Gần 40% doanh nghiệp cắt giảm lao động để ứng phó dịch
Kết quả khảo sát mới đây do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho thấy, giải pháp tình thế trước mắt mà nhiều doanh nghiệp thực hiện là cắt giảm lao động, với gần 39% số doanh nghiệp cho biết phải bất đắc dĩ áp dụng biện pháp này.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, điều này có thể giúp họ ứng phó với dịch bệnh, giúp doanh nghiệp cắt giảm phần nào chi phí lao động. Tuy nhiên, điều đáng nói là giải pháp này để lại hậu quả rất nghiêm trọng cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế, khi hàng trăm nghìn người mất việc làm, gây bất ổn trong xã hội, trong khi doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng về lâu dài trong quá trình khôi phục sản xuất sau dịch bệnh do thiếu lao động.
Bên cạnh đó, có gần 21% doanh nghiệp trả lời cho biết, họ đang sử dụng biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhưng phần lớn cho biết, rất khó để cắt giảm chi phí nguyên liệu đầu vào do nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế, các nguồn cung thay thế lại không dễ dàng để tìm ra ngay.
Gần 4% số doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết, họ đã thực hiện biện pháp tạm dừng kinh doanh và cũng gần 4% số doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương.
74% số doanh nghiệp trả lời cho biết, có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng...
Cụ thể, có 5,9% doanh nghiệp bán lẻ tiếp tục giảm giá, khuyến mãi, một số doanh nghiệp tìm cách tăng cường đưa ứng dụng thương mại điện tử, trực tuyến để mở rộng cơ hội bán hàng và tạo kênh giao dịch an toàn cho khách hàng.
Một số liệu đáng chú ý là 19% số doanh nghiệp trả lời khảo sát nhanh hiện chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.
“Sự bị động của các doanh nghiệp phần nào phản ánh năng lực còn hạn chế của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cũng là chỉ số cảnh báo sớm cho các khủng hoảng có thế xảy ra sau dịch. Đây là hiện tượng mà các nhà hoạch định chính sách, cũng như cơ quan điều hành cần hết sức chú ý để có những giải pháp hỗ trợ đúng, tránh để xảy ra tình trạng doanh nghiệp khó khăn đóng cửa, phá sản hàng loạt nếu dịch bệnh kéo dài”, đại diện nhóm khảo sát Ban IV khuyến nghị.
Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp chọn cách chủ động ứng phó, thay vì tập trung hoàn toàn vào giải pháp cắt giảm lao động và chi phí sản xuất.
Cụ thể, 7,2% số doanh nghiệp tìm thị trường mới, 2,4% chọn cách nâng cao chất lượng phục vụ và 1,7% tranh thủ thời gian này để đào tạo lại nhân viên.
Theo Ban IV, Kết quả khảo sát này có được dựa trên tổng số 1.200 doanh nghiệp có phản hồi trả lời khảo sát. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ dưới 100 lao động chiếm 75%, còn doanh nghiệp có quy mô trên 200 lao động chiếm 14,3%.
Mặc dù số liệu khảo sát chưa phản ánh được cơ cấu phân theo loại hình doanh nghiệp (nhà nước, ngoài nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài) song cơ cấu doanh nghiệp theo ngành kinh tế trong khảo sát tương đồng so với cơ cấu doanh nghiệp phân theo ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) được báo cáo trong Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019.
Hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản
Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp từ kết quả khảo sát nhanh của Ban IV cho thấy, dịch bệnh Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cụ thể, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu bị giảm trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm từ 20 - 50% chiếm gần 29%, chỉ có 1,8% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, doanh thu tăng do dịch bệnh, chủ yếu là những doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước.
Đặc biệt, gần 74% số doanh nghiệp trả lời cho biết, có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.
Gần như các nhóm ngành đều gặp khó khăn, không đầu ra thì đầu vào. Trong đó, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dệt may da giày bị ảnh hưởng bởi thiếu nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện do thị trường Trung Quốc bị tê liệt đình trệ kéo dài vì dịch bệnh. Trong khi đó, các ngành chế biến nông sản, chế biến gỗ, sản xuất giường tủ, bàn ghế thì chịu ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu do hoạt động thương mại với Trung Quốc bị hạn chế…