Khai mạc kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV: Cuộc sống chờ quyết sách lớn từ nghị trường

0:00 / 0:00
0:00
Câu hỏi về quy hoạch thuỷ điện, về đầu tư cho công tác cứu hộ, và còn nhiều câu hỏi khó trả lời hơn nữa, có thể chưa có câu trả lời đầy đủ tại nghị trường.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (thứ hai từ phải sang) tại hiện trường vụ sạt lở đất tại huyện Hướng Hoá (Quảng Trị). Đại biểu Hà Sỹ Đồng (thứ hai từ phải sang) tại hiện trường vụ sạt lở đất tại huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).

Dẫu miền Trung đau thương trong mưa lũ, dẫu nỗi lo về Covid-19 còn treo lơ lửng, Quốc hội khoá XIV vẫn khai mạc kỳ họp thứ 10 đúng lịch, với khối lượng công việc đồ sộ, vì thực tế cuộc sống đang chờ những quyết sách lớn từ nghị trường.

Từ cuộc sống...

Sáng nay (20/10), khi Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 10, đầu cầu Quảng Bình, nơi đoàn đại biểu tỉnh này tham gia họp trực tuyến đã có một khoảng trống lớn.

Đó là vị trí của thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, người đã cùng 12 cán bộ, chiến sĩ khác, hy sinh trên đường đi cứu nạn ở Rào Trăng 3 (tỉnh Thừa Thiên Huế) ngày 13/10 vừa qua.

Chủ nhật (18/10), chỉ còn hai ngày nữa Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp mới, 2h sáng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng trị, cũng là Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh này, đại biểu Hà Sỹ Đồng, sau phiên họp khẩn cấp tại trụ sở Ủy ban cũng lên đường cứu nạn, với trọng trách trưởng đoàn. Khi đó, vụ sạt lở đất đã xảy ra ở khu nhà Tham mưu của sư đoàn 337 tại huyện Hướng Hoá với số người mất tích là 22 người.

Tối 19/10, từ hiện trường, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, việc tìm kiếm 22 thi thể cán bộ, chiến sỹ đoàn 337 đã hoàn tất nhưng còn nhiều xã có người mất tích nên vẫn phải tiếp tục nhiệm vụ, sáng mai chưa thể về dự họp được. Phải cứu dân đã, ông Đồng nói.

Nếu không có các vụ tai nạn khủng khiếp đó, hẳn Tướng Man và Phó chủ tịch Đồng, thời điểm ấy đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu tài liệu, tham vấn chuyên gia, chuẩn bị bước vào một kỳ họp với số lượng công việc khổng lồ: không chỉ xem xét các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách, đầu tư công của năm 2020, năm 2021, mà còn tổng rà soát tất cả các yêu cầu từng đặt ra trong cả 5 năm đã được Chính phủ và các vị "tư lệnh ngành" thực hiện ra sao.

Bên cạnh đó, công việc lập pháp vẫn phải hoàn thành với việc xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 4 dự án luật khác.

Đại biểu Quốc hội hoạt động theo chế độ không chuyên trách không thể dành toàn bộ thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu, nhưng khi một danh tính được xướng lên, cử tri đâu có phân biệt vị đó là kiêm nhiệm hay chuyên trách, và đặc biệt, sức nặng của mỗi phát ngôn hay mỗi nút bấm khi biểu quyết lại càng không có bất cứ sự phân biệt nào. Bởi thế, thành công của mỗi kỳ họp, sức mạnh của các quyết sách từ nghị trường, đòi hỏi sự cố gắng chung của cả hơn 480 vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất, không phân biệt vị trí, chức vụ.

Đến nghị trường

Kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục duy trì hình thức họp trực tuyến đợt 1 (7 ngày) và trực tiếp đợt 2 (12 ngày), thế nên, các vị đại biểu kiêm nhiệm đang nắm giữ vị trí lãnh đạo tại địa phương có thể linh hoạt hơn trong giải quyết công việc mà vẫn không bê trễ nhiệm vụ đại biểu.

Hơn 100 vị đại biểu chuyên trách, đương nhiên sẽ có mặt tại Phòng Diên Hồng (Nhà Quốc hội). Họ cũng là lực lượng chủ chốt để hình thành lên các báo cáo thẩm tra về kinh tế, xã hội, ngân sách, đầu tư công... cho đến các dự án luật.

Là đại biểu chuyên trách, cũng là người con của dải đất miền Trung gian khó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) luôn đau đáu dõi theo tin tức từ trận lũ lịch sử đang hoành hành nơi đây.

Từ mất mát cụ thể, nhìn rộng ra đời sống cử tri vùng lũ bão, đại biểu Thuý tâm tư, vấn đề quan trọng là cần quyết sách lớn nào để giúp họ sống chung, thích nghi ứng phó với bão lũ (nói rộng hơn là biến đổi khí hậu), tức là đem cho dân cần câu, chứ không phải chỉ con cá khi họ đói lòng.

"Dịch chưa qua, bão lũ lại đến, lũ chồng lũ, bão chồng bão, miền Trung đang quằn quại chịu bao đau thương, mất mát cả về người và tài sản vì thiên tai, thật là đau lòng. Bài học về cứu hộ là phải có các giải pháp đồng bộ và phương tiện thích hợp. Điển hình là trường hợp thuyền đánh cá của người dân bị mắc nạn cách bờ hơn 1 km loay hoay cứu người mãi không xong, nhưng khi có trực thăng chỉ 20 phút là giải quyết được. Từ đây, không chỉ vấn đề về phân bổ ngân sách thế nào, đầu tư nguồn lực ra sao cho công tác cứu hộ cứu nạn, mà cả quy hoạch thuỷ điện, giám sát an toàn các công trình này cũng cần được các đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm hơn", bà Thuý bày tỏ.

Câu hỏi về quy hoạch thuỷ điện, về đầu tư cho nhân lực và phương tiện cứu hộ, và có thể còn nhiều câu hỏi khó trả lời hơn nữa, từ cuộc sống, có thể chưa có câu trả lời đầy đủ, nhưng chắc chắn sẽ đi vào nghị trường, khi mất mát quá lớn đã xảy đến ngay trước thềm kỳ họp.

Hãy tiết kiệm các chi tiêu chưa thực sự cần thiết, để dành tiền trang bị các phương tiện cứu hộ như trực thăng, xe lội nước, thuyền bè, áo phao. Mỗi khu dân cư cần có một vài công trình kiên cố để dân bấu víu vào đó tồn tại trong những ngày nước lũ, đó là nguyện vọng không chỉ của một cử tri gửi đến Quốc hội.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiều khó khăn nội tại đã tồn tại từ nhiều năm chưa được cải thiện nhiều, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, hạn hán, nước biển dâng... đã và đang gây tác động khó lường đến phát triển kinh tế, xã hội trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong khi đó, như trao đổi của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với Báo Đầu tư, bài toán ngân sách đã trở nên hết sức khó khăn, bởi ngân sách hụt thu lớn, nhu cầu chi lại tăng lên. Chính phủ sẽ trình, và Quốc hội chắc chắn phải có lời giải cho bài toán ngân sách đang hết sức căng thẳng, không chỉ cho năm nay, năm sau mà cho cả giai đoạn 5 năm tới.

2,75 triệu tỷ đồng đầu tư công cho cả giai đoạn (theo dự kiến của Chính phủ) không phải số tiền thoải mái để chi cho tất cả các công trình. Nhưng giám sát từ ủy ban chuyên môn của Quốc hội đã chỉ ra rằng, cả nước đang có hàng ngàn hồ đập hư hỏng, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Hơn một lần, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã lưu ý phải ưu tiên bố trí nguồn lực cho vấn đề này.

Cuộc sống đang chờ những quyết sách lớn, từ Quốc hội.

An Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục