Khát vọng độc lập, tự do qua những tuyên ngôn bất hủ

Không gì có thể lay chuyển được ý chí sắt đá và khát vọng thiêng liêng về độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.
Bảo vệ độc lập và dựng xây đất nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người con nước Việt  Bảo vệ độc lập và dựng xây đất nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người con nước Việt

Cách đây 69 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Đó là tuyên ngôn đanh thép, hùng hồn, khẳng định chân lý bất di bất dịch “không có gì quý hơn độc lập tự do”, không gì có thể lay chuyển được ý chí sắt đá và khát vọng thiêng liêng về độc lập, tự do của nhân dân ta.

Với ý chí đó, khi thực dân Pháp phản bội lời hứa, đưa quân vào tái chiếm nước ta, Hồ Chủ Tịch đã viết thư kêu gọi gửi tới tất cả mọi người dân Việt Nam: “Hỡi đồng bào cả nước. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta muốn nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc... Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước...”.

Với khát vọng giành độc lập, tự do, nhân dân ta đã trải qua bao hy sinh, mất mát để đi đến thắng lợi cuối cùng. Sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975, cả nước thống nhất, bước vào cuộc hồi sinh vĩ đại. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hiểu một cách sâu sắc về cái giá của độc lập, tự do. Nhưng nói như Hồ Chủ Tịch, nước được độc lập, mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc, thì độc lập cũng không có nghĩa gì...

Vì lẽ đó, không có cách nào khác là phải tìm ra con đường đổi mới, nhanh chóng thoát khỏi trì trệ, bảo thủ và hậu quả tàn phá nặng nề do chiến tranh để lại. Với ý chí đó, năm 1986, công cuộc đổi mới chính thức được phát động và ngay lập tức có sức lan tỏa mạnh mẽ, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Đến nay, công cuộc đổi mới đã đi được gần 30 năm. Chúng ta tự hào và kiêu hãnh với những gì chúng ta đã trải qua và đã đạt được.

Nhưng chúng ta cũng không thể không băn khoăn, day dứt khi xã hội hiện vẫn còn nhiều tiêu cực. Nỗi đau vì sự xuống cấp của văn hóa và đạo đức từng ngày gặm nhấm, làm xói mòn nhân cách con người. Tệ nạn xã hội gia tăng đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân đang là nỗi bất an cho toàn xã hội. Tệ tham nhũng, tham ô và thói vô trách nhiệm ở một bộ phận quan chức đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân với chế độ…

Hiện nay, dân tộc ta đứng trước một vận mệnh vô cùng lớn lao trước một thế giới đang diễn biến rất phức tạp. Với những biến động mạnh mẽ trong quá trình toàn cầu hóa, vừa cạnh tranh vừa hợp tác giữa các dân tộc có nền văn hóa, chính trị và kinh tế khác nhau, thì sự tồn tại của một dân tộc, sự hưng thịnh của một quốc gia không phải là chuyện riêng của mỗi nước.

Trong bối cảnh đó sẽ nảy sinh rất nhiều cơ hội mới, nhưng cũng đan xen với không ít thách thức. Muốn đứng vững và trường tồn, chúng ta không có con đường nào khác là phải xây dựng cho được một nội lực mạnh mẽ. Phải phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết dân tộc, sức mạnh tổng hợp của thời đại, tập trung phát triển bền vững về mọi mặt, nâng cao cảnh giác, trang bị kiến thức và sức mạnh quân đội, để có thể đánh thắng mọi mưu toan xâm lược của kẻ địch.

Lịch sử dân tộc ta là lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Chúng ta tự hào về cha ông khi xưa, dù trong hoàn cảnh khó khăn, nghèo túng, dù thô sơ, nhưng chưa bao giờ chịu khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lược.

Vừa qua, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển nước ta, thì trong lòng mỗi người Việt Nam lại văng vẳng lời nói đanh thép của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã”; của Trần Thủ Độ: “Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”; hay tuyên ngôn của Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc”.

Bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và tập trung xây dựng đất nước ngày một vững mạnh là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người con nước Việt. Với tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đi lên phía trước, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc thật sự văn minh, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thái Phương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục