Doanh thu sụt giảm và điều chỉnh chiến lược
Theo báo cáo trên, có rất nhiều trong số doanh nghiệp được khảo sát phải điều chỉnh chiến lược bao gồm thêm các vấn đề về quản lý khủng hoảng, áp dụng chế độ làm việc từ xa, cũng như đầu tư thêm vào các nền tảng công nghệ nhằm đảm bảo tính liên tục và nâng cao tính linh hoạt của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang xem xét chuỗi cung ứng 1 trong 4 để tạo ra những thay đổi cơ bản cho sản phẩm và dịch vụ của họ.
Trên toàn cầu, chỉ số lạc quan kinh tế giảm 16% so với 6 tháng cuối 2019, trong đó 44% doanh nghiệp thấy hơi bi quan hoặc rất bi quan cho triển vọng của nền kinh tế của đất nước họ trong 12 tháng tới.
Tuy nhiên, khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận triển vọng kinh tế lạc quan hơn. Gần một nửa các công ty duy trì quan điểm lạc quan đối với nền kinh tế trong 12 tháng tới.
Ngược lại với các khu vực khác, chỉ số lạc quan kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ giảm nhẹ, khoảng 9% (so với mức trung bình toàn cầu là 16%).
Chỉ số này ở Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới, cùng với Trung Quốc, ít hơn 4% so với nước đang đứng thứ nhất là Tiểu vương quốc Ả Rập ở mức 65%, giảm từ 82% trong nửa cuối năm 2019.
Kết quả này có thể do tính thời điểm của cuộc khảo sát – giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch ở châu Á diễn ra sớm hơn và nhiều nền kinh tế trong khu vực đã ngăn chặn được dịch bệnh thành công hơn các khu vực khác.
Chỉ 34% doanh nghiệp trên toàn cầu dự đoán doanh thu tăng trong 12 tháng tới, giảm từ 54% của 6 tháng cuối năm 2019 và ở mức thấp kỷ lục trong các kỳ khảo sát (kể từ quý 2 năm 2011).
Tương tự như vậy, chỉ có 32% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có tăng trưởng lợi nhuận. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có mức dự đoán tương tự với 35% doanh nghiệp kỳ vọng tăng doanh thu, giảm so với mức 59% trong nửa năm cuối 2019.
Mặc dù vậy, Việt Nam đứng thứ nhất trên toàn cầu với 66% số doanh nghiệp khảo sát dự báo tăng doanh thu, nhưng giảm đáng kể so với mức 93% ghi nhận trong nửa đầu năm 2019.
Sự suy giảm về kỳ vọng tăng doanh thu và lợi nhuận trên toàn cầu là dấu hiệu cho một giai đoạn khó khăn phía trước đối với nhiều doanh nghiệp sau khi nền kinh tế toàn cầu có thể hồi lại sau giai đoạn đóng cửa.
Tình hình hiện tại dẫn đến chỉ số bất ổn kinh tế tăng lên đáng kể. Trong đó, 66% doanh nghiệp xác định sự bất ổn là rào cản cho kinh doanh của họ (với gần 1 phần 3 công ty xác định đó là trở ngại chính).
Châu Á - Thái Bình Dương có chỉ số tương tự ở mức 65% (tăng từ 50% 6 tháng đầu năm 2019), tuy nhiên Việt Nam lạc quan hơn với 54% doanh nghiệp cho rằng sự bất ổn là một hạn chế; con số này là 47% trong 6 tháng cuối 2019.
Một viễn cảnh xấu hơn về tình hình kinh doanh
Số lượng các công ty trên thế giới kỳ vọng có thể tăng giá bán giảm (32%, giảm từ 41%), phù hợp với sự suy giảm của các yếu tố lạm phát như sụt giảm nhu cầu mua và sụt giảm giá nhiên liệu. Tuy nhiên, các công ty ở Việt Nam khả quan hơn với chỉ 42% dự kiến giá bán cao hơn.
Nhu cầu tiêu dùng yếu dần, phản ánh ở số lượng ít hơn các công ty kỳ vọng có tăng trưởng xuất khẩu (25%, giảm 11%), mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với các mức thấp kỉ lục trước đó.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Việt Nam lại một lần nữa được ghi nhận lạc quan hơn với 47% doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu tăng trong 12 tháng tới, giảm từ 75% trong 6 tháng cuối năm 2019. 55% doanh nghiệp cho rằng tình trạng thiếu đơn hàng là một hạn chế trong kinh doanh, với gần 1 phần 4 doanh nghiệp xác định đây là rào cản chính.
Phản hồi ở Việt Nam cũng tương tự như tất cả các công ty ở châu Á - Thái Bình Dương. Sự sụt giảm về nhu cầu, gia tăng mức độ bất ổn và lo ngại về thiếu hụt nguồn tài chính sẽ làm giảm mức độ đầu tư.
Điều này thể hiện rõ ở việc giảm đầu tư vào tài sản cố định (ví dụ như nhà xưởng và máy móc thiết bị) hơn là giảm đầu tư vào các dự án Nghiên cứu và Phát triển, công nghệ và nguồn nhân lực.
Mặc dù vậy, một lần nữa các doanh nghiệp ở Việt Nam có phản hồi tích cực hơn với 53% doanh nghiệp xác nhận có kế hoạch đầu tư vào máy móc thiết bị, 50% đầu tư vào nhà xưởng mới và 58% vào R&D.
Số liệu này cao hơn nhiều so với tình hình chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tương ứng lần lượt là 28%, 23% và 40%.
Điều này cũng có thể là sự phản ánh việc dịch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và kỳ vọng về các cơ hội có thể đến từ việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 18/2020.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi lớn cho thị trường lao động với chưa đến 30% doanh nghiệp có ý định tuyển dụng nhân viên mới trong 12 tháng tới, giảm từ gần 50% trong nửa cuối năm 2019.
Mặc dù tình hình thị trường lao động tương đối giống nhau ở thị trường châu Á - Thái Bình Dương, có đến 50% doanh nghiệp tại Việt Nam dự kiến sẽ tuyển dụng thêm nhân công.
Tuy nhiên điều này có thể do thực tế là đại dịch xảy ra ở Việt Nam sớm hơn và nhiều lao động Việt Nam đã bị mất việc do đại dịch từ trước so với nhiều quốc gia khác.
Du lịch và giao thông vận tải là hai ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới với chỉ số lạc quan kinh tế được ghi nhận lần lượt ở mức 33% và 32%.
Theo khảo sát, hai ngành trên dự kiến sẽ phải hứng chịu một cú sốc tiêu cực và kéo dài với hơn 82% và 68% doanh nghiệp du lịch và giao thông dự đoán doanh thu sẽ giảm trong năm nay do hậu quả của đại dịch Covid-19.
Khi các quốc gia bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, sự cẩn trọng là vô cùng cần thiết. Các doanh nghiệp sau khủng hoảng Covd-19 có thể ở trạng thái mong manh nhạy cảm hơn, vì vậy việc liên tục tập trung kiểm soát dòng tiền, duy trì nhân lực, đảm bảo an toàn và quản lý tốt nguồn lực sẽ rất quan trọng.