Chọn nhà đầu tư chiến lược: Kế nào - sách ấy

(ĐTCK) Sự thành công trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược không đơn giản chỉ là ông to, ông mạnh, mà phụ thuộc phần lớn vào chiến lược sau cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước.
Cổ đông chiến lược là những hãng hàng không lớn sẽ thúc đẩy các kế hoạch cải cách và nâng tầm thương hiệu Vietnam Airlines Cổ đông chiến lược là những hãng hàng không lớn sẽ thúc đẩy các kế hoạch cải cách và nâng tầm thương hiệu Vietnam Airlines

Tìm vai người khổng lồ

Theo thông tin từ Vietnam Airlines, danh sách các nhà đầu tư chiến lược mà tổng công ty này nhắm tới trong nỗ lực kết thúc đàm phán, chốt cổ đông chiến lược trước thời điểm chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), dự kiến vào cuối năm nay, có cả các hãng hàng không và các tập đoàn đầu tư tài chính lớn trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bền lề một hội nghị lớn, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vietnam Airlines kỳ vọng, sẽ bắt tay được với những hãng hàng không lớn.

Khi đó, phương án cổ phần hóa ông lớn này vẫn chưa được lộ diện, song với định hướng lựa chọn cổ đông chiến lược này, giới đầu tư đã nhìn thấy tham vọng mở rộng quyền lực, gia tăng tầm ảnh hưởng của Vietnam Airlines không chỉ với thị trường nội địa, thông qua việc bắt tay với những tên tuổi lớn trong cùng lĩnh vực.

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Trong phương án cổ phần hóa được phê duyệt, Vietnam Airlines đang nhắm tới mô hình tập đoàn vận tải hàng không mạnh trong khu vực. Tuy hình hài cổ đông chiến lược vẫn chưa rõ ràng, song cách đi này đang hấp dẫn khá nhiều nhà đầu tư đang quan tâm tới kế hoạch IPO của Vietnam Airlines.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái tin rằng, việc có được cổ đông chiến lược là những hãng hàng không lớn, uy tín và có thương hiệu sẽ thúc đẩy các kế hoạch cải cách Vietnam Airlines để nâng tầm thương hiệu này.

 “Có thể hình dung rằng, các nhà đầu tư chiến lược ở hạng 5 sao. Để họ quan tâm và trở thành nhà đầu tư chiến lược, Vietnam Airlines phải đủ hấp dẫn họ, nghĩa là ít nhất cũng phải ở mức 3 sao. Việc kết hợp này sẽ tăng sự hấp dẫn của món hàng Vietnam Airlines với các nhà đầu tư trong nước”, ông Đoàn phân tích.

Điều đó cũng dễ hiểu bởi phần “sính lễ” mà các cổ đông chiến lược này mang tới sẽ không chỉ là tài chính, mà quan trọng là khả năng quản lý, trình độ công nghệ tiên tiến và đặc biệt là áp lực cải cách mạnh mẽ và cơ hội mở rộng thị trường.

Việc lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược là những thương hiệu đầu ngành, kể cả trong nước và quốc tế, đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Cũng trong ngành giao thông - vận tải, Cienco 1 đã bán 7 triệu cổ phiếu (10% vốn điều lệ) cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, 7,7 triệu cổ phiếu (11%) cho Hassyu - Nhật Bản và 7 triệu cổ phiếu cho Công ty cổ phần FECON (7%) cùng mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Dễ thấy chiến lược phát triển của Cienco 1 trong động thái này, khi đây đều là những doanh nghiệp lớn, có uy tín trong lĩnh vực xây dựng trong và ngoài nước.

Vinatex cũng ôm kế hoạch tìm được nhà đầu tư chiến lược cùng ngành nghề, có trình độ quản trị tiên tiến, am hiểu thị trường, hỗ trợ về vốn, công nghệ, sẵn sàng chia sẻ với Tập đoàn về chiến lược đầu tư trong ngắn hạn cũng như dài hạn…

Vinatex mong muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược cùng 
ngành nghề, có trình độ quản trị tiên tiến, am hiểu thị trường…

Những hàng rào tự dựng

Với Vietnam Airlines, ưu thế gần như tuyệt đối trong thị trường vận tải hàng không nội địa có thể là điểm cộng cho thương hiệu này đối với các hãng hàng không muốn tiếp cận thị trường hàng không nội địa có trên 90 triệu dân của Việt Nam. Tuy nhiên, giới hạn về tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sau cổ phần hóa là 70-80% đang được cho là không hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược là các doanh nghiệp đầu ngành.

Đây là tỷ lệ sở hữu đang được nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước áp dụng, nhưng cũng là hàng rào lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư chiến lược khó can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều thỏa thuận chiến lược giữa doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa và các nhà đầu tư tiềm năng không thành, bởi không giải được bài toán tỷ lệ.

Cũng phải nói thêm, trong khá nhiều đề án cổ phần hóa, mục tiêu đa sở hữu trong hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không được tôn trọng theo đúng bản chất. Khi một tỷ lệ cổ phần khá lớn được dành cho tổ chức công đoàn, người lao động trong doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, đó không phải là công ty cổ phần đúng nghĩa.

“Điều này lý giải nguyên do bất thành của khá nhiều đợt IPO vừa qua của các doanh nghiệp nhà nước được thị trường quan tâm. Vì nhà đầu tư không thể hiểu được công đoàn là ai, lấy tiền đâu để mua cổ phần và nguồn lợi nhuận thu được từ cổ phần của công đoàn được dùng làm gì, có phải bổ sung cho quỹ công đoàn chung hay sử dụng thế nào... Khi nhà đầu tư không có thông tin rõ ràng, họ sẽ không tham gia”, ông Cung nói.

Đặc biệt, tư duy thị trường vẫn không rõ trong các kế hoạch cổ phần hóa. Ngay trường hợp của Vietnam Airlines cũng không ngoại lệ. Ông lớn này đã tranh thủ xin khá nhiều cơ chế, đến mức ông Nguyễn Đình Cung buộc phải lên tiếng là, Chính phủ không nên chấp nhận kiến nghị này.

“Những điều kiện Vietnam Airlines đưa ra nếu được chấp nhận thì không công bằng với các doanh nghiệp khác, đồng thời không thực hiện được áp đặt đầy đủ nguyên tắc thị trường, làm méo mó thị trường cạnh tranh”, ông Cung nói.

Đối với các nhà đầu tư lớn nước ngoài, thì sự méo mó trong hoạt động, nhất là tính phi thị trường, năng lực quản trị thường là tác nhân ngược của các quyết định đầu tư.

Ngoài ra, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital còn cho rằng, một lý do mà nhiều doanh nghiệp nhà nước vất vả trong tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược là không tham khảo nhu cầu của chính nhà đầu tư tiềm năng mà họ nhắm tới, đưa ra chào những thứ mà nhà đầu tư không quan tâm…

Ngoài ra, cũng có thực tế là, không phải doanh nghiệp nào (nhất là đội ngũ điều hành hiện tại) cũng muốn có nhà đầu tư chiến lược tham gia. Lý do là, khi có nhà đầu tư chiến lược tham gia và có tiếng nói trong các quyết định của doanh nghiệp, quyền lực của những người điều hành hiện tại bị giảm đi rất nhiều.

Rất có thể, không ít doanh nghiệp đã tự dựng hàng rào với các nhà đầu tư muốn song hành lâu dài với mình…

Tỉnh táo lựa chọn

Khi phân tích đặc điểm của các cổ đông chiến lược, TS. Huỳnh Thế Du viết rằng, doanh nghiệp phải thực sự biết mình muốn gì. Nếu thiếu vốn, có nhu cầu huy động vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu, doanh nghiệp phải có phương án kinh doanh, dự án đầu tư có tính khả thi cao, nhằm chứng minh cho các nhà đầu tư thấy được khả năng thu hồi vốn khi họ bỏ vốn vào doanh nghiệp.

Việc huy động thêm vốn sẽ tương đối dễ dàng nếu doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, cần vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Ngược lại, nếu không chứng minh được hiệu quả hoạt động kinh doanh hiện tại và tính khả thi của dự án, thì việc huy động vốn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. 

Nếu xác định điểm cốt lõi cần xử lý là vấn đề yếu kém về năng lực quản trị điều hành, thì cần tìm đối tượng phù hợp để tác động đến quá trình này. “Nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa không thành công vì nghĩ rằng, có vốn là có thể giải quyết được tất cả, trong khi nút thắt chính là quản trị kém, trình độ công nghệ lạc hậu”, ông Huỳnh Thế Du phân tích và cho rằng, trong trường hợp này, doanh nghiệp cần tìm một nhà đầu tư chiến lược thực sự, chứ không phải tìm một doanh nghiệp nhà nước khác làm nhà đầu tư chiến lược. Nếu làm như vậy, chủ trương cổ phần hoá sẽ mất phần lớn ý nghĩa của nó.

Thường có hai loại nhà đầu tư chiến lược chính. Loại thứ nhất là các quỹ đầu tư. Loại còn lại là các doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh đó, đang thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động, tăng cường sức mạnh trên thị trường.

Mỗi loại nhà đầu tư chiến lược đều có những lợi thế và vấn đề riêng. Nhiệm vụ đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải tìm được nhà đầu tư chiến lược hợp lý, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, giảm thiểu nguy cơ bị thâu tóm.

Theo ông Du, với doanh nghiệp cần khẳng định thương hiệu và giữ vững thị phần, không bị “đồng hóa” với các sản phẩm dịch vụ của nhà đầu tư chiến lược, thì tốt nhất, nên chọn nhà đầu tư chiến lược là các quỹ đầu tư. Trong trường hợp này, các quỹ đầu tư sẽ có những hỗ trợ cần thiết, nhưng sẽ không tham gia quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp không nhất thiết phải khẳng định thương hiệu, giữ vững thị phần vì doanh nghiệp đang có một “quyền lực” thị trường nào đó, thì nên chọn nhà đầu tư là các doanh nghiệp cùng ngành. Trong trường hợp này, nên để các nhà đầu tư chiến lược tham gia nhiều vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có như vậy sẽ huy rất tốt thế mạnh và kinh nghiệm của họ.

Tình hình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong trong 6 tháng đầu năm 2014:

-Chính phủ đã ban hành được 5 cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

-Ban hành điều lệ cho 4 tập đoàn, tổng công ty gồm Công nghiệp Cao su, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

-Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án của 20/20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc thẩm quyền.

-Các bộ, địa phương đã phê duyệt 68 đề án của tổng công ty nhà nước trực thuộc. Còn 20 tổng công ty nhà nước đến nay vẫn chưa được phê duyệt đề án tái cơ cấu, trong đó có 18 doanh nghiệp quốc phòng.

-Phê duyệt 12 phương án (Tập đoàn Dệt may Việt Nam và 11 tổng công ty nhà nước), gấp 2 lần so với năm 2013.

-Sắp xếp 58 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 38 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp.

Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước:

-Đã có 297 doanh nghiệp thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa.

-159 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.

-67 đơn vị đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp.

-38 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

-31 doanh nghiệp đã bán cổ phần lần đầu.

-Dự tính đến cuối năm 2014 sẽ có khoảng 200 doanh nghiệp.

-Cuối quý III/2015 sẽ có toàn bộ các doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa để tiến hành bán cổ phần lần đầu.

-Tính đến ngày 20/6, trong số 432 doanh nghiệp nằm trong kế hoạch cổ phần hóa các năm 2014 và 2015, 135 doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện (chưa thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa), 138 doanh nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa nhưng chưa thực sự triển khai cổ phần hóa (chưa tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp và các bước tiếp theo).

-Nhiều đơn vị đã triển khai khá tích cực và có kết quả như các bộ: Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

-Một số đơn vị có triển khai tích cực nhưng chưa có kết quả cụ thể như: Bộ Y tế, TP.HCM, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, các tỉnh: Bình Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Yên Bái, Kon Tum, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam.

Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước:

-Trong tổng số gần 22.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư ngoài ngành cần thoái vốn, năm 2013 đã thoái được 965 tỷ đồng (tài chính, ngân hàng là 734,7 tỷ đồng, bảo hiểm 135 tỷ đồng, bất động sản 103,5 tỷ đồng, các quỹ đầu tư 7 tỷ đồng); năm 2014 (tính đến ngày 20/6) đã thoái được là 821,8 tỷ đồng.

-Cụ thể, trong các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính là 168,5 tỷ đồng (chứng khoán là 23 tỷ đồng, tài chính, ngân hàng là 73 tỷ đồng, bảo hiểm 72,5 tỷ đồng). Giá trị vốn đầu tư đã thoái tại các doanh nghiệp giảm tỷ lệ sở hữu là 653,3 tỷ đồng.

-Những đơn vị đạt kết quả tốt trong việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (120 tỷ đồng); các tổng công ty: Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (376 tỷ đồng), Lương thực miền Bắc (120 tỷ đồng), Xi măng Việt Nam (105 tỷ đồng), Lương thực miền Nam (83 tỷ đồng).

Khánh An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục