Khi giám đốc “sẩy chân”

(ĐTCK) Đứng trước bờ vực phá sản, giám đốc không ít doanh nghiệp liều lĩnh nghĩ ra đủ chiêu trò nhằm cứu vãn tình hình và sa chân vào con đường phạm pháp.
Nguyễn Mạnh Tuấn bị tuyên 17 năm tù về tội buôn lậu
Nguyễn Mạnh Tuấn bị tuyên 17 năm tù về tội buôn lậu

Giả mạo hồ sơ quyết toán

Bị cáo Hà Trung Kiên (SN 1972, trú tại xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) nguyên là Giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại và Xây dựng Trung Kiên.

Khoảng giữa tháng 9/2012, Kiên ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng với CTCP Phát triển đô thị Nam Hà Nội thực hiện thi công ốp lát phòng vệ sinh, phòng bếp, lôgia 660 căn hộ Nhà T18 Khu đô thị Times City. Giá trị hợp đồng là hơn 9,3 tỷ đồng. Phía đối tác đã tạm ứng 20% giá trị hợp đồng, tương đương hơn 2,2 tỷ đồng.

Thực hiện hợp đồng trên, Kiên mượn cậu ruột sổ đỏ mang thế chấp ngân hàng. Ngày 22/10/2012, Agribank - Chi nhánh huyện Phúc Thọ đã phát hành chứng thư bảo lãnh tạm ứng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.

Sau đó, do vi phạm tiến độ và chất lượng thi công, Kiên đã tự giác trả lại đối tác 70% khối lượng công việc. Đồng thời, cam kết chậm nhất đến 28/8/2013 sẽ hoàn trả 70% số tiền tạm ứng. Nếu đến hạn không hoàn trả, Ngân hàng sẽ thanh toán các khoản tiền bảo lãnh.

Cam kết là vậy, nhưng khi bị ráo riết đòi nợ, Kiên đã nghĩ ra đủ mưu mẹo. Vị giám đốc này đã “rút túi” lấy 100 triệu đồng thuê đối tượng không rõ địa chỉ làm giả hồ sơ quyết toán hợp đồng. Ngày 22/10/2013, Kiên mang hồ sơ quyết toán giả đến Agribank - Chi nhánh huyện Phúc Thọ đề nghị giải chấp bảo lãnh và giải tòa tài sản thế chấp. Thấy hồ sơ đầy đủ chữ ký của các bên, Ngân hàng làm thủ tục giải chấp bảo lãnh và trả lại sổ đỏ.

Vụ việc bị phát hiện khi Công ty Phát triển đô thị Nam Hà Nội đòi nợ bất thành. Hành vi vi phạm pháp luật của Hà Trung Kiên bị TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử ngày 13/1/2016, với phán quyết 15 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. 

Lập hồ sơ khống

Bị truy tố về hành vi lập hồ sơ khống chiếm đoạt tiền ngân hàng, khi ra trước vành móng ngựa, bị cáo Hoàng Minh Hiệp (SN 1974, trú tại quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) phân bua, mục đích nhằm cứu vãn hình ảnh công ty.

Theo lời khai tại tòa, từ năm 2007, bị cáo Hiệp thành lập Công ty Kinh tế Hoàng Gia và Công ty Kim loại Hoàng Gia. Năm 2010, thị trường bất động sản lâm vào khủng hoảng, khiến hoạt động của doanh nghiệp dần sa sút.

Trước bờ vực phá sản, Hiệp nghĩ ra kế hoạch vay tiền ngân hàng bằng những bộ hồ sơ khống. Cáo buộc thể hiện, bị cáo Hoàng Minh Hiệp lập 4 công ty “ma” do các nhân viên dưới quyền như bảo vệ, lái xe, tạp vụ và em ruột đứng tên. Hiệp dùng các công ty này để lấy danh nghĩa pháp nhân ký hợp đồng. Số tiền ngân hàng giải ngân sau đó được chuyển thẳng về tài khoản 2 pháp nhân do Hiệp điều hành.

Hiệp đã bị truy tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 152,6 tỷ đồng. Đứng trước vành móng ngựa ngày 13/1/2016, bị cáo thừa nhận hành vi, nhưng kêu oan vì cho rằng, không có mục đích chiếm đoạt tiền. Bị cáo này bao biện mục đích lập hồ sơ vay vốn nhằm luân chuyển dòng tiền kinh doanh. Song trước hành vi vi phạm rõ ràng, Hội đồng xét xử TAND TP. Hà Nội đã kết án Hoàng Minh Hiệp mức án tù chung thân. 

Cấu kết buôn lậu

Lập công ty với ngành nghề kinh doanh là buôn bán, vận tải hàng hóa, song Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1985, trú tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Giao nhận Vận tải TH, đã đi vào con đường làm ăn phi pháp.

Công ty thành lập năm 2011, nhưng hoạt động không có hiệu quả. Đến năm 2013, Tuấn tham gia đường dây buôn lậu dưới hình thức tạm nhập hàng hóa từ Hồng Kông qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài vào Việt Nam rồi tái xuất sang Trung Quốc.

Theo tài liệu truy tố, từ ngày 18/3/2012 đến ngày 16/4/2014, Tuấn buôn bán trái phép 6 lô hàng. Mặt hàng chủ yếu là hoa quả tươi, sữa và linh kiện điện tử. Sau khi tìm hiểu quy trình hải quan, Tuấn làm sẵn những bộ hồ sơ trong đó có các hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại. Tiếp đó, Tuấn thuê người làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, nhận hàng, bốc xếp, thuê xe vận chuyển và xuất hàng tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài. Hàng hóa được vận chuyển đến cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) để xuất sang Trung Quốc. Trong phi vụ này, Tuấn được hưởng “hoa hồng” hơn 85 triệu đồng.

Cơ quan điều tra còn xác định, Tuấn buôn bán 72 lô hàng khác, nhưng do tang vật không thu giữ được nên cơ quan điều tra không có đủ cơ sở xử lý hình sự đối với hành vi này.

Với tính chất trị giá hàng hóa đặc biệt lớn, ngày 12/1/2016, Nguyễn Mạnh Tuấn đã bị TAND TP. Hà Nội tuyên 17 năm tù về tội buôn lậu.          

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục