Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính từ đầu năm tới ngày 20/2/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,47 tỷ USD, bằng 76,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số này, có 500 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 5 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký mới tăng mạnh do trong hai tháng đầu năm 2020 có Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, còn có 151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 638,1 triệu USD, bằng 74,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, cũng trong hai tháng đầu năm 2020, cả nước có 1.583 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 827,3 triệu USD, tăng 52,4% về số lượt góp vốn, mua cổ phần và bằng 16% giá trị vốn góp so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng nhiều, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,52 triệu USD/ lượt góp vốn (nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân của hai tháng năm 2019 là 5 triệu USD/lượt góp vốn).
Trong hai tháng đầu năm 2019 có trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage với giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD, do vậy tổng số vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là rất lớn.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, nếu không tính các dự án lớn trên tỷ USD (dự án đầu tư mới 4 tỷ USD tại Bạc Liêu năm 2020 và trường hợp góp vốn, mua cổ phần của Beerco vào Beverage năm 2019) thì tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong hai tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 53,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Số lượt dự án đăng ký mới cũng như điều chỉnh mở rộng quy mô dự án đều giảm (97,3% và 85,8% so với cùng kỳ).
“Ngoài yếu tố ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết thì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án hiện có của nhà đầu tư nước ngoài”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Như vậy, dịch COVID-19 đã bắt đầu ảnh hưởng khá rõ nét tới kinh tế - xã hội Việt Nam, mà số liệu đầu tiên được công bố chính là thu hút đầu tư nước ngoài.
Không chỉ là vốn đăng ký, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn giải ngân cũng giảm so với cùng kỳ. Ước tính, hai tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt 2,45 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2019.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực sản xuất phân phối điện dẫn đầu với tổng số vốn đạt 3,89 tỷ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,76 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất về số lượng dự án cấp mới và điều chỉnh vốn.
Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 195 triệu USD và 180 triệu USD.
Còn nếu tính theo đối tác, hai tháng qua, đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,12 tỷ USD, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Trung Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 720,4 triệu USD, chiếm 11,1% tổng vốn đầu tư (trong đó có dự án cấp mới 300 triệu USD và một dự án điều chỉnh vốn 138 triệu USD; 2 trường hợp này đã chiếm 60,8% tổng vốn đầu tư của Trung Quốc trong 2 tháng).
Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 425,4 triệu USD, chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản.