Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã bước sang năm thứ hai thực thi, thương mại 2 chiều Việt - Anh dự kiến sẽ nâng lên mức 10 tỷ USD trong vòng 1-2 năm tới.
Thông tin được Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) đưa ra tại Diễn đàn cấp cao Việt Nam – Vương Quốc Anh về Kinh tế và Thương mại.
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Anh đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2 so với 2020 và tăng hơn 4 lần so với trước khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2009, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Anh là 1,65 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu đạt 5,76 tỷ USD, tăng 16,4%, nhập khẩu đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%. Xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh tăng mạnh được cho chủ yếu nhờ UKVFTA có hiệu lực từ tháng 5/2021.
Kinh tế Anh sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch và sau khi Chính phủ Anh dỡ bỏ các quy định hạn chế đi lại từ ngày 18/3/2022. Nhu cầu hàng tiêu dùng tại Anh gia tăng đang tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, Anh còn đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam ở châu Âu, chỉ sau Đức, Hà Lan.
Tổng vốn FDI đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam đến năm 2021 là 4,15 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với trước khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (năm 2009, tổng vốn đầu tư của Anh vào Việt Nam mới đạt 2 tỷ USD).
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ, UKVFTA đã trở thành đòn bẩy rất lớn cho hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh. Ngoài thương mại đang được khai thác hiệu quả, thể hiện qua kim ngạch xuất nhập khẩu, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh đang có nhiều triển vọng.
Tại Hội nghị COP26 diễn ra vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuyên bố này đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc chuyển từ các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh hơn, sạch hơn, từ đó đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện 8) với trọng tâm ưu tiên phát triển các nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường như điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi ...
"Để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam đang nghiên cứu, đề xuất luật hoá việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của các đối tác và các nhà tài trợ quốc tế về công nghệ cũng như nguồn vốn ưu đãi. Đây là cơ hội để Việt Nam và Vương quốc Anh có thể tăng cường hợp tác", Thứ trưởng nhấn mạnh.