Khẳng định quan điểm không được kinh doanh dược phẩm trên mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là một trong số 15 luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 này.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Dự thảo) chỉ cho phép được bán hàng trực tuyến đối với dược phẩm thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Đây là các phương tiện có thể xác minh được danh tính người bán, đơn vị tổ chức hoạt động thương mại điện tử đã được cơ quan quản lý nhà nước về công thương, đầu tư xác nhận và công bố thực hiện các hoạt động về thương mại điện tử. Đối với các phương tiện khó xác định danh tính, khó quản lý, kiểm soát như mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác thì không được phép kinh doanh dược phẩm.

Quan điểm nêu trên được Chính phủ cho biết tại báo cáo Dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với Dự thảo - nội dung được Quốc hội thảo luận sáng 22/10.

Chính phủ cũng cho biết sẽ nghiên cứu, bổ sung quy định chế tài xử phạt nghiêm đối với các trường hợp cơ sở bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử không tổ chức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua thuốc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản ánh, một số ý kiến không đồng tình với việc cho phép bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử, trong khi một số ý kiến khác tán thành và cho rằng quy định này là cần thiết, phù hợp thực tiễn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý.

Để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thấy rằng, một số quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Anh, cũng cho phép việc kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không kinh doanh thuốc kê đơn theo phương thức thương mại điện tử, nếu có, chỉ nên áp dụng đối với thuốc không kê đơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu, các quy định của dự thảo Luật về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử dự kiến được chỉnh lý theo hướng, các cơ sở muốn kinh doanh theo phương thức này phải đáp ứng đủ điều kiện quy định trong luật. Bởi thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng trong khi kinh doanh theo phương thức điện tử là một hình thức kinh doanh mới.

Dự thảo luật đồng thời quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử phải thông báo đến cơ quan quản lý Nhà nước về dược.

Dự thảo Luật cũng nêu rõ: “Thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải là thuốc không kê đơn, trừ thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch, cơ sở được phép bán thuốc kê đơn theo quy định của Bộ trưởng Y tế”…

Bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ… là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được bổ sung trong dự thảo luật.

Dự thảo Luật ủy quyền giao Bộ trưởng Y tế quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc đến người mua.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là một trong số 15 luật dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục