Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia vừa có lưu ý các bộ ngành nghiên cứu bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Tôi rất ủng hộ đề xuất này. Thực tế, cách đây rất nhiều năm, tôi đã khuyến nghị về việc cần phải thả nổi lãi suất, đặc biệt khi lạm phát năm ngoái ở mức thấp, là điều kiện thuận lợi để bỏ trần lãi suất nhưng chúng ta vẫn chưa tiến hành. Tại một thời điểm nào đó có thể dùng biện pháp, mệnh lệnh hành chính nhưng khi lạm phát đã được kiểm soát thì nên bỏ trần.
Nếu đến bây giờ mới tính toán đến việc bỏ trần lãi suất là hơi muộn. Bởi trong vài năm qua, việc áp dụng trần lãi suất khiến một vài ngân hàng tìm cách lách trần, chi ngoài vượt quy định nhằm “chăm sóc khách hàng”, dẫn tới những vụ kiện đình đám vừa qua trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên, muộn còn hơn không. Đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta xem xét nghiêm túc hơn để thực hiện sớm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Theo ông, đâu là lý do nên bỏ trần lãi suất?
Thứ nhất, lạm phát đã được kiểm soát tốt. Trong thời kỳ lạm phát cao, ngân hàng trung ương thường bị đẩy vào tình thế phải sử dụng triệt để lãi suất - một trong những công cụ trọng yếu của chính sách tiền tệ để kềm chế lạm phát. Lãi suất cao sẽ hạn chế tín dụng và giới hạn cung tiền chảy vào lưu thông. Ngược lại, lạm phát thấp sẽ tạo điều kiện cơ bản cho lãi suất huy động giảm.
Trên cơ sở lãi suất huy động thường cao hơn tỷ lệ lạm phát khoảng 2% và lãi suất cho vay cao hơn lãi suất huy động khoảng 2-3%, tỷ lệ lạm phát là điều kiện cần thiết để giảm lãi suất huy động và cho vay. Nhưng để thị trường tài chính ổn định, lãi suất không những phải thấp mà phải là lãi suất do cung cầu ấn định, không thể do ý chí và mệnh lệnh hành chính của cơ quan quản lý chính sách tiền tệ. Đồng nghĩa là lãi suất phải được thả nổi, cả huy động và cho vay.
Trường hợp điển hình trên thế giới về việc điều hành chính sách lãi suất theo kiểu này là Hoa Kỳ. Cục Dự Trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều hành lãi suất thị trường một cách gián tiếp: Hội đồng thị trường mở (FOMC) mỗi năm họp tám lần và tại mỗi phiên họp, Hội đồng định lãi suất mục tiêu cho vốn tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, gọi là Fed Funds Overnight.
Sau đó Fed thông qua những hoạt động mua bán trên thị trường mở (Open Market) và những công cụ khác của chính sách tiền tệ như lãi suất chiết khấu (discount rates) và dự trữ bắt buộc để hướng lãi suất Fed Funds Overnight xoay quanh lãi suất mục tiêu.
Trên thị trường tài chính, các định chế tài chính sẽ đưa ra những mức lãi suất huy động và cho vay cạnh tranh nhưng dựa trên cơ sở của Fed Funds Interest Rates. Với cách thức này, Fed tìm cách điều chỉnh lãi suất trên thị trường một cách gián tiếp qua những công cụ của chính sách tiền tệ chứ không can thiệp vào thị trường lãi suất qua mệnh lệnh hành chính như áp đặt trần lãi suất.
Tại Việt Nam, với lạm phát trong vòng kiểm soát và NHNN có đủ công cụ để điều chỉnh lãi suất mục tiêu một cách gián tiếp, đây là thời điểm thuận lợi để áp dụng lãi suất thả nổi.
Thứ hai, từ nhiều năm nay, chúng ta áp dụng lãi suất trần cho huy động vốn, với mục đích khống chế các ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao và từ đó đẩy lãi suất cho vay lên cao, ảnh hưởng tới việc hấp thụ vốn vay của các thành phần kinh tế và cuối cùng gây bất ổn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế là nhiều ngân hàng đã tìm cách vượt trần bằng nhiều cách, bao gồm cả việc chi cho khách hàng gửi tiền ngoài sổ sách và những chương trình khuyến mại tốn phí.
Trong tình huống này, các ngân hàng tạo ra lợi thế cạnh tranh không phải bằng lãi suất được niêm yết chính thức và chất lượng phục vụ khách hàng, mà một số đã tạo ra lợi thế cạnh tranh từ việc “đi đêm” với khách hàng, triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh và minh bạch.
Cho đến khi nào thị trường còn phải đối diện với sự bất bình đẳng và cạnh tranh không lành mạnh, chừng đó ngành ngân hàng Việt Nam chưa thực sự đi vào một nền kinh tế thị trường trong suốt và lành mạnh, với những thông tin minh bạch về giá cả (lãi suất). Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, mệnh lệnh hành chính thay vì ổn định thị trường, đã làm méo mó thị trường và cần phải gỡ bỏ.
Ông có quan điểm như thế nào trước những quan ngại về việc bỏ trần lãi suất sẽ khiến lãi suất tăng cao?
Tôi chắc chắn nếu bỏ trần lãi suất thì lãi suất sẽ tăng lên ngay, vì nó như hồ nước bị chặn lại, giờ bỏ đập đi nước sẽ trào lên. Tuy nhiên, diễn biến thị trường và quy luật cung – cầu sẽ tự điều chỉnh lãi suất đi xuống. Nhiều người cho rằng, lãi suất huy động được thả nổi sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động vốn dễ dàng và đẩy mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay lên cao, nhất là tại thời điểm nhu cầu tín dụng tăng cao trong những tháng cuối năm.
Tôi không loại trừ khả năng hiện tượng này xảy ra, nhưng tôi tin tưởng thị trường sẽ tự điều chỉnh. Nếu lạm phát được kiểm soát và người dân tin tưởng vào sự ổn định của tiền đồng thì người dân sẽ không đòi hỏi lãi suất huy động cao một cách vô lý. Đồng thời người đi vay cũng không sẵn sàng trả một loại lãi suất cho vay cao khi kinh tế ổn định.
Kinh tế vĩ mô hiện nay có sự ổn định tương đối, các thành phần kinh tế sẵn sàng chấp nhận và hấp thụ một mặt bằng lãi suất khoảng 1% thấp hơn mặt bằng lãi suất trên thị trường hiện nay. Do đó, đây là thời điểm thuận lợi để áp dụng lãi suất thả nổi.
Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng có thể xem là hàn thử biểu để đo nhiệt độ và sức khỏe tài chính của một ngân hàng. Một ngân hàng đói vốn và thiếu thanh khoản sẽ đẩy lãi suất lên cao để thu hút huy động. Ngược lại, một ngân hàng có thanh khoản cao và hoạt động lành mạnh sẽ không đẩy chi phí vốn lên cao.
Nếu ngân hàng tuyên bố “khỏe mạnh” nhưng vẫn để lãi suất cao để huy động sẽ khiến người gửi tiền nghi ngờ ngân hàng có vấn đề về huy động vốn. Còn cào bằng một mức lãi suất như nhau nghĩa là nền kinh tế này không đưa ra một tín hiệu nào. Một nền kinh tế thị trường mà không đưa ra những tín hiệu thị trường thì tính thị trường sẽ bị vô hiệu hóa.
Ông có khuyến nghị gì xung quanh vấn đề này?
Ở Mỹ và nhiều nước có luật chống độc quyền (Anti-trust Laws), các thành phần kinh tế phải được vận hành bình đẳng và đặc biệt ở Việt Nam, các ngân hàng phải được cạnh tranh bình đẳng. Nếu Chính phủ vẫn tiếp tục nâng đỡ 4 ngân hàng có vốn nhà nước, trong khi các ngân hàng nhỏ và hạng trung bị bất lợi thì chắc chắn nền kinh tế thị trường không vận hành được.
Bên cạnh đó, một điều kiện phải đi kèm với lãi suất thả nổi là cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản. Nếu chúng ta cứ tìm cách bảo vệ các ngân hàng yếu kém nhưng lại để lãi suất thả nổi thì thị trường sẽ không vận hành đúng quy luật, vì kết quả của lãi suất thả nổi là tạo ra những tín hiệu về tình hình sức khỏe tài chính của các ngân hàng, nhưng khi một ngân hàng tỏ ra yếu kém qua tín hiệu thị trường thì chúng ta lại dang tay ra giúp đỡ.
Vậy điều kiện cần để lãi suất thả nổi là kinh tế ổn định và lạm phát được kiểm soát. Đây là yếu tố chúng ta đang có. Nhưng điều kiện đủ là một thị trường ngân hàng minh bạch, cạnh tranh và thị trường có khả năng đào thải (cho phá sản) những ngân hàng yếu kém.
Về phía DN, họ cần hiểu rằng, chắc chắn bỏ trần lãi suất sẽ khiến lãi suất tăng lên. Đây là điều bất lợi, nhưng trong một thị trường cạnh tranh lành mạnh, lãi suất minh bạch, DN có cơ hội tiếp cận với nhiều ngân hàng và sẽ tìm được nhà băng thực sự có lợi thế cạnh tranh để cùng hợp tác và ủng hộ.