Khi cổ đông chiến lược là... “chiến lệch”

(ĐTCK) Hai cổ đông chiến lược mà Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vừa tìm được có độ “lệch pha” lớn so với mục tiêu mong đợi của Vinatex. Vì sao các doanh nghiệp gặp khó trong tìm cổ đông chiến lược đúng nghĩa?
Vnatex mới tìm được hai nhà đầu tư chiến lược là các doanh nghiệp trong nước Vnatex mới tìm được hai nhà đầu tư chiến lược là các doanh nghiệp trong nước

Bất ngờ vì lệch pha

Đó là cảm nhận của giới chuyên gia, công chúng đầu tư khi Vinatex công bố 2 cổ đông chiến lược. Trong đó, một đơn vị là tập đoàn đa ngành sở hữu chuỗi bán lẻ là các trung tâm thương mại lớn, đơn vị còn lại hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân phối, phát triển khu công nghiệp…

Bất ngờ bởi trước thời điểm triển khai phương án chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), không dưới một lần, lãnh đạo Vinatex đưa ra những thông tin về tiêu chí, đặc điểm của nhà đầu tư chiến lược khác khá xa so với 2 cổ đông chiến lược vừa được chọn.

Tại Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Vinatex được tổ chức đầu tháng 7/2014, ông Lê Tiến Trường, khi đó là Phó Tổng giám đốc Vinatex cho biết, Tập đoàn đang trình Bộ Công thương phê duyệt danh sách nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, Tập đoàn sẽ có tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược, trong đó có 1 nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tối đa 2 nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, phân phối.

Với mục tiêu trên, giới chuyên gia nhìn nhận, khi tìm được cổ đông chiến lược theo đúng tiêu chí đề ra, Vinatex sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà đầu tư chiến lược không chỉ về tài chính, mà còn cả về công nghệ sản xuất, cũng như cải thiện kênh phân phối. Thế nhưng, nếu đem mục tiêu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược so với kết quả 2 cổ đông chiến lược mà Vinatex vừa chọn xong, thì xem ra Tập đoàn chưa tìm được cổ đông chiến lược như mong muốn.

Một bất ngờ khác, mới đây, trên cương vị tân Tổng giám đốc của Vinatex, ông Lê Tiến Trường cho biết, đối tác chiến lược của Vinatex sẽ có yếu tố nước ngoài. Thế nhưng, không lâu sau tuyên bố này, Vinatex công bố cả 2 cổ đông chiến lược đều là... doanh nghiệp trong nước.

Là Tập đoàn đầu tiên IPO trong năm nay, một trong những đợt IPO thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước, nhưng Vinatex đã không mấy thành công trong tìm kiếm cổ đông chiến lược. Điều này phần nào thể hiện ngay ở giai đoạn “đầu không xuôi”, khi Vinatex phải lùi thời hạn IPO tới 2 tháng để thu hút thêm nhà đầu tư. Với bước khởi đầu ấy, kết quả tìm kiếm cổ đông chiến lược của Vinatex có phần “đuôi không lọt”.

Việc Vinatex không mấy thành công trong tìm cổ đông chiến lược đúng nghĩa cũng là bài toán khó chung của các “ông lớn” khác khi thời hạn IPO đang cận kề, trong đó, điển hình là Tổng công ty Hàng không Việt Nam - vừa được phê duyệt phương án cổ phần hóa và dự kiến IPO vào tháng 11 tới.

Thu hút nhà đầu tư chiến lược, cách nào?

Với cách thức chào bán cổ phần cho cổ đông chiến lược như hiện tại, giới chuyên gia nhìn nhận, các doanh nghiệp sẽ còn gặp khó trong thu hút đối tượng đầu tư này. Bởi thời gian từ thời điểm doanh nghiệp công bố thông tin, gửi phương án chào bán cổ phần đến thời điểm chốt danh sách cổ đông tham gia mua cổ phần quá ngắn, chỉ khoảng vài tháng. Thời gian này đã là quá ngắn với nhà đầu tư nhỏ lẻ, huống gì cổ đông chiến lược.

Với đặc thù đầu tư của cổ đông chiến lược là bỏ ra lượng vốn lớn, đồng hành lâu dài với doanh nghiệp để hỗ trợ đối tác về tài chính, công nghệ sản xuất, quản trị doanh nghiệp…, nhà đầu tư chiến lược cần thời gian hàng năm, để khảo sát, đánh giá cơ hội đầu tư trước khi họ chốt phương án đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp. Đại diện một công ty quản lý quỹ đầu tư của Nhật Bản có văn phòng hoạt động tại Việt Nam cho biết, với nhà đầu tư Nhật Bản, không chỉ cần hàng năm để đánh giá cơ hội đầu tư, mà trước đó, nhà đầu tư cần có cơ hội hiểu biết khá sâu về doanh nghiệp thông qua các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo doanh nghiệp.

Thậm chí, nhà đầu tư và ban lãnh đạo doanh nghiệp trở nên thân thiết, tin cậy lẫn nhau, thì họ mới tính đến hợp tác chiến lược. Với kiểu chào mời cổ đông chiến lược vội vã, thiếu chiều sâu như hiện tại, thì các doanh nghiệp sẽ còn thất bại trong tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Một nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp khó tìm nhà đầu tư chiến lược, theo giới chuyên gia và một số nhà đầu tư tổ chức lớn, là quá trình định giá cổ phần của doanh nghiệp trước IPO hiện thiếu minh bạch, bộc lộ không ít bất cập. Việc doanh nghiệp tính cả giá trị “cục nợ” hàng trăm tỷ đồng vào giá cổ phiếu IPO, khiến cho mức giá cổ phần đưa ra IPO không sát với giá trị thực của doanh nghiệp.

Nhà đầu tư luôn cần lời giải thích rõ ràng về giá trị thực của doanh nghiệp, cũng như tính hợp lý của giá cổ phiếu trước khi đưa ra IPO từ ban lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng khó được đáp ứng.

Để gắn chặt quá trình cổ phần hóa với niêm yết, tuy Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần quy định cụ thể thời gian thực hiện niêm yết trên TTCK trong quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của từng doanh nghiệp, nhưng đến nay, định hướng quan trọng này vẫn chưa được cụ thể hóa. doanh nghiệp hậu IPO không đưa ra lộ trình niêm yết rõ ràng đang khiến cho chính họ tự đánh mất đi cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục