"Khai tử" đội ngũ bán xăng dầu vỉa hè

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Công thương khẳng định, hiện tại pháp luật không có quy định cấm người tiêu dùng mua xăng bằng thùng, can, chai... mang về dùng, nhưng nghiêm cấm hành vi bán xăng dầu bằng các phương tiện trên trái pháp luật.
Trong ngày 4/11, Bộ Công thương có văn bản yêu cầu xử nghiêm hành vi buôn bán xăng dầu qua thùng, can, chai... Trong ngày 4/11, Bộ Công thương có văn bản yêu cầu xử nghiêm hành vi buôn bán xăng dầu qua thùng, can, chai...

Không có luật nào cấm mua xăng dầu bằng thùng, can, chai...

Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện thông tin, hành vi mua xăng, dầu bằng thùng, can, chai bị cấm... đã gây hiểu lầm trong dư luận xã hội.

Sáng nay (7/11), Bộ Công thương cho biết, hiện tại pháp luật không có điều khoản nào cấm người tiêu dùng mua xăng bằng thùng, chai, bằng can đem về.

Bởi xăng dầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu của phương tiện đi lại như ô tô, xe máy… mà rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể dùng để chạy động cơ như các hộ dùng để vận hành máy xay xát tại nhà, một số hộ mua xăng dầu để chạy ghe, thuyền tại vùng sông nước và rất nhiều loại động cơ khác.

Tuy nhiên, việc tích trữ xăng dầu vào thùng, can, chai tại gia đình cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ cho gia đình và cộng đồng, xã hội. Đồng thời, xăng dầu rất khó bảo quản vì dễ bay hơi, biến chất sau một thời gian nhất định…

Vì thế, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế cách thức tích trữ xăng dầu này nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Làm rõ tính xác thực của tin đồn nói trên, Bộ Công thương dẫn Điều 35, Nghị định 99/2020 của Chính phủ, quy định mức phạt với hành vi vi phạm quy định khác về bán lẻ xăng dầu.

Theo đó, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó.

"Với quy định này, nhiều người nhầm tưởng hành vi mua xăng qua thùng, can, chai là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với cây xăng, tức thương nhân kinh doanh xăng dầu", Bộ Công thương cho hay.

"... nhiều người nhầm tưởng hành vi mua xăng qua thùng, can, chai là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với cây xăng, tức thương nhân kinh doanh xăng dầu".

(Bộ Công thương)

Sở dĩ có quy định cấm này là do việc kinh doanh xăng dầu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, thiết kế, xây dựng cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo yêu cầu theo quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành như: Yêu cầu về thiết kế cửa hàng xăng dầu; phương tiện phòng cháy, chữa cháy cho nhà và công trình...

Tuy nhiên, khi bán hàng qua can, thùng, trụ xăng mini thường không đảm bảo an toàn cháy nổ, không tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo quy định của pháp luật đối với kinh doanh xăng dầu, mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Vì thế, Bộ nhấn mạnh, cây xăng bán xăng qua thùng, can, chai thường bị xử phạt rất nặng.

Bộ Công thương cũng dẫn Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2013), cho rằng việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu tích trữ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, theo khoản 4 điều 32 của Nghị định 144, phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ

Siết xử phạt hành vi kinh doanh xăng dầu trái phép

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 04/11/2022 chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước phối hợp các cơ quan chức năng tại địa bàn, trong đó có nội dung:

“Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật đã được UBND tỉnh, thành phố cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó…”.

Một số cây xăng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đóng cửa gây đứt gãy cung ứng trong thời gian qua.

Một số cây xăng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đóng cửa gây đứt gãy cung ứng trong thời gian qua.

Theo Bộ Công thương, chỉ đạo này là cần thiết và theo đúng quy định tại điều 35, Nghị định số 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu trong nước, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi, bán hàng sai quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ...

Văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương đã nêu rõ là chỉ xử lý đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác, chứ không phải hành vi mua xăng bằng can, chai, thùng và các vật chứa khác.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 5/11, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội có văn bản số 999/CQTT-KT-PHLN v/v tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu do Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Chu Xuân Kiên ký gửi Công an TP Hà Nội, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội, Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã.

Công văn nêu rõ, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn; Công an Thành phố tăng cường biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật về xăng dầu; Sở Công thương thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu; Ban chỉ đạo 389 các địa bàn thường xuyên rà soát nắm bắt tình hình nhằm "tuyệt đối không để xảy ra tình trạng kinh doanh xăng dầu trái phép..".

Bộ Công thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương vào cuộc

Ngày 4/11, Bộ Công thương có các công văn gửi tới một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị gồm Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.

Chiều 4/11/2022, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công thương.

Ngay trong chiều 4/11, Bộ Công thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11/2022, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục