Khó áp trần lãi suất 20%/năm với các tổ chức tín dụng

“Nếu hiểu và áp mức trần lãi suất 20%/năm không đúng sẽ gây ra những méo mó về phân bổ nguồn lực của nền kinh tế, vi phạm nguyên tắc căn bản của thị trường tài chính, làm đổ sông, đổ bể mục tiêu tự do hóa lãi suất mà chúng ta đang nỗ lực hướng tới”, ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nêu quan điểm.
Tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá là rất lớn. Ảnh: Chí Cường Tiềm năng thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam được đánh giá là rất lớn. Ảnh: Chí Cường

Thưa ông, mức trần lãi suất 20% như quy định tại Bộ luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 có áp dụng với các tổ chức tín dụng không, đặc biệt với lĩnh vực cho vay tiêu dùng?

Lãi suất là giá cả của vốn. Do vậy, lãi suất phải được thực hiện theo nguyên tắc thị trường và phải căn cứ vào cung - cầu thị trường, nên giá cả sẽ được hình thành tự nhiên.

Với những khoản cho vay tiêu dùng, Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ là loại trừ các tổ chức tín dụng, không áp dụng mức trần lãi suất vay 20%/năm của khoản tiền vay, vì vế thứ hai đã nêu “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 12, Luật Ngân hàng Nhà nước và khoản 2, 3, Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng, trong điều kiện bình thường, lãi suất trong hoạt động của các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện đặc biệt, cần có sự can thiệp của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, cơ chế xác định lãi suất này có thể bao gồm trần lãi suất cho vay trong quan hệ cấp tín dụng của tổ chức tín dụng với khách hàng.

Như vậy, các công ty tài chính hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng đương nhiên cũng được loại trừ, không chịu sự điều chỉnh bởi Điều 468, Bộ luật Dân sự sửa đổi.

Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến băn khoăn rằng, nếu không áp trần lãi suất thì một số đối tượng, lĩnh vực ngành nghề sẽ khó tiếp cận vốn?

Nhật Bản phải mất tới 30 năm phấn đấu mới đạt tới tự do hóa lãi suất. Việt Nam vẫn còn một số lĩnh vực cần khống chế, như lãi suất trần cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, xuất nhập khẩu, công nghệ cao… không được quá 7%.

Khó áp trần lãi suất 20%/năm với các tổ chức tín dụng  ảnh 1

 Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước)

Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất hiện nay thì cho vay 7% là có margin rất thấp, thậm chí lỗ, ngân sách luôn căng thẳng, Nhà nước không cân đối được nguồn bù lỗ cho tổ chức tín dụng khi họ thực hiện theo mục tiêu chính trị. Chưa kể, nếu sử dụng chính sách lãi suất không đúng nguyên tắc thị trường, chúng ta còn đối mặt với nguy cơ bị kiện vì hỗ trợ giá không đúng theo các cam kết thương mại quốc tế.

Ông đánh giá sao về tiềm năng phát triển của thị trường vay tiêu dùng Việt Nam?

Thị trường vay tiêu dùng hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, bởi Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với 70% dân số trong độ tuổi lao động; tăng trưởng kinh tế vẫn tương đối khả quan.

Theo điều tra của một số tổ chức, chỉ số niềm tin tiêu dùng đã tăng lên đáng kể. Doanh số bán lẻ, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng nhanh. Trong 3 năm gần đây, dư nợ cho vay tiêu dùng tăng bình quân 32 - 35%/năm và tỷ trọng cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, trong đó có các công ty tài chính, chiếm gần 12% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế (năm 2015), tăng đáng kể so với con số 9% của năm 2014.

Theo ông, điều gì khiến thị trường cho vay tiêu dùng phát triển mạnh mẽ như hiện nay?

Tín dụng tiêu dùng trước hết là kích cầu, giải quyết vấn đề tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế. Nhiều nước như Trung Quốc mong muốn người dân chi tiêu nhiều hơn thay vì tiết kiệm, hướng vào cầu nội địa thay vì cầu bên ngoài. Tại Việt Nam, nhất là khu vực phía Nam, cho vay tiêu dùng đang phát triển tốt, vậy tại sao lại không khuyến khích?

Ý nghĩa về mặt vi mô, tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng, các công ty tài chính phát triển cũng là một trong những phương tiện rất tốt giúp người dân tích lũy tài sản. Ví dụ, 2 vợ chồng công nhân làm tại khu công nghiệp hưởng mức lương 4 triệu đồng/người/tháng có nhu cầu mua chiếc xe máy với giá trị 20 triệu đồng. Giả sử nếu không chi tiêu, muốn sở hữu xe máy, họ phải mất tới 3 tháng tiết kiệm, nhưng nếu có một công ty tài chính cho họ vay với khoản vay nhỏ, thủ tục đơn giản, lãi suất có thể cao, nhưng số tuyệt đối không lớn, thì hai vợ chồng công nhân này hoàn toàn có thể thanh toán được. Đây là phương thức giúp người dân tích lũy tài sản hiệu quả hơn.

Tôi cho rằng, thị trường cho vay tiêu dùng của Việt Nam còn rất mênh mông và đã đến lúc, cần thay đổi quan niệm, văn hóa tiêu dùng của người Việt. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, tại khu vực phía Nam và Tây Nguyên, văn hoá tiêu dùng của người dân phát triển rất tốt, nhưng ở khu vực phía Bắc và miền Trung, tín dụng tiêu dùng tăng chậm vì tâm lý ăn chắc mặc bền.

Văn hóa tiêu dùng sẽ có sự thay đổi khi tiêu dùng và tích lũy được quan niệm mới hơn. Sự tự thưởng, tận hưởng về thành quả lao động của mỗi người sẽ giúp nảy sinh ra nhiều ý tưởng hay về kinh doanh, về cách kiếm tiền hơn, thúc đẩy xã hội phát triển.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục