Khát vọng xanh nơi rẻo cao

(ĐTCK) Đường lên Sapa một ngày tháng 8 đầy ắp mây trôi lãng đãng, đến khi mây mù xua tan đi để mặt trời ló rạng, trước mắt du khách là những bức tranh sơn thủy hữu tình, với vẻ đẹp đặc biệt của những thửa ruộng bậc thang vàng ruộm. Cuộc hành trình của chúng tôi hướng đến những bản làng xa xôi, để được “mắt thấy, tai nghe” về những mầm xanh hạnh phúc đang được gieo trồng, mở rộng trên các thửa ruộng bậc thang bát ngát.
Vùng trồng bìm bìm đạt chuẩn GACP-WHO của Traphaco tại Hòa Bình Vùng trồng bìm bìm đạt chuẩn GACP-WHO của Traphaco tại Hòa Bình

1. Ngoài cánh nhà báo, chuyến đi có thêm một vị khách đặc biệt là diễn viên, MC Quyền Linh. Trên những thửa ruộng bậc thang trồng Actiso của đồng bào H'Mông, Dao đỏ, Quyền Linh rất thích thú khi được biết đây là một trong 3 dược liệu (2 loại cây khác là bìm bìm biếc, rau đắng đất) có công dụng chữa trị các bệnh về gan vô cùng tốt.

Theo ông Đinh Văn Mỵ, chuyên gia về dược liệu, cây Actiso được người Pháp mang tới trồng tại Sapa từ rất lâu, nhưng Công ty cổ phần Traphaco lại là đơn vị có công khôi phục sức sống cho  loài cây đặc biệt này sau nhiều năm chúng bị lãng quên .

Khí hậu và thổ nhưỡng Sapa đặc biệt phù hợp với Actiso dược liệu. Nhưng để dược liệu sạch có chất lượng tốt nhất, người trồng phải tuân thủ rất nhiều yêu cầu như tuyệt đối không sử dụng hóa chất diệt cỏ, bón bằng phân hữu cơ và phân NPK hữu cơ theo liều lượng hợp lý, thường xuyên làm cỏ để cây không bị ăn bớt “dưỡng chất” từ đất.

Đặc biệt, việc thu hái phải đúng thời gian quy định, để già quá hay hái non quá đều không đảm bảo lượng tinh chất có trong lá, cây cần đủ độ ẩm để lá phát triển tốt, nhưng chỉ cần úng nước nửa ngày, rễ sẽ hỏng ngay...

Cầu kỳ như vậy nên để có thể phát triển các vùng trồng Actiso tại Sapa, ngoài cung cấp giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm, Traphaco phải cử cán bộ kỹ thuật xuống nằm vùng tại các bản, “cùng ăn, cùng làm” với bà con.

Đồng bào dân tộc không mấy người biết tiếng Kinh, lại quen với cách thức gieo trồng, chăm sóc cây nông nghiệp lạc hậu từ bao đời nay, nên để họ thay đổi không thể trong ngày một, ngày hai.

Thậm chí, theo lời ông Đỗ Tiến Sỹ - Giám đốc Công ty Traphaco Sapa: "Muốn hướng dẫn kỹ thuật phải quay phim chiếu lên màn ảnh rộng cho dân xem và cán bộ phải trực tiếp lội ruộng, cầm tay chỉ việc cho họ, rồi nhất định phải có bữa liên hoan, uống rượu họ mới nghe".

Sự kiên trì trong việc phát triển vùng dược liệu sạch của Traphaco đã mang lại những kết quả tốt. Diện tích vùng trồng tại 2 huyện Sapa và Bắc Hà, Lào Cai hiện đạt 60 ha, sản lượng đạt 2.200 tấn dược liệu tươi/năm, hiện có 156 hộ dân tham gia dự án, trong đó 80% là dân tộc ít người. Không chỉ thoát đói nghèo, nhiều hộ dân đã dư dả với lợi nhuận từ 8,6-16,6 triệu đồng/ha/tháng, gấp 6-7 lần so với trồng ngô.

Từ nguồn dược liệu sạch Actiso, kết hợp với 2 vị thuốc quý là rau đắng đất khai thác từ vùng trồng Tuy Hòa (Phú Yên) và bìm bìm biếc trồng tại Hòa Bình, Traphaco đã sản xuất, bào chế ra thuốc bổ gan số 1 Việt Nam hiện nay là Boganic.

2. Vượt qua vài con dốc ngoằn ngoèo, chúng tôi đến nhà Lý Phù Páo, thôn Xả Sén, xã Tả Phìn. Bên hông nhà, cánh đồng ngô xơ xác vài năm trước đang được phủ màu xanh mát mắt của cây Atiso. Trong căn nhà trống huyếch trống hoác ngày nào, nay đã có thêm vài đồ đạc mới mà vợ chồng anh gọi vui là tivi Actiso, xe máy Actiso.

3 năm trước, quá đói nghèo, con cái phải bỏ học vì không có tiền, vợ chồng Lý Phù Páo quyết định tham gia dự án trồng cây dược liệu sạch do Traphaco phối hợp với huyện Bắc Hà triển khai.

Trên diện tích 2.000 m2, vợ chồng anh được cán bộ kỹ thuật của Công ty và cán bộ khuyến nông của huyện hướng dẫn làm đất, tạo luống, được cấp giống, cấp phân bón và theo sát việc chăm sóc cây. Họ đã thoát đói nghèo, con cái có tiền đi học và sắm sanh được nhiều tài sản giá trị.

Thấy đoàn khách đến đông, dăm bảy cô bé cỡ 6-7 tuổi ào đến “chào hàng”, vài cái túi xách, khăn tay, vòng vèo xanh đỏ. Chúng kể, nhà cách 3 km, tranh thủ ngày hè xuống bán khăn, đồ lưu niệm, kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới.

Nghe rõ thương, cả đoàn mua cho chúng ít đồ, Quyền Linh chơi trội mua nhiều nhất, còn cho mỗi đứa vài chục nghìn tiền uống nước. Vậy nhưng, dân bản địa bảo, đó là những đứa trẻ bán hàng chuyên nghiệp. Chúng đã nghỉ học từ lâu vì bán hàng dễ, lại rủng rỉnh tiền. Mà không chỉ chúng thích, bố mẹ chúng cũng muốn con cái nghỉ học đi kiếm tiền.

Nghèo đói, thất học như vòng luẩn quẩn bủa vây các bản làng nghèo xơ xác. Nhưng vợ chồng Lý Phù Páo nghĩ khác, anh chị quyết tâm thay đổi để có tiền cho con học hành tử tế. “Đó chính là khoản đầu tư để dành cho tương lai”, vợ anh vừa cười, vừa nói tiếng Kinh lơ lớ.

Anh em bản làng thấy gia đình Lý Phù Páo như vậy thì lạ lắm, vì bao đời nay, ngoài cây lúa, gần đây họ có thêm nghề làm du lịch, nhưng thu nhập vẫn phập phù. Nhiều người đã đến học hỏi kinh nghiệm vợ chồng Lý Phù Páo để xin tham gia vùng trồng “đổi vận”.

3. Đi thêm vài con dốc khác, chúng tôi đến nhà vợ chồng Mã Chu, Hà Thị Pay tại xã Xa Pả. Gia đình này đã trồng Actiso được 5 năm, thu nhập 80 triệu đồng/ha/vụ. Kinh tế khá giả, 2 đứa con được học hành đầy đủ, đứa lớn lớp 8, đứa nhỏ lớp 4. Vợ chồng chịu khó làm ăn, sắm sanh đủ thứ và là hình mẫu, niềm mơ ước của nhiều gia đình nơi rẻo cao.

Ngay trên con đường rẽ vào nhà vợ chồng Mã Chu, có 3 đứa trẻ mặt mũi lấm lem, chân đất, quần áo phong phanh. Được hỏi chuyện, được chia kẹo bánh, lũ trẻ đã dạn dĩ hơn và bắt đầu cởi mở. Chúng bảo mẹ đi chăn trâu, bố đi làm thuê, nhà chẳng có gì ăn nên cô chị lớn giờ đã nghỉ học ở nhà chăm em. Cô bé chỉ ước ao bố mẹ có tiền để được đi học lại.

Xót xa và thầm nghĩ đói nghèo sẽ còn vây lấy những bản làng xa xôi khi họ không có cơ hội và không được trao cơ hội để thay đổi. Chia tay chúng tôi, những bàn tay bé xíu vẫy vẫy. Vui mà vẫn thấy nghèn nghẹn, bởi cuộc sống quanh ta còn quá nhiều khốn khó. Cần lắm sự có mặt của những doanh nghiệp có chiến lược phát triển xanh như Traphaco.

Không chỉ có Actiso, vùng nguyên liệu sạch của Traphaco đã trải khắp cả nước, với nhiều loại cây dược liệu quý như đinh lăng, đương quy, rau đắng đất, bìm bìm, chè dây… Có nơi, người nông dân đã trở thành tỷ phú nhờ cây dược liệu như đinh lăng.

Sự thành công của những hộ nông dân trồng dược liệu theo chuẩn GACP-WHO đã có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương. Họ không chỉ trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, mà còn cùng nhau góp vốn giúp đỡ những hộ nông dân thiếu vốn khác, nhân rộng vùng trồng dược liệu tại địa phương. Anh em tập hợp lại, bảo ban nhau làm ăn, càng làm cho tình làng xóm thêm bền chặt.

Thành công, nhưng chưa bao giờ có ý định sẽ dừng bước, những doanh nghiệp như Traphaco vẫn đang miệt mài đi tiếp, thắp lên khát vọng xanh để góp phần xóa đi những vùng quê nghèo lam lũ. Lại nhớ những bàn tay bé xíu vẫy chào tạm biệt đoàn khách nhiều chuyện, những đôi mắt ngời sáng với niềm tin về một tương lai tốt đẹp hơn.

Thủy Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục