Khó hiểu chuyện “tắc đường”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều phiên giao dịch tuần qua, nhà đầu tư theo dõi bảng điện HOSE mang tâm lý chán chường vì hệ thống trục trặc, lệnh mua, lệnh bán không thể gặp nhau.
Khó hiểu chuyện “tắc đường”

Lý do chưa thuyết phục

Tình trạng phổ biến là bảng điện trong nhiều quãng thời gian gần như đứng hình, trước đó giá nhảy loạn xạ, khiến nhiều nhà đầu tư mua bán chứng khoán không khác gì kiểu “bịt mắt dò đường”. Tệ hơn, lệnh mua và bán đều không thể đưa vào hệ thống.

Trên các diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư bức xúc khi tình trạng nghẽn hệ thống diễn ra suốt hai tháng qua vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra là tại sao có những phiên giao dịch giá trị tới gần 20.000 tỷ đồng, hệ thống không bị treo, trong khi có nhiều phiên thanh khoản chỉ tới mốc 14.000 - 15.000 tỷ đồng là đã “tắc đường”?

Theo lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), việc nghẽn lệnh do số lượng lệnh tăng lên, chứ không phải do giá trị giao dịch. Nhưng lời giải thích như vậy rất khó thuyết phục, vì hiện nay thống kê về số lượng lệnh trên HOSE ở nhiều đầu mối là rất khác nhau.

Theo thống kê từ Vietstock ở một thời điểm trong phiên giao dịch ngày 22/2 - phiên có tình trạng nghẽn lệnh, số lệnh đặt mua là 97.045, số lệnh đặt bán là 93.492 lệnh. Phiên giao dịch ngày 23/2, hệ thống thông suốt không bị nghẽn lệnh có số lệnh đặt mua tới 130.724; số lệnh đặt bán là 113.519 lệnh; lần lượt tăng 34,7 và 21,42% so với phiên ngày 22/2.

Đến phiên 24/2, tình trạng nghẽn lệnh diễn ra trầm trọng thì số lượng lệnh đặt mua chỉ có 90.060, lệnh đặt bán đạt vẻn vẹn 81.107 lệnh, thấp hơn 31,11% và 28,55% so với phiên giao dịch thông suốt hôm trước.

Trong khi đó, số liệu cuối ngày của HOSE cung cấp sau khi nhà đầu tư khắp các diễn đàn bức xúc cho thấy, ngày 22/2 lệnh mua đạt 306.579; lệnh bán đạt 296.818. Ngày 23/2 , lệnh mua đạt 324.941; Lệnh bán đạt 271.016; Ngày 24/2, lệnh mua đạt 345.613; lệnh bán đạt 275.796

Với dữ liệu và thực tế như vậy, nhà đầu tư không thể biết được khi nào hệ thống “bị đơ”, giải pháp để khắc phục tình trạng này là gì?

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện chỉ trông chờ vào hệ thống giao dịch mới của HOSE được vận hành và đi vào hoạt động, sớm nhất cũng phải tới cuối năm 2021. Mặt khác, việc thử nghiệm vận hành hệ thống này bị chậm trễ do các chuyên gia Hàn Quốc không sang được Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Bàn về câu chuyện này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho biết, ông nhớ từ những năm 2008 Văn phòng Chính phủ đã có công văn về gói thầu này.

Sau đó, các thành viên thị trường cũng đặt câu hỏi về việc tại sao lại chọn Sở Giao dịch Hàn Quốc (các Sở giao dịch chứng khoán thường không chuyên về công nghệ, vốn chỉ cung cấp các dịch vụ về chứng khoán) là nhà thầu gói tin học. Để đến bây giờ, dự án này bị chậm trễ không khác gì dự án Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.

Từ vấn đề “nghẽn lệnh” của thị trường hiện nay, các nhà đầu tư đặt câu hỏi về năng lực dự báo và sự chủ động nâng cấp hệ thống của HOSE để đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của thị trường chứng khoán theo mục tiêu của Chính phủ tại Ðề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 – 2025.

Báo cáo tài chính của HOSE từ năm 2014 tới nay cho thấy, mãi tới nửa đầu năm 2020, chi phí xây dựng dở dang thiết bị tin học cho dự án xây dựng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (dự án được kỳ vọng khi hoàn tất sẽ nâng cao năng lực giao dịch của hệ thống), ghi nhận giá trị 343,77 tỷ đồng. Các năm 2014, 2015, 2016, Sở gần như không đầu tư, nâng cấp hệ thống, tương tự là giai đoạn 2018 - 2019.

Trong khi đó, nguồn lực của HOSE lại rất dồi dào khi doanh thu, lợi nhuận liên tục tăng trưởng. Cụ thể, từ mức lợi nhuận 210,6 tỷ đồng năm 2016 tăng lên 427 tỷ đồng trong năm 2017 và đạt 521,5 tỷ đồng trong năm 2018; 379 tỷ đồng năm 2019.

“Khiêm tốn” về công nghệ?

Báo cáo tài chính của HOSE cho biết, chỉ trong trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở thu về 382 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với cùng kỳ 2019. Mặc dù có tới 5 mảng hoạt động kinh doanh nhưng phần lớn doanh thu của HOSE cũng như động lực tăng trưởng doanh thu đến từ dịch vụ giao dịch chứng khoán, với 326,56 tỷ đồng, tăng 19,8% so với nửa đầu năm 2019 và chiếm 85,5% doanh thu ghi nhận.

Sự tăng trưởng doanh thu của mảng kinh doanh này là dễ hiểu khi đặt trong bối cảnh thanh khoản của sàn HOSE tăng mạnh trong nửa đầu năm 2020 sau khi thị trường giảm sâu, các cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn, thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đổ vào thị trường.

Doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng chi phí giá vốn lại giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước, xuống 31 tỷ đồng, giúp lợi nhuận gộp thu về xấp xỉ 351 tỷ đồng, tăng 21,1%. Biên lợi nhuận gộp lên đến 91,88% - mức mơ ước của bất cứ doanh nghiệp niêm yết nào.

HOSE hoàn toàn không tốn kém chi phí bán hàng, trong khi chi phí tài chính ghi nhận chỉ hơn 1 tỷ đồng do lỗ chênh lệch tỷ giá. Chi phí đáng kể nhất Sở ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2020 là chi phí quản lý với giá trị 117,5 tỷ đồng, mà chủ yếu là phí giám sát hoạt động chứng khoán nộp về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chi phí nhân công và chi phí khấu hao.

Sau khi loại trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Sở đạt 190,9 tỷ đồng. Tính trên quy mô 1.962 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 2.075 tỷ đồng tổng tài sản đến 30/6/2020, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu và tổng tài sản riêng trong nửa đầu năm 2020 đạt 9,73% và 9,2%.

Đến nay, dù HOSE chưa công bố báo cáo tài chính năm 2020, nhưng với tình hình thanh khoản toàn sàn liên tục thiết lập các kỷ lục mới trong nửa cuối năm 2020, không khó để dự báo HOSE đã có một năm kinh doanh thành công.

Tại ngày 30/6/2020, báo cáo tài chính của HOSE cho biết, quy mô tổng tài sản của Sở đạt gần 2.075 tỷ đồng, giảm gần 100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong kỳ, ngoài việc chi trả hơn 61 tỷ đồng cổ tức về đơn vị chủ quản, Sở cũng giảm mạnh giá trị phải trả cho các tổ chức phát hành (từ 283,6 tỷ đồng xuống còn 67,4 tỷ đồng) khiến số dư tiền và các khoản phải trả giảm mạnh so với đầu năm.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của HOSE đến cuối quý II/2020 là khoản mục tiền và tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị 1.054,6 tỷ đồng, chiếm 50,8% tổng tài sản. Trong đó, có 914,6 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn hạch toán tại mục đầu tư tài chính ngắn hạn và 140 tỷ đồng tiền tại đơn vị.

Giá trị tài sản cố định của HOSE ghi nhận là 568,3 tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng tài sản nhưng chủ yếu là quyền sử dụng đất và giá trị nhà cửa, vật kiến trúc.

Cụ thể, trong cơ cấu tài sản cố định, có 454,9 tỷ đồng tài sản cố định hữu hình, chủ yếu là nhà cửa (với 328 tỷ đồng), thiết bị, dụng cụ quản lý (63 tỷ đồng), còn giá trị máy móc, thiết bị (nhiều khả năng là hệ thống phục vụ giao dịch chứng khoán) chỉ 63,6 tỷ đồng. Đối với phần tài sản vô hình với giá trị 113,4 tỷ đồng, chiếm chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất (91,98 tỷ đồng); phần mềm máy tính (21,48 tỷ đồng).

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM triển khai quá trình lựa chọn nhà thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh và hiệu quả kinh tế; đáp ứng yêu cầu của gói thầu từ thiết kế, giải pháp đến cung cấp lắp đặt và chuyển giao.

Bổ sung kinh phí theo từng giai đoạn thực hiện của gói thầu nhằm bảo đảm hệ thống đáp ứng được những thay đổi về quy mô và những yếu tố đột biến trong sự phát triển, khả năng cập nhật hệ thống tin học hiện đại và yêu cầu vận hành của thị trường giao dịch chứng khoán.

(Trích Công văn số 3863/VPCP-KTTH ngày 12/6/2018 )

Khắc Lâm - Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục