Cà niễng được xem như có họ hàng với cà cuống vì chúng sở hữu ngoại hình khá giống nhau, cùng xuất hiện trên những cánh đồng quê. Nếu cà cuống gây ấn tượng bởi vị cay nồng, thì cà niễng cũng bùi, ngậy và thơm ngon không kém. Người Ninh Bình còn gọi cà niễng bằng cái tên: “sâu nước”.
Cà niễng có cánh đen, hơi cứng, sống nơi ruộng nước, chỗ có nhiều cỏ năn, cỏ lác hoặc nhiều rong rêu. Từ người đánh dậm, người bắt tép cho đến các em nhỏ, chỉ bằng vài thao tác đơn giản là có thể dễ dàng bắt được loài “sâu nước” này. Người mới gặp cà niễng lần đầu hẳn sẽ không thể ngờ đây là đặc sản của vùng cố đô, không phải ai cũng có may mắn được thưởng thức.
Cà niễng là đặc sản được người Ninh Bình khá ưa chuộng. (Ảnh: Internet)
Cà niễng mang về cần vặt hết chân, bỏ cánh, moi bụng rồi rửa sạch, để cho khô nước. Tiếp đó, đầu bếp chỉ cần rang lên, nêm mắm muối vừa phải là đã thành một món ăn đồng quê đích thực. Có người sành ăn hơn, nhất thiết yêu cầu món ăn phải được thêm vào chút nước muối cà.
Trong trăm loại món ăn đồng quê, cà niễng rang có hương vị riêng, không lẫn với bất cứ món nào. Món ăn chẳng tốn kém là bao, vừa dân dã, giản dị, nhưng với người dân Ninh Bình và thực khách phương xa thì chẳng có gì ngon lành, thú vị bằng.
Đến cuối bữa cơm, thực khách đừng quên cuộn tròn miếng cơm cháy, gắp vài con cà niễng làm "nhân", khẽ cắn rồi đủng đỉnh nhai. Như vậy mới càng thấm thía hương vị đồng quê trong món đặc sản riêng có của Ninh Bình.
Xôi trứng kiến Nho Quan
Xôi là một món ăn phổ biến với người Việt, nhưng không phải ai cũng biết đến đặc sản xôi trứng kiến quý hiếm, độc đáo của vùng Nho Quan (Ninh Bình).
Với địa hình núi đá vôi lởm chởm, Nho Quan thường có rất nhiều loại kiến nâu làm tổ trên ngọn cây (có nơi gọi là kiến ngạt, kiến cong trôn). Loài này cho các loại trứng béo ngậy và nhiều đạm. Người dân đã sử dụng nguyên liệu này một cách khéo léo để sáng tạo ra món xôi trứng kiến vừa ngon lạ, vừa rất giàu dinh dưỡng.
Bắt kiến đòi hỏi phải có sự khéo léo, tinh nhạy. (Ảnh: Internet)
Việc lấy trứng kiến không phải đơn giản, nếu không có kinh nghiệm thì dễ gặp nguy hiểm. Thông thường, người dân nơi đây đi đánh trứng kiến vào những ngày nắng ráo. Dụng cụ mang theo gồm có dao rựa, thúng, sàng, câu liêm.
Những tổ kiến được chọn là tổ có mặt kín, nhẵn mịn, tròn căng vì sẽ cho nhiều trứng, còn tổ nào xốp, hở ngoài không nhẵn thì lép ruột. Đầu tiên, người dân sử dụng câu liêm quặc xuống, xả tổ kiến ra từng mảng và đặt vào sàng. Sau đó, lấy sống dao gõ cạp sàng làm cho trứng kiến và kiến mẹ rơi xuống thúng. Công đoạn cuối cùng là tách các con kiến mẹ ra khỏi trứng.
Trứng kiến sau khi mang về sẽ được cho vào nước ấm đãi thật sạch, để ráo, ướp bột canh rồi đem phi với hành khô và mỡ gà cho đến lúc vừa chín tới và dậy hương thơm béo ngậy. Sau đó, trứng kiến được gói vào trong lá chuối ngự đã hơ chín rồi đặt vào trong chõ xôi.
Khi thấy xôi dậy hương thơm thoang thoảng thì bắc ra, mở gói trứng kiến vàng óng màu hổ phách rắc đều lên trên, dùng đũa xới nhẹ cho thật đều và đơm lên đĩa ăn nóng.
Món xôi trứng kiến cho thực khách nhiều trải nghiệm thú vị về vị giác. (Ảnh: Internet)
Để thưởng thức xôi trứng kiến, có thể dùng thìa hoặc dùng tay nhón từng dúm xôi bỏ vào miệng, nhâm nhi vị nếp dẻo thơm phức hòa lẫn với vị trứng kiến béo ngậy và thoảng hương thơm của mỡ gà, hành phi, lá chuối ngự. Không chỉ vậy, khi nhai chầm chậm, thực khách có thể lắng nghe tiếng trứng vỡ lép bép trong miệng thật thú vị.
Tuy nhiên, món xôi này không có sẵn mà còn phụ thuộc vào mùa sinh sản của kiến nâu. Xôi trứng kiến Nho Quan chỉ có theo mùa, đó là vào dịp rằm tháng 2 âm lịch hàng năm.