Khí Metan đang tăng nhanh hơn các loại khí nhà kính khác

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (10/9), một báo cáo cho thấy nồng độ khí nhà kính metan trong khí quyển đang tăng với tốc độ nhanh và điều này đang đe dọa nỗ lực của các quốc gia trong việc đạt được mục tiêu về khí hậu.
Khí Metan đang tăng nhanh hơn các loại khí nhà kính khác

"Metan đang tăng nhanh hơn so với bất kỳ loại khí nhà kính chính nào và hiện cao gấp 2,6 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp", nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế dưới sự bảo trợ của Dự án Carbon Toàn cầu cho biết.

Metan là loại khí nhà kính dồi dào thứ hai do hoạt động của con người tạo ra sau carbon dioxide, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất năng lượng và chất thải hữu cơ thối rữa trong bãi rác chôn lấp là những nguồn chính.

Trong 20 năm đầu tiên, tác động của metan lên khí quyển mạnh hơn carbon dioxide khoảng 80 lần nhưng nó phân hủy nhanh hơn carbon dioxide.

Điều này mở ra khả năng giảm mạnh tác động đến khí hậu trong ngắn hạn, nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mặc dù đã nỗ lực cắt giảm khí thải metan, nồng độ khí này trong khí quyển vẫn đang tăng.

Trung bình 6,1 triệu tấn metan được đưa vào khí quyển mỗi năm trong những năm 2000. Sau đó con số này tăng lên 20,9 triệu tấn mỗi năm trong những năm 2010 và đạt 41,8 triệu tấn vào năm 2020.

"Lượng khí thải do con người tạo ra tiếp tục tăng ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, ngoại trừ châu Âu và Úc có xu hướng giảm chậm", Giám đốc điều hành Dự án Carbon Toàn cầu Pep Canadell cho biết.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng lượng khí thải tăng lớn nhất đến từ Trung Quốc và Đông Nam Á và chủ yếu liên quan đến khai thác than, sản xuất dầu khí và bãi rác chôn lấp.

Ngoài ra, hiện tượng thời tiết La Nina cũng dẫn đến sự gia tăng khí metan từ các nguồn tự nhiên.

Ô nhiễm metan gia tăng đang làm suy yếu những nỗ lực nhằm giữ nhiệt độ trung bình của Trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong khi đó, "Cam kết Metan Toàn cầu" đã được Liên minh Châu Âu và Mỹ đưa ra vào năm 2021 nhằm cắt giảm 30% lượng khí thải metan toàn cầu so với mức năm 2020 sẽ đến ngày hết hạn là năm 2030.

"Hiện tại, các mục tiêu của Cam kết Metan Toàn cầu có vẻ xa vời như một ốc đảo sa mạc", nhà khoa học Rob Jackson của Đại học Stanford cho biết.

Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí nhà kính khác ngoài carbon dioxide vào cuối năm nay, động thái có khả năng làm tăng triển vọng về những cam kết tiếp theo từ các chính phủ.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục