Doanh nghiệp trên là một công ty tư nhân, mới nổi trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, bỏ vốn ra thâu tóm một số doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề và lợi thế khá hấp dẫn.
Trong khi đó, quỹ nước ngoài có hiểu biết và mối quan hệ sâu rộng trong lĩnh vực rượu vang và đồ uống, có thể kết nối cho doanh nghiệp khá nhiều mối quan hệ hữu ích.
Vậy nhưng, sau khi tìm hiểu ở nhiều kênh khác nhau, quỹ này vẫn có rất ít thông tin về thân thế và con đường lập nghiệp của chủ tịch doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp này lập kỷ lục trên thị trường về tốc độ tăng vốn. E ngại về những rủi ro có thể phát sinh và không kiểm soát được, quỹ nước ngoài đã bỏ qua thương vụ và lời mời gọi đầu tư hấp dẫn, trong khi hầu bao đang rủng rỉnh và khát khao tìm kiếm được các địa chỉ đầu tư mới.
Thực tế cho thấy, lãnh đạo doanh nghiệp luôn là yếu tố đầu tiên mà các nhà đầu tư nước ngoài, hay nói đúng hơn là các quỹ nước ngoài quan tâm trước khi xem xét bỏ vốn vào doanh nghiệp. Bởi lẽ, họ chính là cái gốc của việc xây dựng và thiết lập cơ chế quản trị trong công ty, là nhân tố đảm bảo đồng vốn của nhà đầu tư sinh lợi một cách hiệu quả hay không.
Vấn đề mà nhà đầu tư “dị ứng” nhất là mối quan hệ của lãnh đạo doanh nghiệp với các bên có liên quan. Một quỹ nọ nghi ngờ lợi nhuận của công ty phải ở mức cao hơn rất nhiều so với báo cáo tài chính được công bố hàng năm.
Quỹ đã âm thầm tìm hiểu và cho rằng, một phần lớn lợi nhuận của công ty được chuyển sang doanh nghiệp có liên quan do vợ vị chủ tịch đứng đầu. Từ đó, quỹ gây sức ép khiến hội đồng quản trị công ty phải ra nghị quyết mua lại cổ phiếu, sáp nhập doanh nghiệp có liên quan để tránh xung đột lợi ích.
Tuy nhiên, mâu thuẫn không những không được giải quyết, mà còn tăng cao hơn, cuối cùng hai bên đành giải quyết bằng cách: Chia tay, đường ai nấy đi.
Trường hợp khác, liên quan đến chủ tịch công ty, một quỹ đầu tư thuộc hàng lớn nhất trên thị trường Việt Nam bỏ vốn vào doanh nghiệp và có ủy quyền từ quỹ khác với tỷ lệ lên tới trên 36%. Quỹ này không ủng hộ chiến lược đầu tư vào lúa gạo của doanh nghiệp, nghi ngờ ông chủ tịch đưa người nhà nắm nhiều vị trí quan trọng, trả lương cho mình và cho người nhà quá cao so với mức độ cống hiến cho doanh nghiệp. Quỹ phản đối, vì không muốn công ty đại chúng biến thành doanh nghiệp gia đình.
Mâu thuẫn giữa hai bên phát sinh trầm trọng, cổ đông lớn không tham dự họp đại hội cổ đông thường niên, cuộc họp sau đó tham dự thì bỏ phiếu phủ quyết mọi tờ trình của hội đồng quản trị. Rút cuộc, hai bên chia tay, không thể có chất keo nào hàn gắn được mối thâm tình đã tan vỡ.
Cũng ở doanh nghiệp này, đầu năm nay có khúc mắc với cổ đông là một quỹ ngoại khác. Chủ tịch và cộng sự của ông không muốn doanh nghiệp lên sàn vì nhiều lý do. Còn quỹ ngoại lại quá sốt ruột, họ muốn thoái vốn vì thời hạn đóng quỹ đã cận kề.
Thỏa thuận với nhau không xong, quỹ ngoại viết đơn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tố cáo doanh nghiệp vi phạm quy định về việc đưa cổ phiếu lên sàn, gửi thông tin cho báo chí phản ánh về tình trạng yếu kém trong quản trị của Công ty. Kết quả, ban lãnh đạo doanh nghiệp phải “nhượng bộ”.
Lãnh đạo một quỹ nước ngoài khác nói: “Ngay cả khi bạn đã rất quen thuộc với việc đầu tư tài chính thì bạn vẫn cần phải tập trung vào việc giám sát hoạt động của các công ty mà bạn đầu tư vào. Mọi khó khăn rồi sẽ trở thành thuận lợi trên một thị trường mà bạn đã có sự va vấp, trải nghiệm đầy đủ?”. Thực tế, gần 10 năm đầu tư vào Việt Nam đã cho nhà đầu tư này nhiều trải nghiệm và không ít bài học khó quên.
Ngược lại những trường hợp trên, một số doanh nghiệp niêm yết có cổ đông nước ngoài rất “hiền”. Chủ tịch một doanh nghiệp niêm yết trên HNX cho hay, cổ đông nước ngoài chiếm hơn 10% vốn của công ty, nhưng không gây sức ép, không chất vấn gì và luôn bỏ phiếu ủng hộ các đề xuất của hội đồng quản trị.
Nhưng cũng có thể vì không chịu sức ép nào, không bị chất vấn, bị phê bình nên lãnh đạo doanh nghiệp triển khai các kế hoạch kinh doanh an toàn, khiến kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu “lẹt đẹt” kéo dài, thanh khoản không cao. Tình trạng này ảnh hưởng đến kế hoạch huy động vốn, khi cần thu hút thêm vốn, doanh nghiệp lại phải “cầu viện” ngân hàng.
Theo quan điểm của ông Trần Túc Mã, Chủ tịch Công ty cổ phần Traphaco, mối quan hệ giữa các bên, giữa lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông lớn chỉ có thể tốt đẹp khi lợi ích được đảm bảo. Để làm được điều này, doanh nghiệp buộc phải xây dựng và thiết lập được cơ chế quản trị tốt: Minh bạch, hài hòa được quyền lợi của các cổ đông, các đối tác, người lao động.
Trong các thương vụ M&A, yếu tố quản trị doanh nghiệp được quan tâm đặc biệt. Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group Việt Nam chia sẻ, lý do En Japan (Nhật Bản) lựa chọn bỏ vốn vào Navigos Group trước hết là lợi thế dẫn đầu của Navigos Group trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự tại thị trường Việt Nam vào năm 2013. Sự đồng điệu trong tầm nhìn, sứ mệnh và cách thức quản trị cũng là những yếu tố được nhà đầu tư Nhật Bản đặt lên hàng đầu khi cân nhắc một thương vụ sáp nhập.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang mở rộng về quy mô và số lượng doanh nghiệp, nhưng cơ hội để lựa chọn đầu tư vào các công ty tốt vẫn còn khá hạn chế.
Cụ thể, nhà đầu tư mong có nhiều công ty lớn, hoạt động lành mạnh với bề dày về quản trị công ty tốt. Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những điển hình doanh nghiệp niêm yết tốt để nối dài danh mục doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, giúp nhà đầu tư (không phải các nhà đầu cơ) yên tâm bỏ vốn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quãng thời gian thật dài.