Sáng 12/7, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII đã xem xét, thông qua 16 nghị quyết thuộc các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính ngân sách, đầu tư.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 ước đạt 22,5% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao và 26,3% kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế. Riêng đối với các dự án đầu tư trọng điểm, tỷ lệ giải ngân ước đạt 18,6%.
Để thúc đẩy quá trình giải ngân vốn đầu tư công, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã xem xét, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2024; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 sang năm 2024 nguồn ngân sách địa phương cho Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.
Cụ thể, HĐND tỉnh Khánh Hòa xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 theo nguyên tắc phân bổ từ nguồn dự phòng trung hạn và nguồn tăng thu xổ số kiến thiết năm 2023 để bố trí cho các dự án đầu tư công trọng điểm theo Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 22/12/2023 của Tỉnh ủy, các dự án khác thuộc nhiệm vụ chi của cấp tỉnh được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; bổ sung kế hoạch vốn trung hạn để thực hiện hoàn thành dự án Nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Ra, thành phố Nha Trang (giai đoạn 1); Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; bố trí vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Khánh Hòa để thực hiện cho vay vốn hỗ trợ nhà ở.
Đồng thời, HĐND tỉnh Khánh Hòa xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 theo nguyên tắc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm 2024 của các dự án theo nhu cầu, khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn thực tế năm 2024 của các chủ đầu tư để bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sau khi các dự án hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định, bổ sung vốn cho các dự án có khả năng thực hiện, giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024 được giao.
Đối với UBND tỉnh Khánh Hòa, cơ quan này đã chủ động đề ra một số giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư năm 2024 như: tăng cường tổ chức các cuộc họp nghe các chủ đầu tư báo cáo tình hình và tiến độ giải ngân các dự án để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đối với các dự án khởi công mới, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện hoàn thành các thủ tục đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán…), lựa chọn nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã giao.
Đối với các dự án đã thi công, không vướng hoặc chỉ vướng 1 phần công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo đạt và vượt tiến độ đề ra, kịp thời thanh toán phần khối lượng hoàn thành, nghiệm thu, không để tồn hồ sơ thanh toán.
Đối với các dự án bị vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, không thể thi công, UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư, UBND cấp huyện phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.
Cũng liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách, HĐND tỉnh đã thống nhất sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 13 của Quy định nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ban hành kèm theo Nghị quyết số 4/2022/NQ-HĐND ngày 30/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh; điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 30/6/2022 quy định mức hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.