G20 sẽ thảo luận về việc tăng cường khoản vay cho các quốc gia đang phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ gặp nhau tại Ấn Độ vào tuần tới để thảo luận về việc tăng cường các khoản vay cho các quốc gia đang phát triển từ các tổ chức đa phương, cải cách cấu trúc nợ quốc tế và các quy định về tiền điện tử.
G20 sẽ thảo luận về việc tăng cường khoản vay cho các quốc gia đang phát triển

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ các quốc gia G20 cũng sẽ thảo luận về một thỏa thuận đa phương về đánh thuế các tập đoàn có hoạt động xuyên biên giới.

Trong đó, cuộc họp diễn ra vào ngày 17/7 và 18/7 tại Gandhinagar sẽ là cuộc họp lần thứ ba của các bộ trưởng tài chính dưới nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Ấn Độ và sẽ chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ở New Delhi vào tháng 9.

Cuộc họp có thể sẽ có sự tham dự của hầu hết các quan chức cấp cao từ các quốc gia thành viên G20, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch mới được bổ nhiệm của Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva.

Một quan chức Ấn Độ cho biết, các quan chức có thể sẽ thảo luận về việc tăng đáng kể các khoản vay hàng năm cho các quốc gia đang phát triển từ các tổ chức đa phương theo khuyến nghị của một hội đồng độc lập được thành lập vào tháng 3.

Hội đồng độc lập được G20 ủy nhiệm để đề xuất cải cách cho các ngân hàng phát triển đa phương, tập trung vào việc gia tăng tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững và biến đổi khí hậu bên cạnh các mục tiêu khác.

Quan chức này cũng cho biết G20 sẽ tiếp tục công việc giải quyết những khác biệt trong việc giúp các quốc gia có thu nhập thấp quản lý gánh nặng nợ nần và giải phóng nguồn tài chính cho vấn đề khí hậu.

Các quốc gia như Zambia và Ghana đã chờ đợi các chủ nợ lớn để đạt được tiến bộ trong việc giảm nợ theo Khuôn khổ chung do G20 dẫn đầu.

Vào tháng 4, các chủ nợ toàn cầu, các quốc gia vay nợ và các tổ chức tài chính quốc tế đã đồng ý kích hoạt Khuôn khổ chung - một nền tảng được cho là sẽ đẩy nhanh và đơn giản hóa quá trình đưa các quốc gia đang gặp khó khăn trở lại hoạt động bình thường.

Mặc dù Zambia đã đạt được thỏa thuận vào tháng 6 để tái cơ cấu khoản nợ 6,3 tỷ USD từ các chính phủ nước ngoài bao gồm cả Trung Quốc, nhưng vẫn còn nhiều thách thức.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương cũng sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc quản lý tiền điện tử trong khu vực địa lý tương ứng.

Tại cuộc họp đầu tiên của các quan chức này vào tháng 2, IMF đã tán thành quan điểm của chính phủ Ấn Độ rằng tài sản tiền điện tử sẽ yêu cầu quy định toàn cầu và phối hợp, đồng thời đưa ra tùy chọn có chủ quyền để cấm các tài sản đó.

G20 cũng dự kiến sẽ thảo luận về những khác biệt chính trong việc đánh thuế đối với các công ty đa quốc gia lớn theo khuôn khổ do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra.

Hôm thứ Tư (12/7), OECD đã đồng ý để hoãn đánh thuế đối với các công ty đa quốc gia lớn trong một năm đến năm 2025 cho đến khi có một khuôn khổ chung.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục