Khai phá một con đường, áp lực và niềm hạnh phúc

(ĐTCK) Khởi đầu từ con số 0, đến nay, sau 20 năm hình thành và phát triển, ngành chứng khoán đã tạo dựng được một cơ sở nền tảng cơ bản, vững chắc. Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Với mức tăng bình quân  24%/năm trong 5 năm qua, TTCK đã góp phần  hình thành một hệ thống tài chính hiện đại tại Việt Nam Với mức tăng bình quân 24%/năm trong 5 năm qua, TTCK đã góp phần hình thành một hệ thống tài chính hiện đại tại Việt Nam

Khai trương thị trường chứng khoán, một dấu mốc đặc biệt

Giữa những năm 1990, nhu cầu vốn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải có thị trường vốn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề nghị một số cơ quan triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập thị trường chứng khoán và sau đó, Chính phủ quyết định thành lập Ban soạn thảo Pháp lệnh về chứng khoán và thị trường chứng khoán (vào năm 1994), đại diện chủ yếu từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Văn Châu làm Phó ban.

Trên cơ sở Đề án của Ban soạn thảo Pháp lệnh kết hợp với Đề án của Ngân hàng Nhà nước và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chuẩn bị tổ chức thị trường chứng khoán (vào năm 1995) do anh Lê Văn Châu làm Trưởng ban, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng thị trường chứng khoán ở Việt Nam.

Một thời gian sau, nhận thấy với một tổ chức chưa được quy định rõ ràng như vậy thì tiến độ xây dựng thị trường không thể đẩy mạnh được, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/CP ngày 28/11/1996 về việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việc thành lập cơ quan quản lý thị trường chứng khoán là bước đi đúng đắn, sáng tạo và có ý nghĩa quyết định cho sự ra đời của thị trường chứng khoán sau đó hơn 3 năm.

Sau khi được thành lập, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nỗ lực bắt tay ngay xây dựng mô hình thị trường chứng khoán trình Chính phủ, Bộ Chính trị thông qua. Tại cuộc họp, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu kết luận đồng ý về mặt chủ trương và lộ trình xây dựng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, Tổng Bí thư có nói một câu đại ý là “phải chuẩn bị kỹ lưỡng đủ điều kiện hãy mở và đã nổ súng là phải thành công”. 

Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị về mô hình thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã dự thảo Nghị định về chứng khoán và thị trường chứng khoán trình Chính phủ ban hành vào năm 1998, có tên gọi là Nghị định số 48 về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Việc ban hành Nghị định thay cho luật hay pháp lệnh là nhằm bảo đảm tính linh hoạt cho khung pháp lý trong giai đoạn thị trường ban đầu, đồng thời giảm thiểu các thủ tục cho việc sớm triển khai thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành quyết định thành lập 2 trung tâm giao dịch chứng khoán tại Hà Nội và TP.HCM với nhận thức trong giai đoạn đầu chỉ nên thành lập trung tâm đơn giản, sau đó nâng cấp thành sở giao dịch chứng khoán. Trong thời gian này, Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc đã hỗ trợ rất tích cực cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng cơ sở pháp lý.

Bên cạnh công tác tạo hàng, đào tạo nhân lực thì công tác chuẩn bị hệ thống công nghệ được tập trung thực hiện. Được anh Lê Văn Châu đồng ý, chúng tôi đề nghị Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc hỗ trợ, nhưng khủng hoảng tài chính khu vực xảy ra nên kế hoạch này không thực hiện được.

Khai phá một con đường, áp lực và niềm hạnh phúc ảnh 1

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về hoạt động của TTCK 

Vào thời điểm đó, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan sang Việt Nam và có đặt vấn đề là công suất của Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan đang rất lớn do khủng hoảng, có thể sử dụng ngay hệ thống giao dịch của Thái Lan để mở cửa thị trường đỡ tốn kém. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy việc liên thông thị trường mình với Thái Lan là rất khó chấp nhận, nên cuối cùng Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan đề xuất hỗ trợ xây dựng hệ thống giao dịch, còn hệ thống lưu ký, thanh toán thì để FPT xây dựng.

Đồng thời với việc chuẩn bị ở Trung tâm thì tại sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, anh Nguyễn Đức Quang, anh Trần Xuân Hà cũng chỉ đạo quyết liệt các vụ chức năng xây dựng các quy chế. Một loạt công tác khác được triển khai song song như công tác đào tạo; phối hợp với ngân hàng, tổ chức bảo hiểm để thành lập công ty chứng khoán; công tác tạo hàng cho thị trường; triển khai hệ thống công nghệ…

Ngày 20/7/2000, tại buổi lễ khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch UBND TP. HCM Bảy Thanh, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Đức Quang chính thức cắt băng khánh thành Trung tâm Giao dịch Chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam.

Khai phá một con đường, áp lực và niềm hạnh phúc ảnh 2

 Khai mở không gian dành cho  nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thăm quan và tìm hiểu về TTCK Việt Nam

Ngày 28/7/2000, diễn ra phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán trên Trung tâm Giao dịch  Chứng khoán TP. HCM. Trước ngày giao dịch, không khí trên thị trường rất nóng, cổ phiếu giao dịch chỉ có 2 mã, có thể thấy rõ cung - cầu căng thẳng, giới đầu cơ kỳ vọng vào thị trường chứng khoán nên đổ xô mua cổ phiếu, giá chợ đen tăng từng ngày, thậm chí người ta còn mua vét cổ phiếu vào buổi tối…

Sau khi Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đi vào hoạt động khoảng được 3 năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sớm xây dựng Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Trên tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) đã triển khai rất tích cực về các vấn đề liên quan như cơ sở vật chất, nhân sự, con người, hệ thống.

Ngày 8/3/2005, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức được khai trương. Việc ra đời của Trung tâm có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, sự ra đời này gắn với việc Đảng và Chính phủ triển khai chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thông qua các phiên đấu giá cổ phần qua Trung tâm đã góp phần thúc đẩy quá trình cải cách  doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo việc bán phần vốn nhà nước diễn ra công khai, minh bạch và công bằng, từ đó cuốn hút được một lực lượng lớn nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán, góp phần thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển.

Lãnh đạo Sở GDCK Nasdaq làm việc với Đoàn công tác Việt Nam, sang tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng TTCK lớn mạnh 

Những khởi đầu đầy khó khăn, áp lực

Xây dựng thị trường trong giai đoạn đầu là một vấn đề hết sức khó khăn, nhưng duy trì nó hoạt động được trong những thời kỳ đầu tiên cũng là một công việc cực kỳ gian nan, vất vả. Một trong những cái khó lớn nhất thời điểm đó là hàng hóa cho thị trường chứng khoán, thời điểm khai trương chỉ có 2 mã cổ phiếu là REE và SAM.

Vì tất cả các yếu tố thị trường lúc đó ở nước ta còn rất manh nha, cổ phần hóa mới ở giai đoạn ban đầu, hàng hóa rất ít và đa phần các doanh nghiệp không muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán vì họ ngại công bố thông tin, ngại bị săm soi những thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh của họ, ngại cả những yếu tố mới ảnh hưởng đến vị trí của Ban lãnh đạo. Bởi vậy, công tác tạo hàng cho thị trường chứng khoán thời gian đầu rất khó khăn.

Một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên là việc thị trường gặp sự cố về hệ thống giao dịch. Tôi vẫn nhớ, sau ngày khai trương thị trường, một chuyên gia Thái Lan có hỏi tôi? “Ông đã trở thành Giám đốc sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam, vậy điều gì đang khiến ông lo lắng nhất?”.

Tôi trả lời rằng: “Tôi lo nhất là không có hàng hóa, mất cân đối cung - cầu, nhiều nhà đầu tư lao vào đầu tư cổ phiếu đến khi mà nó tăng trưởng nóng, đổ vỡ thì nhà đầu tư bị mất tiền và ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán”. Nhưng ông ấy có nói: “Tôi không nghĩ đó là vấn đề cần lo lắng, mà phải là vấn đề công nghệ”.

Lúc đó, tôi cũng không hình dung được tại sao họ nói vậy, nhưng khi thị trường triển khai được 3 - 4 tháng, vào chiều muộn thứ Sáu, tôi nhận được một tin là hệ thống giao dịch bị trục trặc nên cuối buổi không có giá khớp lệnh. Trong 2 ngày cuối tuần, chúng tôi đã phối hợp với các chuyên gia gấp rút xử lý hệ thống, đồng thời cử cán bộ tới các công ty chứng khoán để khôi phục số liệu của ngày giao dịch thứ Sáu.

Cũng may là đến đêm Chủ nhật thì sửa xong, lúc đó khối lượng giao dịch chưa nhiều nên số liệu được khôi phục đầy đủ và sang sáng thứ Hai thì trở lại giao dịch bình thường. Cũng may là thông tin này không lọt ra ngoài, nếu không thì rất phức tạp. Sau này, thi thoảng vẫn còn phát sinh những trục trặc của hệ thống giao dịch, mà báo chí gọi là “sập sàn”.

Cuối năm 2007, trước bối cảnh dấu hiệu khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản trong nước phát triển rất nóng, lạm phát tăng cao, nhiều chuyên gia quốc tế chỉ ra 7, 8 dấu hiệu trong số 10 dấu hiệu khủng hoảng tài chính ở Việt Nam và khuyến nghị nên áp dụng giải pháp mạnh như Thái Lan vào năm 1997 - 1998, cụ thể là vốn đầu tư nước ngoài vào 1 năm sau mới được rút ra, nếu rút ra dưới 1 năm thì chỉ được phép rút 2/3 số tiền và đánh thuế vào việc hồi vốn này.

Tuy nhiên, chúng ta đã biết là khi Thái Lan công bố hai giải pháp này thì thị trường chứng khoán Thái Lan biến động mạnh, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt và Bộ trưởng Tài chính Thái Lan phải tuyên bố hủy bỏ biện pháp này.

Khi đó, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng đề án chống khủng hoảng, đồng thời xây dựng một bản báo cáo về đầu tư gián tiếp nước ngoài báo cáo Chính phủ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng nhận định của các chuyên gia nói vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài gây ra hiện tượng đầu cơ, nguy cơ tạo ra đổ vỡ khi rút vốn ra ở Việt Nam là chưa chính xác vào thời điểm đó.

Theo phân tích của chúng tôi, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam là dòng vốn của tổ chức nên mục tiêu của họ là tương đối lâu dài. Cuối cùng, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán và không có những động thái gây phức tạp như Thái Lan tại thời điểm đó đã thực thi.

Bước sang năm 2008, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao, tỷ giá biến động, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính đưa ra 10 giải pháp báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán.

Vào thời điểm tháng 8/2012, thị trường chứng khoán chứng kiến những thời khắc cam go nhất do những tác động tiêu cực từ thông tin liên quan đến việc vi phạm pháp luật của một số thành viên một ngân hàng. Thị trường chứng khoán đã mất tổng cộng 5,6 tỷ USD; chỉ số VN-Index giảm 11,8% và HNX-Index giảm tới 15,4% trong vòng 6 ngày.

Trong thời khắc khó khăn, nhạy cảm đó, lãnh đạo Bộ Tài chính đã họp khẩn cấp với lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán, đưa ra những giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đã có một quyết định sáng suốt, chính xác vào thời điểm đó giúp ổn định tâm lý và lòng tin của nhà đầu tư, giữ cho thị trường vận hành an toàn, liên tục, giúp cho thị trường chứng khoán vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Những khiếm khuyết của thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu khó khăn đã khiến sự nhìn nhận của xã hội, của các ngành đối với thị trường chứng khoán không mấy thiện cảm. Lúc đó, người dân, báo chí vẫn coi thị trường chứng khoán là sòng bạc, thậm chí nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước cũng có suy nghĩ ấy, mà diễn biến thị trường thì lại rất thất thường, lúc lên, lúc xuống. Khi chỉ số thị trường tăng điểm, nhà đầu tư đầu tư hồ hởi thu lợi nhuận, còn lúc thị trường sụt giảm, nhà đầu tư bị mất tiền thì tâm lý bị xáo trộn và dễ có những phản ứng.

Lúc đó, dường như không ai nhìn thấy được những đóng góp lớn lao của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế và doanh nghiệp, bởi đằng sau thị trường chứng khoán là huy động vốn, là áp dụng minh bạch về quản trị công ty. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất băn khoăn.

Cho đến ngày hôm nay, mọi người đã nhận thấy rằng nền kinh tế cũng như hoạt động của doanh nghiệp không thể không minh bạch; doanh nghiệp không thể không quản trị công ty và sử dụng thị trường chứng khoán để huy động vốn một cách hữu hiệu, Nhà nước không thể không dựa vào thị trường chứng khoán để cổ phần hóa và cải cách doanh nghiệp…

... và niềm hạnh phúc

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán đã tăng 1.560 lần, số lượt công ty niêm yết đạt 686 công ty, chưa kể trên 300 công ty đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM, quy mô niêm yết tăng 1.928 lần. Quy mô huy động vốn, giá trị giao dịch bình quân hiện nay đã tăng gấp 50 lần trong vòng 10 năm qua. Chỉ tính riêng trong 10 năm trở lại đây, quy mô huy động vốn qua thị trường chứng khoán đã đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ đã tương đương gần 60% so với cung tín dụng qua thị trường tiền tệ - tín dụng.

Tổng giá trị vốn huy động qua thị trường chứng khoán tới nay ước đạt 2 triệu tỷ đồng và huy động gần 17 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp.  Đến nay, giá trị dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 24% GDP; mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 39% GDP. Thị trường chứng khoán tăng bình quân  24% mỗi năm trong 5 năm qua và đang ngày càng trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần dần hình thành một hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ - tín dụng.

Cấu trúc thị trường chứng khoán cũng ngày càng hoàn thiện với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu trong nước. Thị trường trái phiếu Việt Nam thường xuyên đứng trong nhóm 3 nước có tốc độ phát triển cao nhất khu vực châu Á theo đánh giá của ADB; hoạt động phát hành trái phiếu thông qua đấu thầu trên thị trường chứng khoán dần trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ thay thế cho việc bán lẻ thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Hệ thống giao dịch ngày càng hoàn thiện, hiện đại, kết nối với hệ thống Bloomberg, quy mô giao dịch trong những năm qua đều tăng trưởng rất cao, đã hình thành đường cong lợi suất chuẩn cho thị trường; tỷ trọng các trái phiếu kỳ hạn dài ngày càng lớn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn.

Nhiều công ty niêm yết sau cổ phần hóa trên thị trường chứng khoán, quy mô, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị được nâng cao rõ rệt. Quy mô  doanh nghiệp tăng chủ yếu nhờ vào việc mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao hiệu quả và khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Hầu hết doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa niêm yết đều có lãi qua các năm, bình quân hàng năm tổng doanh thu tăng khoảng 3,5%, lợi nhuận tăng khoảng 8,6% năm.

Chúng tôi cũng rất tự hào là nhiều doanh nghiệp đã trưởng thành, lớn mạnh nhờ vào thị trường chứng khoán và được các nhà đầu tư chiến lược lớn nước ngoài quan tâm như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI)...

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Trong những lúc khó khăn, các ngân hàng thương mại đã huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu để đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ trong tiến trình tái cấu trúc.

Nếu tính chung từ 2005 đến nay, thông qua thị trường chứng khoán các ngân hàng thương mại đại chúng đã huy động được hơn 252 nghìn tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu. Thị trường chứng khoán đã giúp các ngân hàng thương mại tăng tổng vốn điều lệ từ 20,6 nghìn tỷ đồng lên 272,6 nghìn tỷ đồng.

Một thành quả đáng ghi nhận khác là thị trường khởi tạo văn hóa minh bạch trong nền kinh tế.  Có thị trường chứng khoán, quy chuẩn về công bố thông tin, trách nhiệm giải trình dần được xác lập và thực thi. Bắt đầu từ các doanh nghiệp niêm yết, đến các doanh nghiệp đại chúng và nay là cả khối doanh nghiệp nhà nước, văn hóa kinh doanh minh bạch cứ dần lan tỏa và khẳng định giá trị trong đời sống doanh nghiệp, đời sống nền kinh tế Việt Nam. Tạo dựng con đường và kiên quyết thúc đẩy sự minh bạch bằng luật pháp, bằng chế tài, ngành chứng khoán là ngành tiên phong dẫn dắt sự minh bạch trong nền kinh tế.

Ngoài ra, quản trị công ty đối với các công ty niêm yết đã dần được nâng cao theo thông lệ quốc tế, tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các doanh nghiệp niêm yết. Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho công ty đại chúng cũng đã đánh dấu một sự đột phá trong quản trị doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Báo cáo thẻ điểm quản trị công ty của ASEAN qua các năm gần đây cho thấy sự tiến bộ liên tục đối với chỉ số quản trị công ty niêm yết của Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán đến nay, chúng ta có thể khẳng định, việc xây dựng thị trường chứng khoán là chủ trương rất đúng đắn nhằm tạo lập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta. Trong đó, cơ quan quản lý được thành lập trước nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý, xây dựng thị trường bảo đảm cho thị trường hình thành và phát triển trong trật tự, tránh được tình trạng phát triển một cách tự phát và đổ vỡ như các nước.

Quá trình phát triển thị trường chứng khoán đi từ thấp đến cao, trong đó có một số nội dung được tập trung triển khai ngay từ đầu, đó là vấn đề minh bạch công bố thông tin, vấn đề quản trị công ty và tự động hóa các khâu giao dịch, thanh toán. Công tác tái cấu trúc được triển khai một cách kiên định, đồng thời hướng tới việc mở rộng các sản phẩm mới, thị trường mới.

Đây cũng là kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của tập thể Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, các thành viên thị trường, các cơ quan thông tấn, báo chí...

Với nền tảng đã có và những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán đến nay, tôi tin tưởng thị trường chứng khoán nước ta ngày càng hội nhập sâu và tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong những năm tới.

TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Theo Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục