cấu DNNN phải tập trung đẩy mạnh tiến độ, cái nào tư nhân mua được mà họ quản lý tốt, thì các đồng chí bán luôn để chúng ta thu hồi vốn đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng khác”, Thủ tướng lưu ý.