"Khan hiếm xăng dầu là do cơ chế điều hành chưa phù hợp"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) PGS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, không phải chúng ta không nhập được xăng dầu mà do cơ chế điều hành chưa phù hợp, không thể vì quy định bất hợp lý mà quay sang xử lý người kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Ảnh: M.M Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) - Ảnh: M.M

Liên quan đến tình trạng hàng loạt cây xăng đóng cửa, treo biển hết hàng khiến một số doanh nghiệp bị đứt gãy cung ứng nguyên liệu đầu vào, người dân xếp hàng dài chờ mua xăng kiểu "nhỏ giọt" những ngày qua, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân về vấn đề trên.

Ông đánh giá nguyên nhân hiện tượng khan hiếm xăng dầu trong nước hiện nay?

Những ngày qua, tại Hà Nội, việc mua xăng khá khó khăn, nhiều cây xăng dừng bán hoặc bán "nhỏ giọt" 50.000 đồng/lần đổ cho xe máy, 500.000 đồng/lần đổ cho xe ô tô.

Điều này là khá vô lý vì giai đoạn này, giá xăng dầu thế giới không tăng quá cao, nguồn cung theo tôi cũng không phải quá khan hiếm, nhưng trong nước lại xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu. Trước đó, thời kỳ giá xăng dầu thế giới tăng cao, chúng ta điều tiết rất tốt, không cửa hàng nào thiếu xăng dầu.

Tại phiên chất vấn Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải thích nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là nguồn cung xăng dầu thế giới đang ngày càng khan hiếm. Ông nghĩ sao về lời giải thích này?

Tôi cho rằng, lỗi không phải do nguồn cung thế giới khiến ta không nhập được xăng dầu, mà là do cơ chế điều hành chưa phù hợp. Cụ thể, chi phí chiết khấu cho các nhà bán lẻ quá thấp, thậm chí, nhiều nhà bán lẻ không có mức chiết khấu này, mà chỉ đầu mối cung cấp mới có. Khi nhà bán lẻ không có chiết khấu, càng bán càng lỗ, thì đương nhiên họ sẽ không mặn mà gì việc bán ra.

Trước đây, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng rất cao, chúng ta phải cắt giảm chi phí chiết khấu. Theo đó, các công ty kinh doanh xăng dầu phải xác định kinh doanh không có lãi, cùng với việc Nhà nước giảm thuế, mới giảm giá được cho người dân.

Nhưng khi giá xăng dầu thế giới bình ổn trở lại thì phải tăng chi phí chiết khấu cho các doanh nghiệp. Trong thời gian vừa qua, chúng ta chưa làm được điều này, mà mới chỉ thực hiện được chi phí chiết khấu cho nhà phân phối, còn người bán lẻ không có.

Không thể vì quy định bất hợp lý mà quay ra xử lý người kinh doanh.

PGS.TS Hoàng Văn Cường

Theo tôi, nếu công tác điều hành liên quan tới chi phí chiết khấu; sự phân chia chi phí chiết khấu giữa công ty đầu mối, nhà phân phối và nhà bán lẻ có sự hợp lý hơn thì sẽ không xảy ra tình trạng các cây xăng bán lẻ phải dừng bán như hiện nay.

Bộ Công thương vừa có chỉ đạo làm rõ nguyên nhân các cây xăng tạm ngừng hoạt động, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm quy định kinh doanh xăng dầu. Theo ông, đâu là trường hợp cần xử lý?

Tôi cho rằng, qua kiểm tra, nếu phát hiện những cửa hàng xăng dầu có tình trạng “găm hàng”, dừng hoạt động để chờ thời điểm xăng tăng giá mới bán nhằm thu lợi cao hơn thì phải xử lý thật nghiêm khắc.

Còn những trường hợp cửa hàng bán lẻ không được trích chiết khấu, dẫn tới tình trạng càng bán càng lỗ, không thể bán được thì phải điều chỉnh về mặt cơ chế. Không thể vì quy định bất hợp lý mà quay ra xử lý người kinh doanh. Như vậy sẽ không thỏa đáng.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải thích lý do khan hiếm xăng dầu vì: Nguồn cung xăng dầu thế giới ngày càng khan hiếm; Tỷ giá USD và Euro liên tục tăng; nhiều doanh nghiệp không vay được ngân hàng...

Bên cạnh đó, ông Diên cũng thừa nhận, thị trường xăng dầu có những dị biệt, nhất là trong bối cảnh thế giới hỗn loạn cho nên một số quy định đã bộc lộ khiếm khuyết.

“Chính phủ đã nhận thấy điều này và đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu để sửa Nghị định 95 cho phù hợp với thực tiễn”, ông Diên nói và nhấn mạnh, thế giới thay đổi hằng ngày, thậm chí là hàng giờ nên “dù có cố gắng đến đâu thì quy định pháp luật bao giờ cũng có độ trễ so với thực tiễn”.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục