Các hãng bay đối diện thử thách lớn nhất lịch sử hàng không hiện đại

(ĐTCK) Đây là thời điểm ngành hàng không phải đối diện với khủng hoảng thực sự, thay vì chỉ là những cảnh báo.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Toàn cầu hoá đã tạo cú huých thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành công nghiệp hàng không, khi các quốc gia lần lượt mở rộng cánh cửa trong 40 năm qua, khiến dòng người đi lại bằng đường hàng không không ngừng gia tăng.

Tuy nhiên, hiện tại, du khách, cũng như doanh nhân khó lòng bước qua các cánh cửa biên giới, thậm chí ngay tại chính quốc gia của mình bởi các lệnh hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19.

Nỗi đau toàn cầu

Các hãng bay đối diện thử thách lớn nhất lịch sử hàng không hiện đại ảnh 1

Dịch Covid-19 bùng phát kể từ cuối năm 2019 đã tạo nên những thiệt hại hàng tỷ USD cho các hãng hàng không từ Trung Quốc cho tới phần còn lại của châu Á cho tới cuối tháng 2.

Bước sang tháng 3, cơn đau này lan sang phía tây khi nỗi lo sợ dịch bệnh đã lan rộng trên 114 quốc gia trên toàn cầu.

Theo đó, các hãng hàng không Âu - Mỹ cũng không miễn nhiễm, chấp nhận những thiệt hại nặng nề.

Từ Quantas và Cathay Pacific tại châu Á, cho tới Lufthansa và Air France-KLM tại châu Âu, cũng như United, American tại Mỹ, tất cả các hãng hàng không đều có chung một vấn đề là nhu cầu sụt giảm mạnh, đột ngột.

Trong bối cảnh dòng người đi lại không còn đông đúc, các hãng hàng không thương mại sẽ chứng kiến lưu lượng vận chuyển giảm 8,9% trong năm nay, theo Jeffferies Financial Group Inc.

Ðây là mức giảm mạnh nhất trong 42 năm qua, kể từ khi các số liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1987.

“Ngành công nghiệp hàng không đang đối diện thử thách lớn nhất trong lịch sử hàng không hiện đại”, Yu Zhanfu, đối tác tại hãng tư vấn Roland Berger tại Bắc Kinh nhận định.

Với diễn biến leo thang của dịch bệnh, các quy định hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, các hãng hàng không đã phản ứng bằng cách cắt giảm bớt các tuyến bay, giảm số chuyến bay.

Lufthansa đã cắt bớt 50% số lượng các hành trinh bay của hãng, trong khi United giảm 10% lịch trình nội địa và 20% lịch trình quốc tế.

Delta sẽ hạ năng lực phục vụ thị trường nội địa xuống khoảng 15% và quốc tế là 25%. American sẽ hạ số lượng chuyến bay xuống 10% so với thời gian cao điểm vào mùa hè.

Nhu cầu đi xuống, phải cắt giảm bớt công suất, đây là điều không hãng hàng không nào muốn, nhất là với các doanh nghiệp vốn phải đối diện với nhiều khó khăn trong thời gian qua.

Dịch Covid-19 chính thức là giọt nước tràn ly đối với nhiều hãng hàng không, trong đó có Flybe, hãng hàng không nội địa lớn nhất nước Anh, khi Công ty đã có nhiều vướng mắc tài chính trước khi dịch bùng phát.

Ðiều gì đến phải đến, Flybe đã chính thức “gãy cánh” vào ngày 5/3 khi nhu cầu lao dốc.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chính quyền quốc gia này buộc phải vào cuộc khi nắm quyền kiểm soát tại công ty mẹ của Hainan Airlines trong tháng 3, sau khi hãng hàng không này trở thành nạn nhân đích thực của các lệnh cấm đi lại tại đây.

Không riêng Trung Quốc, chính phủ các quốc gia khác nhiều khả năng cũng phải vào cuộc với hành động tương tự. Hiện tại, Deutsche Lufthansa AG đang tìm kiếm sự hỗ trợ để tránh tình cảnh phải sa thải hàng loạt.

Trong khi đó, dù chưa công bố thông tin chi tiết, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, chính quyền Mỹ sẽ cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho các hãng hàng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua chặng đường gập ghềnh này”, ông Trump cho biết.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), doanh thu toàn cầu của ngành hàng không sẽ giảm 113 tỷ USD trong năm 2020, tương đương giảm 19% so với năm 2019.

Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất khi dịch bệnh sớm được kiểm soát, doanh thu cũng sẽ giảm 11%, tương đương 63 tỷ USD. Ðây chính là lý do nhiều hãng hàng không mạnh tay cắt giảm mạnh số lượng chuyến bay.

Quantas Airways Ltd vào ngày 10/3 tuyên bố huỷ 1/4 chặng bay quốc tế trong 6 tháng tới, trong khi Air France huỷ 3.600 chuyến bay có lịch trình được công bố trong tháng 3, giảm 25% khối lượng việc làm tại châu Âu.

Chính phủ vào cuộc

Không nơi nào mà ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề hơn Trung Quốc, nơi IATA dự báo doanh thu sẽ sụt giảm 1/3 trong năm nay.

Ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc đã bùng nổ trong thập kỷ vừa qua nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu nội địa, với các chuyến du lịch trong nước và quốc tế không ngừng nghỉ. Hiện tại, đây cũng là đối tượng chịu tổn thương đầu tiên trước dịch bệnh.

Các hãng hàng không Trung Quốc trong tháng 2 đã cắt giảm 10,4 triệu ghế ngồi trong các lịch trình nội địa, theo OAG Aviation Worldwide.

Số lượng vé đặt trước trong tháng 4 tại Trung Quốc đã giảm gần 80% so với cùng kỳ năm trước, theo IATA.

“Với việc mối lo ngại về Covid19 đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng ít nhất cho tới cuối năm, dễ nhận thấy các hãng hàng không Trung Quốc sẽ lao đao. Trong đó, các công ty nhỏ, công ty tư nhân, hãng hàng không giá rẻ là đối tượng đáng quan ngại nhất”, Joanna Lu, người đứng đầu bộ phận tư vấn, phân tích du lịch châu Á tại Cirium cho biết.

Trong bối cảnh hiện tại, sự vào cuộc của chính phủ được xem là lối thoát duy nhất. Chính quyền Bắc Kinh đã nắm quyền kiểm soát 3 hãng hàng không lớn nhất quốc gia gồm China Southern Airlines, Air China và China Eastern Airlines, đồng thời phát tín hiệu cho thấy việc chuẩn bị can thiệp sâu hơn nữa.

Vào giữa tháng 2, Cơ quan Quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc cho biết, chính phủ sẽ có các biện pháp hỗ trợ, bao gồm tiến hành sáp nhập để giúp ngành hàng không vượt qua khó khăn.

Sau đó, vào ngày 4/3, giới chức Trung Quốc công bố cung cấp nguồn vốn hỗ trợ các hãng hàng không có chuyến bay nội địa và quốc tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, mỗi ghế ngồi, trên mỗi km bay được hỗ trợ 0,0528 nhân dân tệ.

Như vậy, ví dụ, trong hành trình bay dài 8.175 km từ London tới Bắc Kinh, mỗi hành khách sẽ được hỗ trợ tổng cộng 432 nhân dân tệ (tương đương 62 USD).

Các hãng hàng không cũng đồng loạt tiến hành hạ giá vé trên các chuyến bay với mức chưa từng có.

Ví dụ, một chuyến bay kéo dài 3,5 giờ từ Thượng Hải tới Thành Ðô hiện có giá chỉ 90 nhân dân tệ, thêm 50 nhân dân tệ tiền thuế phí, tổng cộng lại ở mức chưa tới 1/10 giá vé vào tháng 9/2019.

Không chỉ nhu cầu nội địa sụt giảm mạnh, với việc dịch Covid19 đang bùng phát tại châu Âu và Mỹ, giá rẻ là yếu tố không đủ sức thu hút khách hàng quốc tế quay trở lại với các chuyến bay tại Trung Quốc.

Thực tế, các hãng hàng không luôn khôi phục sau các đợt khủng hoảng. Chẳng hạn, dịch SARS năm 2003 gây thiệt hại khoảng 6 tỷ USD cho các hãng hàng không, nhưng mọi hoạt động quay về mức bình thường chỉ 9 tháng sau đó.

Chưa kể, việc giá dầu lao dốc mạnh hiện tại cũng là một yếu tố thuận lợi đối với các hãng hàng không, bởi năng lượng là một trong các loại chi phí tốn kém nhất đối với các công ty hàng không.

“Tôi đã ở trong ngành công nghiệp này hơn 35 năm, chứng kiến chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh và nhiều tai nạn. Cho tới nay, không có điều gì đủ sức thay đổi các yếu tố nền tảng cho sự tăng trưởng dài hạn của hàng không. Các vấn đề đều sẽ tới lúc tìm được giải pháp, ký ức rồi cũng mờ nhạt và mọi người đều bị hấp dẫn bởi các món hời khi giá vé rất rẻ”, Jared Harckham, phó chủ tịch và tổng giám đốc hãng tư vấn hàng không ICF International Inc chia sẻ.

Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục