Khó, dễ chuyển dịch dòng vốn đầu tư

(ĐTCK) Việt Nam, với những thành công trong kiểm soát và khống chế dịch bệnh đang được kỳ vọng là điểm đến của dòng vốn đầu tư dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc nhằm giảm lệ thuộc của chuỗi cung ứng vào thị trường này. 

Cơ hội lớn đang mở ra

Số liệu được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp cho thấy, trong bức tranh suy giảm chung của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 4 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2016 - 2018.

Trong đó, vốn FDI trong tháng 4 đã tăng tới 81,4% so với tháng 3 và các tháng đầu năm. Đặc biệt, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng 33% về số thương vụ
giao dịch.

“Có thể thấy, các nhà đầu tư vẫn đang âm thầm mua vào khi nhìn thấy tiềm năng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vốn điều chỉnh vẫn tăng, thể hiện các nhà đầu tư tiếp tục tăng vốn các dự án, đây là tín hiệu tích cực cần nhìn nhận”, ông Hoàng phân tích. 

Bám sát các tín hiệu này, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang tổng hợp nghiên cứu làn sóng thu hút vốn FDI từ các nước để có kế hoạch đón đầu một cách tối ưu.

“Đây là cơ hội lớn mở ra cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các kế hoạch đón đầu làn sóng vốn đầu tư mới đã được Cục chuẩn bị với các bước đi sẵn sàng”.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài chia sẻ và cho biết thêm, cơ quan này đã và đang tiếp cận hàng loạt nhà đầu tư lớn để trao đổi về các phương thức hợp tác, kế hoạch đầu tư cũng các ưu đãi trong khuôn khổ pháp luật, song song với đó là rà soát và kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật nhằm cải thiện điều kiện đầu tư và môi trường kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng để thu hút các dòng vốn mới.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có một số thuận lợi trong việc thu hút làn sóng đầu tư mới này.

Với những kết quả tích cực trong phòng chống dịch bệnh, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo niềm tin lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam khi trở thành một trong số ít quốc gia ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh và dự báo sẽ sớm vượt qua cơn bão suy thoái toàn cầu.

Trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á do tác động kép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh Covid-19, Việt Nam được đánh giá là một trong những vùng trũng thu hút dòng vốn, với các lợi thế đã có từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu.

Niềm tin và kỳ vọng của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng được ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp cuối tuần trước.

Theo ông Hong Sun, sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, trong các ngành có tiềm năng đã được chứng minh hiệu quả ngay cả trong đại dịch như công nghiệp chế biến.

Nhiều yếu tố cần cải thiện để đón sóng đầu tư

Cơ hội là hiện hữu, song theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, xu hướng thế giới chỉ tăng đầu tư tại một số nước, Việt Nam may mắn nằm trong số nước thu hút đầu tư tăng. Nhưng để thu hút được dòng vốn này trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt.

“Căng thẳng Mỹ - Trung khiến nhiều nhà đầu tư rời khỏi Trung Quốc, nhiều nước đều có chính sách vô cùng cạnh tranh để đón lõng dòng vốn này, như Thái Lan có gói kích thích rất lớn. Trung Quốc để tăng sức hấp dẫn chính sách nhằm giữ chân dòng vốn cũng đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới. Ngay cả Campuchia cũng nhận thức rõ được điều này và cũng đã có Luật Đầu tư nước ngoài mới”, Thứ trưởng Thắng thông tin.

Trong bối cảnh này, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, sau khi dịch Covid-19 được khống chế trên phạm vi toàn cầu, khi các tập đoàn đa quốc gia phục hồi sản xuất - kinh doanh, định hình lại chiến lược đầu tư kinh doanh trong chuỗi sản xuất, cơ hội được đánh giá là sẽ đến với Việt Nam, tùy thuộc vào các giải pháp xử lý khủng hoảng và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ trong tương quan với các nước trong khu vực, cũng như khả năng phục hồi và hấp thụ các cơ hội của doanh nghiệp.  

Nhìn nhận cơ hội đến từ sự chuyển dịch làn sóng đầu tư gắn liền với chuỗi giá trị và sản xuất thời hậu dịch là rõ ràng, song các doanh nghiệp trong nước vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (VASI) cho biết, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã nắm được thông tin các công ty đa quốc gia có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất hoặc mua hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia thứ ba và đây là cơ hội tốt cho Việt Nam, tuy nhiên, câu chuyện đón làn sóng chuyển dịch đầu tư là không hề đơn giản.

“Thực tế, việc chuyển cơ sở sản xuất, mua hàng sang quốc gia thứ ba ngoài Trung Quốc đã được các công ty trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia xúc tiến từ vài năm trở lại đây. VASI và các doanh nghiệp hội viên đã tiếp rất nhiều khách hàng như vậy. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hầu như không đáp ứng được yêu cầu của các đối tác. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang có lợi thế hơn hẳn Việt Nam trong việc nhận chuyển giao này như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…”, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch VASI nhìn nhận.

Một lần nữa, những hạn chế về quy mô, năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước lại là rào cản khiến các nhà sản xuất trong nước không thể tự tin đón nhận cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời, chỉ một vài công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, như thế cần có nhiều doanh nghiệp đảm nhận các khâu. Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại, với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan/Trung Quốc gia công rồi gửi về, làm chi phí cao thêm”, đại diện VASI lý giải.

Ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam cũng khó cạnh tranh về giá so với các nước, do chi phí cao bởi lãi vay ngân hàng, thuế và phí các loại, chi phí không chính thức cao.

Trong khi đó, các hỗ trợ của Chính phủ về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực chỉ tồn tại trên chính sách, hầu như công nghiệp hỗ trợ không tiếp cận được, không hiệu quả, hoặc rất ít.

“Nếu so sánh với các hỗ trợ mà công nghiệp hỗ trợ ngành chế tạo Trung Quốc (cũng như các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia) được thụ hưởng thì doanh nghiệp Việt Nam quá thiệt thòi”, bà Bình trăn trở.

Tỷ lệ nội địa hóa chưa có sự cải thiện của các doanh nghiệp Việt Nam cũng là một trong thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, vốn tập trung đầu tư nhiều trong lĩnh vực chế biến chế tạo tại Việt Nam, từ đó, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước này cũng như trong kế hoạch xem xét điểm đến để chuyển dịch chuỗi sản xuất.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật phải mua linh kiện từ các doanh nghiệp phụ trợ của Nhật tại Trung Quốc hiện vẫn lên tới 10,2%.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp Nhật lo lắng, nhất là trong năm nay dự báo ảnh hưởng khá lớn bởi dịchCovid-19 có thể khiến sản xuất của nhiều doanh nghiệp phụ trợ tại Trung Quốc bị đình trệ.

Điều này tiếp tục đặt ra nhiều thách thức trong việc cải thiện trình độ công nghệ và năng lực gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco, giá thành và năng lực còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hệ thống logistic đang là điểm yếu khiến doanh nghiệp Việt Nam chậm chân trong cuộc đua chiếm lĩnh thị trường.

“Thaco khi nhập khẩu linh kiện về vẫn phải xuất 90% container rỗng về thành phố hoặc ra cảng Hải Phòng, làm gia tăng giá thành của hàng xuất khẩu của doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh”, ông Dương nêu khó khăn của chính doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Chủ tịch Thaco thẳng thắn cho rằng, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm giá thành logistic là một trong những yếu tố cốt lõi cần cải thiện ngay để đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục