Khi quan chức “giữ mình” trên thương trường

(ĐTCK-online) Sự phá sản MF Global, nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cho đến nay, tiếp tục gây xôn xao dư luận khi hãng này bị phát hiện đã làm “bốc hơi” hơn 600 triệu USD tiền gửi khách hàng cùng với khoản lỗ khổng lồ của mình.
Gary Gensler Gary Gensler

Cơn giận của các nhà đầu tư đã “trót dại” dính vào hãng môi giới này gay gắt đến mức, Gary Gensler, quan chức cao cấp của nhóm điều tra sự vụ đã phải rút lui để chứng minh sự công tâm của cơ quan chức năng.

Gary Gensler là chủ tịch nhóm điều tra thuộc Ủy ban Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ (CFTC). Ủy ban này đang phối hợp với Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) để làm rõ vụ việc liên quan đến khoản tiền 633 triệu của khách hàng nói trên mà theo luật của Mỹ, sẽ phải được tách bạch ra khỏi tiền của các hãng môi giới.

Nguyên nhân Gensler rút lui khỏi cuộc điều tra hết sức đơn giản: Gensler và ông chủ của MF Global, Corzine, đã từng có mối quan hệ thâm niên tại công ty cũ Goldman Sachs và quan hệ chính trị khi cùng là thành viên Đảng Dân chủ. Người ta thậm chí còn “moi móc” ra việc Gensler đã ủng hộ 10.000 USD cho chiến dịch tranh cử của Corzine vào vị trí Thống đốc bang New Jersey nhiều năm về trước, và việc cuối năm ngoái, Gensler và Corzine đã cùng tham gia một chương trình của Đại học Princeton.

Thực ra, giới báo chí Mỹ thống kê rằng, Gensler và Corzine cũng chỉ gặp nhau một vài lần sau khi Gensler rời Goldman Sachs vào năm 1997. Giới truyền thông còn cho rằng, mối quan hệ này khá “lỏng lẻo” khi mà Gensler đã không tới dự đám cưới của Corzine, còn Corzine cũng không đến chia buồn trong đám tang vợ Gensler.

Hơn thế nữa, bản thân Gensler là một người thực sự được trọng vọng trong lĩnh vực của mình. Chính Gensler là người đã xóa bỏ hình ảnh một ủy ban “bù nhìn” trong con mắt công chúng, đưa cơ quan này về đúng chức năng của một cơ quan điều tra chuyên ngăn chặn các hoạt động mờ ám gian lận trên thị trường ngoại hối, các giao dịch tương lai và quyền chọn của Mỹ. Dưới sự điều hành của ông, ủy ban này đã tiến hành một con số kỷ lục các vụ điều tra. Riêng trong năm ngoái, CFTC đã thực hiện 99 vụ cưỡng chế, thu về số tiền phạt 300 triệu USD - những con số cao nhất trong lịch sử hoạt động của ủy ban này.

Nhưng dẫu thế nào đi nữa, Gensler lại bị cho là đang đặt Ủy ban vào thế bất lợi rất lớn vì mối quan hệ đồng nghiệp kéo dài suốt 18 năm trời của ông với Corzine. Các luật sư và các khách hàng của MF Global đang đặt câu hỏi vì sao Ủy ban lại mất nhiều thời gian đến thế để thu hồi lại số tiền mà lẽ ra không được để mất.

“Giờ đây, đang có rất nhiều nghi vấn nhằm vào Ủy ban”, Scott Talbott, một nhà vận động hành lang thuộc Hãng Financial Services Roundtable nhận xét.

Gensler từng là đại diện xông xáo nhất của chính quyền Washington tại phố Wall. Cũng chính ông là người đưa ra những luật lệ mới để trừng trị thẳng tay những hoạt động mạo hiểm quá đà. Cho dù giới doanh nhân chẳng vui thú lắm với những sách lược nghiêm khắc của ông, không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Gensler.

Những người đồng nghiệp nói ông là một người hà khắc, một người luôn giữ niềm tin không thể lay chuyển vào hệ thống luật lệ. Những người làm việc với Gensler nói rằng ông là người cực kỳ tỷ mẩn, luôn chú trọng vào từng ngóc ngách của từng vụ việc với thái độ xông xáo.

Sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp lao động chân tay, có bố là một người bán dạo thuốc lá cho các quán bar của địa phương, Gensler đã tốt nghiệp một trường đại học công lập và thi đỗ vào Trường đại học Pennsylvania chuyên ngành quản trị kinh doanh.

Trong 18 năm tại Goldman Sachs, ông đảm trách các thương vụ ở New York và Tokyo trước khi được bổ nhiệm chức vụ đồng giám đốc tài chính. Sau khi rời Hãng vào năm 1997, trở thành một triệu phú giàu có, ông vào làm ở Bộ Tài chính dưới thời của cựu Tổng thống Bill Clinton.

Vào thời gian làm tại Bộ Tài chính, Gensler giữ vai trò lãnh đạo trong việc viết ra đạo luật Dodd-Frank Act, một đạo luật cải tổ thị trường được thông qua ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính. Gensler giữ vai trò chính yếu trong việc viết phần luật đối với các công cụ tài chính phái sinh, những hợp đồng phức tạp bị coi là nguyên nhân lớn của cuộc khủng hoảng.

Sợ rằng mối liên quan với Corzine tại Goldman có thể sẽ bị dư luận đặt câu hỏi, Gensler đã rời khỏi cuộc điều tra vào ngay sau ngày MF Global phá sản hôm 31/10 vừa rồi.

Cho đến nay, vụ việc MF Global là vụ điều tra lớn nhất của Ủy ban. Và người ta nói rằng, bê bối này có đánh bóng hay làm hủy hoại danh tiếng của Ủy ban cũng như của Gensler, điều đó sẽ phụ thuộc vào việc các nhà chức trách sẽ nhanh hay chậm thu hồi lại số tiền bị mất của khách hàng và xác định được lỗi của Hãng.


Hải Linh (báo chí nước ngoài)

Tin cùng chuyên mục