Khai mạc Thượng đỉnh G20: Thế giới cần chuyển đổi để xây dựng lòng tin

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng sau đại dịch Covid-19, thế giới đối mặt với thách thức mới là thiếu hụt lòng tin. Với vai trò Chủ tịch G20, Ấn Độ kêu gọi toàn bộ thế giới hãy tin cậy lẫn nhau.
Phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 sáng 09/09 tại New Delhi, Ấn Độ (ANI) Phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 sáng 09/09 tại New Delhi, Ấn Độ (ANI)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi- với tư cách chủ nhà của Nhóm các nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2023, đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu khai mạc Thượng đỉnh G20 năm 2023 tại thủ đô New Delhi sáng 9/9.

Ngay trước khi diễn ra phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 2023 tại khu hội nghị Bharat Mandapam ở thủ đô New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chào mừng sự tham dự của Liên minh châu Phi (AU) với tư cách thành viên đầy đủ của khối. Như vậy, liên minh khu vực gồm 55 quốc gia thành viên này đã hiện diện chính thức tại diễn đàn G20 kể từ hôm nay. Đây là nỗ lực của Ấn Độ nhằm đưa tiếng nói của các nước Nam Bán cầu tới được với thế giới.

Thủ tướng Ấn Độ, với tư cách chủ tọa của phiên họp cũng đã gửi lời chia buồn tới những nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ động đất tại Morocco.

Phát biểu trong phiên khai mạc với chủ đề Một Trái đất, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng sau đại dịch Covid-19, thế giới đối mặt với thách thức mới là thiếu hụt lòng tin. Và điều không may là các cuộc chiến tranh càng làm tình trạng ngăn cách này trở nên sâu sắc.

“Phải nhớ rằng nếu chúng ta đã có thể chiến thắng được đại dịch như Covid - 19, chúng ta cũng có thể chiến thắng được thách thức như sự thiếu hụt lòng tin này. Hôm nay, với vai trò Chủ tịch G20, Ấn Độ kêu gọi toàn bộ thế giới hay chuyển từ sự thiếu lòng tin hiện nay sang sự tin tưởng và tự tin. Đây là thời điểm để chúng ta cùng tiến lên" - Ông Modi nói.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Ấn Độ Modi sử dụng tới một thành ngữ tiếng Hindi là "Sabka Saath, Sabka Vikas, Sabka Vishwas, và Sabka Prayas"- có nghĩa sự ủng hộ của mọi người, sự phát triển của mọi người, niềm tin của mọi người và nỗ lực của mọi người. Ông cho rằng đây có thể là ánh sáng dẫn đường cho tất cả chúng ta.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ tin rằng bất kể kinh tế toàn cầu có hỗn loạn, sự chia tách giữa phương Nam và phương Bắc, khoảng cách giữa Đông và Tây, hay các vấn đề về nhiên liệu, lương thực, phân bón, hoặc những vấn đề nan giải về chủ nghĩa khủng bố và an ninh mạng, y tế, năng lượng và an ninh nguồn nước, cả thế giới phải hướng tới một giải pháp cụ thể cho những thách thức này, không chỉ cho hiện tại mà còn cho các thế hệ tương lai.

Trái với các lo ngại trước khi diễn ra Hội nghị, rằng những căng thẳng địa chính trị trên thế giới hiện tại có thể ảnh hưởng tới chương trình nghị sự của Thượng đỉnh G20, trong phiên họp chiều 9/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết các thành viên G20 đã đạt được đồng thuận về Tuyên bố New Delhi của các nhà lãnh đạo G20.

G20 là một diễn đàn đa phương gồm 19 nền kinh tế phát triển và đang nổi của thế giới cùng Liên minh châu Âu. G20 chiếm tới 85% tổng GDP toàn cầu, hơn 75% trao đổi thương mại của thế giới, gần 2/3 dân số có mặt trên hành tinh này. Diễn đàn này là nơi để các nhà lãnh đạo thế giới bàn bạc các vấn đề vĩ mô toàn cầu có ảnh hưởng tới nhân loại trước mắt và lâu dài.

Chủ đề của Năm Chủ tịch G20 của Ấn Độ là “Một Trái đất, Một gia đình, Một tương lai” - được rút ra từ văn bản tiếng Phạn cổ của Maha Upanishad. Về cơ bản, chủ đề khẳng định giá trị của mọi sự sống – con người, động vật, thực vật và vi sinh vật – cũng như mối liên hệ giữa chúng trên hành tinh Trái đất và trong vũ trụ rộng lớn hơn.

Chủ đề cũng nêu bật Lối sống vì môi trường, với các lựa chọn liên quan, bền vững với môi trường và có trách nhiệm, trên phương diện cá nhân cũng như sự phát triển quốc gia, dẫn đến các hành động mang tính biến đổi toàn cầu, hướng tới một tương lai sạch hơn, xanh hơn.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục