Uỷ ban Xã hội kiến nghị khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này.
Người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai
Sáng 20/10, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đã báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.
Tại nghị quyết số 30 được thông qua tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV đã trao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyền hạn đặc biệt trong chống dịch Covid-19.
Ủy ban cho rằng, trong thực hiện Nghị quyết này, Chính phủ đã tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thông qua việc kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về một số nội dung khác luật hoặc luật chưa quy định hoặc vượt thẩm quyền.
Ngoài ra, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản (bao gồm các nghị quyết, chỉ thị, công điện, công văn...) để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết và trước hết.
Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, các văn bản hướng dẫn, trả lời của các Bộ, ngành trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn do được ban hành gấp, việc đánh giá tác động còn hạn chế.
Vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương cũng như chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương; có tình trạng hiểu văn bản hướng dẫn không thống nhất, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh vẫn còn xảy ra.
Vẫn có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi, sửa đổi, bổ sung nhiều lần; một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Trong chỉ đạo, điều hành còn lúng túng, thiếu thống nhất; có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán; một số địa phương còn chủ quan; công tác tuyên truyền chưa kịp thời, hiệu quả.
Đáng chú ý, việc phân cấp cho các địa phương thời gian qua chưa thật chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện.
Cơ quan thẩm tra đánh giá, một trong các nguyên nhân quan trọng gây ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và các văn bản của Chính phủ tại các địa phương trong thời gian qua là do Chính phủ chưa ban hành được Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Bên cạnh đó, Chính phủ hướng dẫn chưa cụ thể khi áp dụng biện pháp hạn chế quy định tại điểm 3.1 của Nghị quyết 30 (Quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định - PV).
Khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể
Đánh giá công tác phòng chống dịch nói chung, Uỷ ban Xã hội cho rằng việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Ngoài ra, còn một số vấn đề trong quá trình thực hiện cần quan tâm, như một số địa phương chưa tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine cho người dân . Việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 chưa đáp ứng yêu cầu do nguồn vaccine còn hạn chế, tỷ lệ tiêm vaccine còn chưa đồng đều tại các địa phương trên toàn quốc.
Công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát dẫn đến áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa phù hợp; chưa thực hiện nguyên tắc cách ly tạm thời ngay từ đầu để làm xét nghiệm rộng, căn cứ vào kết quả xét nghiệm để thu hẹp phạm vi cách ly.
Trong khi nguồn nhân lực hạn chế thì vẫn hạn chế trong việc huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Nhiều loại thuốc dùng cho điều trị bệnh nhân COVID-19 chưa được quy định trong danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán gây khó khăn cho công tác giám định chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Về sản xuất kinh doanh, cơ quan thẩm tra cho rằng việc áp dụng phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” tại một số nơi chưa phù hợp, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao, ảnh hưởng tới tâm sinh lý, sức khỏe người lao động cùng với yêu cầu xét nghiệm COVID-19 làm tăng gánh nặng, chi phí cho doanh nghiệp; chi phí vận tải tăng rất cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu và hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp cho rằng, các chính sách hỗ trợ hiện hành là quan trọng song quan trọng hơn là cần nới lỏng dần các biện pháp giãn cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại thì mới có khả năng tồn tại và phục hồi, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Qua thẩm tra, Uỷ ban kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 an toàn, khoa học, hiệu quả cho nhân dân, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em ở các độ tuổi phù hợp; thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng chống dịch.
Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, đánh giá các văn bản, quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này; nghiên cứu, tăng cường dự báo xu hướng COVID-19; chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch COVID-19, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ.