Khánh Hòa thực hiện Quy hoạch tỉnh với 7 giải pháp

Tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu xây dựng, ban hành các đề án, chính sách phát triển các ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong đó có các chính sách ưu tiên, ưu đãi để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư.
Tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu xây dựng, ban hành các đề án, chính sách phát triển các ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong đó có các chính sách ưu tiên, ưu đãi để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành, tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai 7 giải pháp để thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Theo đó, 7 giải pháp này gồm: Thu hút đầu tư phát triển; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển khoa học và công nghệ; Bảo đảm an sinh xã hội; Bảo vệ môi trường; Bảo đảm nguồn lực tài chính; Bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu xây dựng, ban hành các đề án, chính sách phát triển các ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, trong đó có các chính sách ưu tiên, ưu đãi để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ…; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nghiên cứu, triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hỗ trợ đầu tư và sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế.

Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa sẽ thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế của địa phương theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt mức 2% tổng chi ngân sách địa phương dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ; đẩy mạnh việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng tới mục tiêu tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển lên các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao hơn; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp trong các giai đoạn từ ý tưởng, nhu cầu nghiên cứu, cho đến triển khai, ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra một số tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư. Các dự án được xem xét ưu tiên khi đáp ứng các tiêu chí, gồm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quốc gia; phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và kế hoạch thực hiện các quy hoạch cấp trên; phù hợp và kết nối đồng bộ với các công trình hạ tầng cấp quốc gia, cấp vùng; có quy mô vốn lớn; sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; phù hợp với quan điểm, mục tiêu, các đột phá phát triển, các định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng phát triển trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trọng tâm là các công trình hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng hàng không, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; ưu tiên các dự án giao thông có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là với các tỉnh trong khu vực Duyên hải miền Trung, các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; các dự án hạ tầng kết nối các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn với những khu vực có vai trò động lực của tỉnh.

Các dự án ứng dụng công nghệ cao, hiện đại để khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, đất đai, con người và tài chính của Tỉnh, từng bước chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao trình độ cho các doanh nghiệp trong tỉnh…

Về các dự án đầu tư công, tỉnh Khánh Hòa ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thế, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng khu kinh tế Vân Phong; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các đô thị động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả; tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, xử lý rác thải, nước thải, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững.

Về các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công; đẩy mạnh thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: Hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; nguồn điện và lưới điện; hạ tầng logistics, hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa; các khu nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; cấp nước sạch; các khu đô thị, khu du lịch, khu thể thao; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ.

Về nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực để thực hiện quy hoạch, Quyết định nêu rõ, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm là 8,3% trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, Khánh Hòa dự kiến nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021 - 2030 khoảng trên 1 triệu tỷ đồng.

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục