Trung tâm VITASK là dự án ODA hợp tác quốc tế giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, với mục tiêu cao nhất là thông qua các hoạt động hỗ trợ đa dạng giúp doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và điện - điện tử tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC - Global Value Chain), từ đó doanh nghiệp có thể chủ động chuẩn bị nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Để hoàn thành mục tiêu trên, trung tâm VITASK sẽ xúc tiến nhiều chương trình hỗ trợ đa dạng, như: chương trình hỗ trợ kỹ thuật với đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm của Hàn Quốc giúp các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề kỹ thuật ngay tại nơi sản xuất, chương trình đào tạo kỹ sư với đối tượng là sinh viên, chương trình bồi dưỡng chuyên gia tư vấn với đối tượng là công nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất thử nghiệm đánh giá nhằm hỗ trợ đánh giá tính năng sản phẩm, phân tích lỗi, chương trình kết nối thúc đẩy giao lưu kỹ thuật giữa doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc đã bố trí nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam thông qua Dự án thành lập Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VITASK).
Đây là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng và đổi mới quản lý sản xuất, kết nối và phát triển thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam, trước mắt là trong lĩnh vực ô tô, điện – điện tử. Đồng thời, dự án này một lần nữa khẳng định mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai Chính phủ cũng như giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.
Bộ trưởng cũng đặt kỳ vọng Trung tâm VITASK sẽ hỗ trợ mạnh mẽ, giúp nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đáp ứng được các nhu cầu tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao hay nhà cung ứng tiềm năng của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
"Tôi cũng hy vọng Chính phủ Hàn Quốc, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực, hỗ trợ thêm các dự án tương tự như Trung tâm VITASK nhằm nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng nhu cầu của chính các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tại TP.HCM", ông Trần Tuấn Anh nói.
Với trung tâm tư vấn giải pháp và công nghệ Việt - Hàn, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và điện - điện tử sẽ được hỗ trợ công nghệ tự tin tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu |
Là đơn vị phối hợp chặt chẽ trong Dự án này, ông Sung Yun Mo, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết, tại Hàn Quốc, Chính phủ đã thiết lập hệ thống các trung tâm hỗ trợ về kỹ thuật và kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực và nhanh chóng thích ứng với các đổi mới về công nghệ, kỹ thuật và thị trường toàn cầu. Các trung tâm này được thành lập từ giai đoạn đầu công nghiệp hóa, tiếp tục tồn tại và nâng cấp cho đến nay.
Ở mỗi giai đoạn phát triển, các nội dung hỗ trợ của các trung tâm này cũng khác nhau, tùy vào trình độ và năng lực của doanh nghiệp sản xuất nhưng vẫn lấy 6 công nghệ nguồn của ngành chế tạo gồm đúc, khuôn mẫu, tạo hình (nhựa), hàn, xử lý nhiệt và xử lý bề mặt làm gốc.
"Ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam muốn phát triển bền vững thì không thể thiếu những trung tâm hỗ trợ kỹ thuật như VITASK. Hàn Quốc sẽ luôn đồng hành với Việt Nam để vận hành Trung tâm VITASK hiệu quả, mang lại giá trị cao cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước”, ông Sung Yun Mo nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, chính phủ hai nước sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, tài chính để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành Trung tâm VITASK và tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hướng tới mục tiêu đưa ngành công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Trung tâm VITASK đặt tại Trung tâm tọa lạc tại tầng 2, Tòa nhà Bộ Công thương, số 655 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Hiện nay, ngành công nghiệp hỗ trợ đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Nghị Quyết này một lần nữa khẳng định sự quan tâm, hành động quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong quá trình thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.